“Ba trụ cột” nhằm tạo dựng nền kinh tế có sức cạnh tranh toàn cầu

Thứ Ba, 23/12/2014, 10:31
Đây là đề xuất của Giáo sư Jeong Ho Kim, Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc tại Hội thảo “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 22/12 tại Hà Nội.

Đánh giá thể chế là nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam, ông Raymond Mallon, cố vấn cao cấp dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam RCV cho rằng: Việt Nam cần xây dựng thể chế kinh tế phù hợp với nhu cầu cụ thể của mình. Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang chậm lại.

Năng suất của ngành Nông nghiệp ở mức thấp; một số hạn chế trong các khuôn khổ pháp luật còn ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngành, quốc gia… Vì vậy, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn những nút thắt (chất lượng dịch vụ công hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện…), việc đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế là rất cần thiết nhằm xây dựng mô hình tăng trưởng mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và cạnh tranh cao. Song, ông Raymond Mallon nhìn nhận, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế không phải là việc dễ dàng, bởi sẽ có các nhóm lợi ích chống lại những thay đổi gây bất lợi đến vị trí đặc quyền, đặc lợi của họ. Hội nhập kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế sẽ buộc các ngành nghề kém cạnh tranh phải tham gia vào cạnh tranh.

Do đó, ông Raymond Mallon gợi ý: “Tái cấu trúc nền kinh tế cần tiếp tục triển khai tập trung vào 5 vấn đề lớn, gồm: bảo vệ quyền sở hữu, cải cách quy định pháp luật, khu vực công, thị trường lao động, tài chính và vốn”. Trong đó, ông Raymond Mallon lưu ý tới hiệu lực, hiệu quả việc thực thi những cải cách trong pháp luật về đấu thầu của Việt Nam thời gian qua.

Ông Raymond Mallon nhìn nhận: “Những cải cách gần đây trong pháp luật về đấu thầu và đầu tư công sẽ bảo đảm các nguồn lực công được sử dụng hiệu quả. Thêm vào đó, những quy định mới điều chỉnh hoạt động đầu tư, doanh nghiệp… cũng sẽ giúp các nguồn lực công được sử dụng tốt hơn”.

Liên quan tới vấn đề này, tại hội thảo, Giáo sư Jeong Ho Kim nhận định, trong tương lai, Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia năng động. Để đạt được mục tiêu đặt ra, GS. Jeong Ho Kim gợi ý, Việt Nam cần tiếp cận 3 trụ cột nhằm tạo dựng nền kinh tế có sức cạnh tranh toàn cầu, đó là chính trị, xã hội và kinh tế. Về mặt kinh tế, là nước đi sau với tốc độ nhanh, Việt Nam có thể dựa vào các ngành công nghiệp truyền thống để tăng trưởng, nhưng khi kinh tế đạt mức chín muồi, Việt Nam sẽ phải dựa vào các ngành công nghệ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng tri thức cao để trở thành “người dẫn đầu” đối với nền kinh tế.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngoài 3 trụ cột tạo dựng nền kinh tế nêu trên thì hiện nay có một trụ cột khác là môi trường đang thu hút sự quan tâm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đặc thù đang trong quá trình chuyển đổi nên xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập để “đi đúng dòng chảy” và phát triển bền vững là rất quan trọng.

Trân Trân
.
.
.