Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng: Quả đắng không chỉ cho ngân hàng

Bài 3: Đạo đức xuống cấp, lòng tham không đáy

Thứ Ba, 02/07/2013, 09:59
Tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (NH) nói chung, vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng nói riêng đang gióng lên hồi chuông báo động bởi những vụ việc được phát hiện ngày càng nhiều, với số tiền thiệt hại ngày càng lớn, số tiền thất thoát lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.
>> Bài 2: Chiêu trò tinh vi, bài học đắt giá

Đối tượng phạm tội bị khởi tố, bắt giam để lại những khoản nợ xấu vật vã, nhiều ngân hàng (NH) đã “chết” hoặc ngắc ngoải phải tái cơ cấu. Nhưng suy đến cùng, quả đắng này không chỉ dành riêng cho các NH, bởi hậu quả cuối cùng vẫn là Nhà nước và người dân sẽ phải gánh chịu. Nhiều NH đang vật vã tìm lối thoát và khắc phục trái đắng do chính mình tạo ra…

Gian nan công cuộc đòi nợ

Ôm một cục nợ xấu to đùng, hầu như NH nào cũng bở hơi tai cho công cuộc đi đòi nợ. Tuy nhiên, không phải ai cũng dám “khoe” món nợ xấu của mình, nên hầu hết các NH đều âm thầm triển khai công cuộc đi đòi nợ của mình, coi như một nghiệp vụ bình thường. Vì thế mà câu chuyện đi đòi nợ “ngày đêm đau khổ” của bầu Hiển - ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Sài Gòn Hà Nội (SHB) tâm sự với các cổ đông trở thành câu chuyện được nhiều người rất chú ý.

Năm 2012, SHB đã thực hiện công cuộc sáp nhập đình đám với Ngân hàng Nhà Hà Nội (HBB), đánh dấu vụ sáp nhập đầu tiên giữa 2 NH niêm yết trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống NH Việt Nam. Tuy nhiên, để có được HBB thì SHB cũng đã phải tiếp nhận luôn cả khoản nợ xấu khổng lồ mà HBB "tích lũy" được. Nợ xấu đến cuối năm 2012 của SHB được ghi nhận mức 4.845,8 tỷ đồng, tăng 7,44 lần về quy mô so với 2011. Cũng từ đây, công cuộc đi đòi nợ của SHB đầy cam go.

Cần bịt các "lỗ hổng" trong chuyên môn, nghiệp vụ ngân hàng để phòng ngừa sai phạm.

Theo bầu Hiển, công cuộc đi đòi nợ của ông là “bạc đầu” và “ngày đêm đau khổ”. Hầu như ngày nào cũng 11, 12h đêm mới về ăn tối, buổi trưa có hôm họp xử lý nợ xấu đến 1, 2h chiều, ăn trưa luôn bằng mỳ tôm. Không phải chỉ một mình Chủ tịch bạc đầu, ngay cả nhân viên của SHB cũng lao vào cuộc thu hồi nợ nhiều nhọc nhằn. Nguyên Tổng Giám đốc Habubank khi về với SHB cũng đã phải nhận quyết định điều chuyển thành chuyên viên thu hồi công nợ. Cú “hạ bệ” ngoạn mục này đã từng gây xôn xao trong giới NH.

Kinh tế suy thoái, ngay cả nhiều DN làm ăn chân chính cũng ngắc ngoải nên “túng làm liều”, không ít công ty đem tài sản của mình ra cầm cố để vay một lúc nhiều NH. Đến khi DN đứng trên bờ vực phá sản thì các NH không khác gì ngồi trên đống lửa. Việc vài ba NH “mắc võng” siết nợ DN không phải là hiếm trong thời gian gần đây. Năm 2012, 4 nhà băng là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), NH Sài Gòn Hà Nội (đại diện mới cho Habubank sau khi sáp nhập), NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và NH Á Châu (ACB) đã cùng một lúc xúm vào xiết nợ Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) của đại gia Phạm Thị Diệu Hiền (Cần Thơ) là một ví dụ điển hình.

Gần đây nhất, vụ 7 NH cùng túc trực xiết nợ Công ty Trường Ngân, Bình Dương cũng gây nhiều chuyện bi hài và cười ra nước mắt. Cùng lúc, 7 NH cử các nhân viên đến xiết nợ, cử lực lượng bảo vệ cùng tới giám sát kho hàng được cho là còn hàng nghìn tấn cà phê. Đây là tài sản đảm bảo duy nhất được Trường Ngân thế chấp để vay vốn tại cả 7 NH này. Ngay cả với một địa phương còn… chưa giàu như Phú Thọ, tội phạm trong lĩnh vực tài chính – NH cũng gây nhiều hậu quả lớn, khó khắc phục. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Khắc Hoạt, Trưởng phòng PC46 Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có gần 30 khách hàng, không có khả năng chi trả với số tiền mất khả năng thanh toán lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhiều NH phải chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì nhiều đối tượng khi biết không còn khả năng thanh toán đã “cao chạy xa bay”, “bặt vô tâm tín”…

Vì sao vi phạm trong hoạt động tín dụng gia tăng?

