Bắc Kạn: Rừng quý hiếm bị xâm hại nghiêm trọng

Thứ Ba, 11/10/2011, 09:47
9 tháng năm 2011, Bắc Kạn đã xảy ra 644 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Các đối tượng có hành vi khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản khi bị phát hiện đã quyết liệt chống đối lực lượng chức năng để tẩu tán tang vật.

Tại vườn quốc gia, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, tình trạng khai thác trái phép lâm sản đang diễn biến phức tạp. Trong 5 năm trở lại đây, Bắc Kạn đã xảy ra khoảng 6.000 vụ vi phạm về rừng. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là 18.952ha diện tích rừng tự nhiên có gỗ quý hiếm, rừng núi đá, rừng giáp ranh chưa giao đến chủ quản lý cụ thể…

Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 10/2011, mưa dai dẳng ở khu vực miền núi, chúng tôi đi dọc theo quốc lộ 3 theo hướng từ thị xã Bắc Kạn lên Cao Bằng và thấy rất nhiều thân gỗ có giá trị cao mới khai thác vứt ngổn ngang dọc hai bên đường.  Tại Km 230, QL3, thuộc địa phận Bắc Kạn, có khu vực gỗ được tập trung một điểm với khối lượng lớn. Một số khu vực khác, nhiều thân gỗ có giá trị xuất hiện ngổn ngang ở rìa cánh rừng, dưới lòng đường.

Gỗ quý nhiều là vậy, nhưng vài giờ đồng hồ thị sát ở đây, chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng của chủ sở hữu của hàng trăm thân gỗ quý, cũng không hề thấy lực lượng làm nhiệm vụ có mặt. Đi sâu vào rừng, chúng tôi bắt gặp những gốc cây gỗ lâu năm đã bị chặt hạ và thân của chúng đã được chuyển đi nơi khác. Đi tìm người dân khu vực để hỏi thăm, chúng tôi gặp nhiều khó khăn bởi cánh rừng nằm xa khu dân cư. 

Chúng tôi đã làm việc với Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - Công an tỉnh Bắc Kạn để tìm hiểu vấn đề này. Đại úy Dương Văn Tuân, Đội trưởng Đội Chống buôn lậu và gian lận thương mại cho biết, tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn thường xảy ra.

Từ đầu năm đến tháng 9/2011, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Kạn đã bắt và xử lý 10 vụ vi phạm liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản. Vụ gần nhất là vào tối 10/9, lực lượng Cảnh sát kinh tế phối hợp với đơn vị hữu quan đã bắt giữ xe ôtô BKS 97C-0007x do lái xe Long Văn Phong, trú tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) điều khiển. Trên xe chở 132 khúc gỗ nghiến (nhóm IIa) được ngụy trang bằng hình thức gỗ giấu dưới sàn xe, bên trên dùng bao xi măng che chắn.

Vụ vận chuyển trái phép lâm sản bị lực lượng chức năng tỉnh Bắc Kạn phát hiện, bắt giữ gần đây.

Trước đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã bắt giữ xe ôtô BKS 34L-857x do lái xe Nguyễn Văn Tình, trú tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên) điều khiển. Trên xe vận chuyển 10,8m3 gỗ nghiến (nhóm IIa) được ngụy trang khá tinh vi.

Tiếp xúc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi được biết: So với cùng kỳ năm ngoái, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ quý hiếm và các loại lâm sản vẫn diễn ra phức tạp ở một số địa phương như: xã Cư Lễ, xã Côn Minh, xã Ân Tình (huyện Na Rì); xã Đôn Phong, xã Vũ Muộn, xã Sỹ Bình (huyện Bạch Thông); xã Đồng Lạc, xã Quảng Bạch (huyện Chợ Đồn)… với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, liều lĩnh hơn.

Các đối tượng vi phạm khi bị phát hiện sẵn sàng chống lại lực lượng thi hành công vụ. Đó là tình trạng khai thác gỗ quý hiếm (nhóm IIa) đã có lúc trở thành điểm nóng gây bức xúc trong nhân dân tại một số khu vực như: Vườn Quốc gia Ba Bể (huyện Ba Bể); Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì) và các khu rừng giáp ranh.

Chỉ tính ở Khu Bảo tồn thiên nhiên và Vườn Quốc gia Ba Bể, 9 tháng năm 2011, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 116 vụ vi phạm, tịch thu số lượng lớn gỗ quý các loại. Trong 9 tháng năm 2011, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã lập biên bản, xử lý 644 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thu nộp ngân sách gần 4,2 tỷ đồng. 

Theo ông Bùi Văn Định, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, do diện tích rừng trên địa bàn rộng nhưng địa hình chia cắt, rừng lại ở xa trung tâm huyện và xã nên lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc thu nhận thông tin và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Do lợi nhuận cao từ việc buôn bán trái phép lâm sản nên các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng vi phạm thường tổ chức đông người, sẵn sàng chống trả để tẩu tán tang vật, phương tiện vi phạm khi bị lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng phát hiện, bắt giữ.

Một số chủ rừng chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trên diện tích được giao, hoặc vì lợi ích trước mắt đã tự ý khai thác gỗ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi phá hoại rừng, thiết nghĩ, UBND tỉnh Bắc Kạn ngoài việc tích cực chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác bảo vệ rừng, thì cần phải giao trách nhiệm cụ thể cho mỗi đơn vị, địa phương, tránh để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, và hậu quả là tài nguyên rừng năm nào cũng "chảy máu".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng khai thác trái phép lâm sản vẫn diễn biến phức tạp là do nhu cầu sử dụng gỗ quý để làm nhà ở, đóng đồ nội thất... rất lớn, đặc biệt là việc buôn bán gỗ nghiến có lợi nhuận rất cao nên lôi cuốn nhiều người tham gia hoặc tiếp tay cho hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Mặt khác, ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân còn thấp; các chủ rừng nhận khoán bảo vệ rừng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trên diện tích được giao, được thuê; chính quyền một số địa phương cấp xã chưa thật sự quan tâm và coi trọng đúng mức về công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn quản lý.

Kết quả xác minh tại huyện Na Rì, huyện Ba Bể, huyện Chợ Đồn, huyện Bạch Thông và huyện Chợ Mới cho thấy, các hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm về khai thác, cất giữ, vận chuyển trái phép lâm sản chiếm 68,56% tổng số vụ vi phạm.

Nguyễn Hưng-Trần Huy
.
.
.