Bác sĩ cũng “hùa” với tân dược “rởm”

Thứ Ba, 21/07/2009, 11:13
Dù biết rất rõ thuốc của Bùi Tiến Thành là thuốc quá date, đã được cạo sửa hạn sử dụng nhưng bác sĩ T.N.A. (thường trú phường Tân Định, quận 1, TP HCM) vẫn móc nối với Thành để mua với giá thấp hơn giá thị trường 20% - 40% bán cho bệnh nhân và khách hàng.

Từ đầu năm đến nay, riêng Chi cục QLTT TP HCM phát hiện, thu giữ 12.634 gói tân dược nhập lậu các loại, 11.850 hộp thuốc Paracetamol (500mg) là hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, nhiều vụ vi phạm tân dược là hàng giả, kém chất lượng cũng bị lực lượng Công an bắt giữ với số lượng lớn…        

Tràn lan tân dược "rởm"

Ngày 14/7, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV Công an TP HCM phối hợp với Công an quận Bình Thạnh phát hiện một đối tượng đi xe gắn máy vận chuyển 2 thùng tân dược ra Bến xe Miền Đông để đưa lên xe khách vận chuyển đi tỉnh. Số tân dược này không có hoá đơn chứng từ.

Cùng ngày, khám xét khẩn cấp tại nơi ở của đối tượng (phường 25, quận Bình Thạnh), lực lượng kiểm tra phát hiện tiếp 20 thùng tân dược chứa 40 loại thuốc (ho, kháng sinh, tim mạch, thuốc bổ…) của các hãng nổi tiếng và nhiều nhãn, toa thuốc, vỏ hộp thuốc… số lượng hàng trăm kilôgam, nhiều loại không rõ nguồn gốc. Vụ việc hiện cơ quan Công an tiếp tục làm rõ.

Trước đó, ngày 5/5, Công an TP HCM phát hiện Hà Huy Hùng (trú tại phường 8, quận 3) đang vận chuyển tân dược giả trên xe gắn máy đi tiêu thụ. Từ lời khai của Hùng, cơ quan Công an xác định Nguyễn Thanh Hoàng (ở tại phường Tân Hưng, quận 7), là đối tượng chuyên sản xuất tân dược giả ngay tại địa chỉ trên.

Cùng ngày, cơ quan CSĐT tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Hoàng, phát hiện có nhiều phương tiện máy móc dùng sản xuất thuốc giả (máy ép vỉ thuốc, máy dập hạn sử dụng, máy sấy dùng sấy màng co vỉ thuốc… ) và 38 thùng carton tân dược các loại, số lượng hàng trăm kilôgam…

Nguyễn Thanh Hoàng cùng với những thùng tang vật là thuốc tây giả đã bị Công an TP HCM bắt giữ. Ảnh: T.H..

Ngoài các loại thuốc giả, trên thị trường cũng xuất hiện tràn lan các loại thuốc quá hạn sử dụng nhưng đã được cạo sửa date hoặc thuốc nhập lậu kém chất lượng. Điều đáng quan tâm là nhiều loại thuốc nhập lậu qua kết quả giám định cho thấy không tuân thủ theo các quy định quản lý của Nhà nước Việt Nam như: Không có tem nhà nhập khẩu, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát chất lượng, không in số đăng ký, visa trên vỏ hộp…

Cơ quan CSĐT cũng đã bắt giữ và đề nghị truy tố nhiều đối tượng liên quan đến các hoạt động gian lận này.

Hám lợi, coi thường tính mạng người sử dụng

Theo quy định, bệnh nhân khi sử dụng tân dược thì cần phải có chỉ định của bác sĩ và dược sĩ là người bán thuốc. Nhưng thực tế, không ít người vì muốn thu lợi bất chính số tiền lớn trong khoảng thời gian ngắn nên đã không từ một thủ đoạn nào để sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm thuốc kém chất lượng, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đối tượng sản xuất, kinh doanh tân dược "rởm" thường có một điểm chung đó là tung ra thị trường số lượng lớn những loại thuốc đang được tiêu thụ mạnh.

Điển hình như vụ tân dược bị cơ quan CSĐT phát hiện ngày 14/7, tang vật thu giữ là các loại thuốc bán rất chạy như: Vastarel 20mg (điều trị dự phòng cơn đau thắt ngực), Neo-Codion (trị ho), Motilium - M 40mg (trị ăn không tiêu, đầy bụng…), Tanganil 500mg (trị chóng mặt), Cota-xoang (trị viêm xoang, viêm mũi)… Hay cơ sở sản xuất thuốc giả của Nguyễn Thanh Hoàng (phường Tân Hưng, quận 7) cũng "chuyên" sản xuất các loại thuốc làm giảm đau, thấp khớp, tiểu đường…

Điều nguy hiểm hơn, các loại thuốc "rởm" này cũng được chính tay những thầy thuốc đem bán cho bệnh nhân để hưởng lợi. Đó là bác sĩ T.N.A. (thường trú phường Tân Định, quận 1) dù biết rất rõ thuốc của Bùi Tiến Thành (phường 11, quận 3) là thuốc quá date, đã được cạo sửa hạn sử dụng nhưng bác sĩ A. vẫn móc nối với Thành để mua với giá thấp hơn giá thị trường 20% - 40% bán cho bệnh nhân và khách hàng.

Còn đối với Bùi Tiến Thành, để có "hàng" cung cấp cho thị trường, Thành đã mua các loại thuốc hết hạn sử dụng của những người bán dạo, sau đó tẩy xóa, đóng lại hạn sử dụng rồi bán ra thị trường với giá rẻ.

Các đầu mối tiêu thụ thuốc của Thành là những người bán thuốc dạo tại các trung tâm bán sỉ, một số bác sĩ, nhà thuốc trên địa bàn TP HCM và các tỉnh. Khi bị phát hiện, số lượng thuốc bị cơ quan Công an thu giữ gồm 820,8kg với 1.799 loại thuốc.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất, kinh doanh tân dược "rởm", tân dược nhập lậu, trong thời gian tới Chi cục QLTT vẫn đưa mặt hàng này vào danh sách tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng nên rất cần có sự phối hợp nhiều ngành để phát hiện, xử lý thật kiên quyết. Vì trên thực tế, đã có không ít đối tượng đã bị truy tố, xét xử về tội "làm, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" nhưng khi ra tù lại tiếp tục tái phạm vì không thể chịu nổi trước món lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động gian lận này

Thúy Hà
.
.
.