Hệ lụy từ những con tàu đang lưu giữ ở nước ngoài của Vinashinlines:

Bài 2: Phận thuyền viên như “treo cột buồm”

Thứ Ba, 30/07/2013, 10:44
Đến thời điểm này, trên những con tàu đang nằm tại cảng ở nước ngoài, có khoảng 60 thuyền viên đang neo đậu cùng tàu. Tàu nằm liệt vị không hoạt động nhưng các bộ phận của tàu vẫn phải vận hành để duy trì. Với những thủy thủ gắn đời mình với những chuyến tàu, thì việc phải ngồi không đã là một cực hình, song cũng chưa thấm vào đâu bằng cái việc họ phải đằng đẵng chờ đợi ngày được trở về đoàn tụ với gia đình.
>> Bài 1: Thân phận chìm nổi của những con tàu nghìn tỷ

Số phận của họ đang được định đoạt bằng việc Vinashinlines bán được tàu. Bán được hay không và bao giờ bán được, công ty này vẫn chưa thể khẳng định, khi mà việc bán tàu phụ thuộc nhiều vào thị trường và người mua…

Đều là những lao động trụ cột

Hơn 2 năm bám tàu New Horizon mãi tận Pakistan, máy trưởng Nguyễn Xuân Lạc điện thoại về cho biết, tình cảnh của anh em thuyền viên vô cùng khó khăn, bức bối. Khi chúng tôi liên hệ với anh Lạc vào ngày 18/7, thì cũng là ngày thứ hai nhiên liệu trên tàu đã hết, anh em trên tàu phải chẻ củi để nấu cơm. Trên con tàu này, người ít nhất bám trụ cũng đã sang tháng thứ 9, còn lại đến hơn 2 năm. Như lửa thiêu, vợ anh Lạc gặp chúng tôi tại trụ sở Công ty Vinashinlines chỉ mong sao công ty ứng chi trả trước vài tháng lương, để gia đình bớt khó khăn. Mọi chi tiêu trong nhà, ăn học của con cái lâu nay vẫn trông cả vào đồng lương thuyền viên của anh Lạc. Anh Lạc không nhận được lương cả năm nay, giờ gia đình cầm cự cũng đến lúc khó chịu đựng được.

Người nhà các thuyền viên lên tận công ty đòi nợ lương.

Trong câu chuyện liên quan đến các thuyền viên, không chỉ bản thân họ đang chịu đựng những cơ cực, cả về thể xác lẫn tinh thần, mà những người thân của họ ở quê nhà luôn sống trong phấp phỏng, chờ đợi. Quá lo lắng khi mà đến cuối tháng 7, vẫn chưa có được thông tin nào khả quan về việc người thân được trở về, hàng chục người thân của các thuyền viên trên các tàu Hoa Sen, Sea Eagle, New Horizon cũng đã lần lượt lặn lội lên tận trụ sở Công ty TNHH MTV Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines) ở Pháp Vân, Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Chữ, cha của thuyền viên Nguyễn Văn Đạt ở Hưng Yên rơm rớm nước mắt: “Con tôi đi được 22 tháng rồi. Con nó sinh ra nó cũng chưa biết mặt nữa. Tôi giờ tuổi này còn phải làm việc nuôi cả gia đình và cả hai đứa con nó nữa”. Tình cảnh của thuyền viên Nguyễn Quý Quân còn bi đát hơn. Cha anh mất đến nay là tháng thứ ba rồi, mà anh vẫn chưa thể về để chịu tang. Trên tàu New Horizon có cả thảy 20 thuyền viên (kể cả thuyền trưởng, máy trưởng) đang canh cánh mong ngày được trở về.

Vẫn phụ thuộc vào việc bán tàu

Cuộc làm việc vào buổi chiều muộn cuối tháng 7 của chúng tôi với tân Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vinashinlines Nguyễn Quế Dương, khi ông vừa động viên thân nhân gia đình các thuyền viên trở về nhà để chờ đợi công ty giải quyết. Thật khó để có thể trấn an, làm dịu những bức xúc của gia đình các thuyền viên khi nó được tích tụ từ quá lâu. Nhưng với quan điểm “quyền lợi của thuyền viên và quyền lợi của công ty là một”, ông Dương đã nhận được sự đồng cảm của gia đình các thuyền viên trước tình cảnh khó khăn của công ty.