Theo thống kê của Thanh tra NHNN và tổng kết của C46 – Bộ Công an, thực trạng vi phạm pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng thời gian vừa qua có nhiều dạng vi phạm cơ bản, gồm: vi phạm về điều kiện vay vốn, nguyên tắc vay vốn, hồ sơ vay vốn, vi phạm về thẩm định, về kiểm tra - giám sát vốn vay, vi phạm về đảm bảo tiền vay, về phân loại nợ, về công tác kế toán. Ở góc độ khách quan là do mặt trái của cơ chế thị trường, khủng hoảng kinh tế, DN làm ăn thua lỗ, hệ thống pháp luật về tài chính – NH còn nhiều sơ hở, bất cập. Về mặt chủ quan là do đạo đức của một bộ phận cán bộ NH xuống cấp, năng lực yếu kém, quản lý, quản trị kém, thiếu chiến lược kinh doanh. Hoạt động của hệ thống kiểm soát - kiểm toán nội bộ còn hạn chế; thậm chí hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. 

Tội phạm trong lĩnh vực NH vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của C46, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng CSKT đã phát hiện, điều tra 21 vụ, với số tiền thiệt hại lên đến 1.440 tỷ đồng. Từ thực tế công tác điều tra khám phá án, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng C46, Bộ Công an cũng đúc kết nguyên nhân của tội phạm này gia tăng là do hệ thống NH thương mại và các chi nhánh phát triển một cách ồ ạt về số lượng, chưa chú trọng chất lượng; cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến vi phạm pháp luật. Một số NH TMCP tăng trưởng tín dụng nóng bằng cách tăng lãi suất huy động vốn, chấp nhận rủi ro cao; tập trung cho vay vào lĩnh vực có lợi nhuận cao nhưng nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Hoạt động của nhiều NH bộc lộ nhiều sơ hở; cho vay đảo nợ để che giấu nợ xấu, không thực hiện đúng quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng. Đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ NH kém…

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thẩm định tài sản không rõ ràng, vượt quá giá trị thực để cả DN và NH cùng lãnh hậu quả. Có một thực tế là một DN có thể mở tài khoản giao dịch ở nhiều NH, cũng như được vay nợ từ nhiều NH khác nhau. Nếu DN không trung thực, không thiện chí, tài sản đã thế chấp xong rồi, nhưng vẫn gian dối kê khai là chưa thế chấp để được vay tiền tiếp thì các NH sẽ rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, do lỗi từ phía cán bộ tín dụng khi kiểm tra giám sát không chặt chẽ người đi vay, trong khi hệ thống thông tin về tài sản đảm bảo còn quá yếu. Đáng lẽ phải có Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo, thì hiện nay, việc thẩm định còn rất mù mờ. Các NH chỉ đăng ký tài sản đảm bảo khi nó là BĐS, còn các tài sản là động sản khác như thiết bị máy móc, hàng hóa của DN thì chưa được đăng ký.

Ở một góc độ khác, trong những năm qua, chính sách tiền tệ của NHNN cũng có sự thay đổi. Trong một số năm, có việc giao chỉ tiêu cho các NH cơ sở để tăng trưởng tín dụng nóng. Các NH vì sức ép của cấp trên và vì chỉ tiêu đã buông lỏng quản lý tài sản đảm bảo hoặc cho vay ở nhiều lĩnh vực nhạy cảm như cho vay bất động sản, vay chứng khoán dẫn đến việc mất khả năng thanh khoản…

TS Nguyễn Minh Phong: Có lỗ hổng trong chuyên môn nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng và rủi ro đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ tín dụng. Khó có thể nói là chỉ đơn thuần do năng lực yếu kém, mà chắc chắn là có sự thông đồng, bắt tay tạo điều kiện để hai bên cùng có lợi giữa NH và DN. Điều này cũng cho thấy hệ thống thông tin giám sát nợ thế chấp, tài sản đảm bảo chỉ là hình thức mà không hoạt động hiệu quả. 

Thạc sỹ Nguyễn Xuân Trường, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng: Đạo đức một bộ phận cán bộ NH có vấn đề: Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sai phạm trong lĩnh vực NH là do đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ NH xuống cấp nghiêm trọng. Không ít cán bộ NH không chỉ lợi dụng các hoạt động nghiệp vụ để tham nhũng, mà còn câu kết, móc nối với các đối tượng bên ngoài để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

M.Hà - L.Thúy - X.Mai - Đ.Thắng
.
.
.