Như trút được phần nào gánh nặng đang đặt lên vai người “thuyền trưởng” mới, ông Dương cho biết, thời gian này, công ty cũng đã rất quan tâm tới điều kiện sinh hoạt, điều kiện sống của các thuyền viên sống trên tàu nằm bờ, nên họ cũng đã yên tâm hơn một chút. Trong chiều 19-7, một tổ thuyền viên mới đã được công ty đưa sang thay thế cho tàu Hoàng Sơn đang nằm ở Ấn Độ. Ở thời điểm này, để đưa được người sang thay thế, ăn chực nằm chờ ở xứ người, không phải là chuyện dễ. Ông Dương trải lòng: “Việc này phụ thuộc vào uy tín của người lãnh đạo. Nói gì làm được cái đấy thì thuyền viên họ sẽ tin tưởng nghe theo. Tôi vừa là lãnh đạo, vừa là thầy giáo của rất nhiều thuyền viên ở đây, nên họ rất tin tưởng”.

Còn chuyện một số gia đình thuyền viên đến công ty thắc mắc, thì cũng là lý do chính đáng. Bởi trước đây, công ty từng hứa với họ là sẽ bán tàu, rồi trả đủ lương cho các thuyền viên, nên người thân đã động viên thuyền viên ở lại. Nay việc bán tàu diễn ra chậm so với kế hoạch, họ sốt ruột cũng là lẽ thường tình. Ông Dương cho biết, người nhà thuyền viên có đặt vấn đề, với những thuyền viên đã nằm bờ theo tàu 10, thậm chí 20 tháng thì nay có thể cho người nhà nhận trước vài tháng lương hay không? Đây cũng là yêu cầu hợp lý, nên chiều 19-7, công ty đã tiếp nhận ý kiến, đồng thời làm công văn gửi lên Tổng Công ty, các tổ chức tín dụng và Bộ GTVT trình bày, xin duyệt cho chi trước một số khoản để trả lương cho người nhà thuyền viên.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn mấu chốt của vấn đề vẫn là phải bán được tàu. Bán tàu trong thời điểm thị trường vận tải biển đang trên đà đi xuống không phanh là bài toán cân não những người đang chèo lái con thuyền Vinashinlines.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, quyền Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Vinashin) thừa nhận: Việc bán tàu tại thời điểm này vô cùng phức tạp. Để bán được tàu, chúng tôi đã lập cả một hội đồng. Hiện nay, có 6 tàu (ở nước ngoài) trong diện bán đều đã được thẩm định giá. Còn nếu tính tổng số tàu mà đã được phê duyệt bán của Tổng Công ty là 10 chiếc. Trong đó, Chính phủ yêu cầu dành nhiều quan tâm cho tàu nằm ở nước ngoài. Vì là công ty Nhà nước nên mọi việc làm phải tuân thủ đúng quy trình. Trước đây, còn nhiều vướng mắc liên quan đến thẩm định giá, mình không theo kịp thị trường.

Tuy nhiên, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng giải quyết tất cả các vấn đề nóng. Chủ tịch Hội đồng thành viên của Vinalines Nguyễn Ngọc Huệ cũng rất sốt ruột. Do đó, hằng ngày, hằng giờ, chúng tôi thường xuyên phải làm báo cáo cập nhật những thông tin mới nhất để gửi cho lãnh đạo. Có thể nói, hiện giờ mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng suôn sẻ. Với sự thuận lợi như hiện nay, công ty hy vọng trong tháng 8 sẽ bán thành công được 3 con tàu Atlatic, Diamont Way, New Hozion. Thực tế, quá trình bán tàu khá hồi hộp, chỉ khi nào hai bên ký thỏa thuận, giao tàu và nhận hết tiền thì lúc đó mới được coi là thành công. Chứ nhiều khi người mua đặt cọc rồi, song họ vẫn có thể rút lại.

Để những người mới chèo lái con thuyền Vinashinlines giải quyết thấu đáo và bù đắp những thiệt thòi mà các thuyền viên trên những con tàu đang lưu trú ở nước ngoài, cần có sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng.

Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn cũng đang tích cực tham gia vào quá trình giải quyết nợ lương của các doanh nghiệp thuộc Vinashines, Vinalines. Về vấn đề  giải quyết quyền lợi cho các thuyền viên, thì hiện Chính phủ, Bộ GTVT, bản thân các DN của Vinashines cũng đang xúc tiến trên tinh thần cao nhất, ưu tiên giải quyết những bức xúc, vướng mắc về nợ lương của người lao động, việc này cũng là một phần trong Đề án tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn đang theo dõi sát sao về vấn đề này để kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Uyên Huyền
.
.
.