An ninh lương thực - nỗi lo của toàn cầu

Thứ Hai, 07/03/2011, 10:45
Dân số và lương thực không chỉ là nỗi lo của một gia đình, một chính phủ mà của cả xã hội loài người. Vấn đề trên, dưới tác động của nhiều yếu tố xã hội cũng như điều kiện tự nhiên như biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái trên toàn cầu, không dễ "chìm xuồng" như trước đây mà đang trở thành "giọt nước cuối cùng" làm bùng nổ những cuộc khủng hoảng hệ lụy nghiêm trọng khác khiến cho "bức tranh toàn cảnh thế giới" nhanh chóng thay đổi trong thời gian qua.

Bùng nổ dân số và nỗi lo khủng hoảng an ninh  lương thực   

Thống kê cho thấy, trong quá khứ cứ 1.000 năm thì dân số thế giới mới tăng gấp đôi. Nhưng kể từ thế kỷ XVIII trở đi, thời gian trên đã bị thu hẹp lại với một tốc độ ngày càng "khủng khiếp" từ 200 năm xuống đến 80 năm và đến hiện nay chỉ còn lại 37 năm.

Theo báo cáo mới nhất của LHQ, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt 9,2 tỷ người so với con số 6,7 tỷ người hiện nay và theo TS Nina Fedoroff - cố vấn khoa học và kỹ thuật của hai đời Ngoại trưởng Mỹ - như vậy, dân số thế giới đã vượt quá "giới hạn bền vững" của trái đất. 

Theo tính toán của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), mỗi ngày hành tinh chúng ta lại có thêm 200.000 miệng ăn nữa và để nuôi sống được 9,2 tỷ con người, sản lượng lương thực thế giới cần phải tăng gấp rưỡi so với hiện nay, nghĩa là trong 40 năm tới con người cần phải có một lượng lương thực tương đương đã được sản xuất ra trong 8.000 năm qua.

Trong báo cáo mới nhất, Viện Chính sách trái đất (EPI) cảnh báo hiện tượng thiếu hụt lương thực đã bắt đầu xuất hiện rõ nét vào cuối năm 2010 và bước sang năm 2011, thế giới đang hình thành "bong bóng thực phẩm" và bong bóng này có thể vỡ bất cứ lúc nào với hệ lụy khó lường như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng lương thực vào năm 2008 với các cuộc bạo loạn tại 33 nước và đẩy hơn 100 triệu người lún sâu hơn vào cảnh đói nghèo.

Chưa bao giờ vấn đề giá lương thực, thực phẩm lại trở nên nghiêm trọng như hiện nay.  Theo AFP, chỉ số giá cả của 55 mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, ngũ cốc, đường, sữa... trong tháng 1 đã tăng lên 231 điểm, mức cao nhất kể từ khi FAO bắt đầu thống kê giá lương thực.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick phải lên tiếng cảnh báo rằng thách thức lớn nhất đối với các quốc gia đang phát triển hiện nay chính là nguy cơ gia tăng giá lương thực, thực phẩm. Trong cuộc khủng hoảng lương thực lần trước, theo WB có khoảng 870 triệu người tại các nước đang phát triển lâm vào tình trạng đói hoặc suy dinh dưỡng và hiện nay, FAO cho rằng con số này đã tăng lên 925 triệu người...

Dân số tăng nhanh là nỗi lo với an ninh lương thực.

Báo cáo của UNEP nhấn mạnh, mấy chục năm qua, song song với việc không ngừng đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá toàn cầu, dân số tiếp tục tăng trưởng, môi trường toàn cầu đã không ngừng xấu đi. Ông Kevin Trenberth, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia tại Boulder thuộc bang Colorado (Mỹ), nhận định: "Thời tiết khắc nghiệt có thể gây nên cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu". 

Lúa là một loại cây lương thực nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới. Theo tính toán, tới năm 2030 sản lượng lúa của thế giới có thể tăng thêm 60% so với sản lượng năm 1995. Về mặt lý thuyết, lúa có khả năng cho sản lượng cao hơn nữa, song điều kiện canh tác như hệ thống tưới tiêu, chất lượng đất, biện pháp thâm canh và biến đổi khí hậu đang ngăn cản xu thế trên. Hàng loạt yếu tố tiêu cực về thiên nhiên và môi trường nếu không cải thiện, đến năm 2050, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ giảm 25%, giá lương thực sẽ có thể tăng từ 30-50%.

Khủng hoảng dầu mỏ cũng có tác động tiêu cực tới an ninh lương thực thế giới. Hoa Kỳ, nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, đã dành ra 30% số lượng bắp sản xuất đại trà để chế biến nhiên liệu thay thế xăng.

EPI có trụ sở tại Washington đã có một so sánh thú vị: số hạt ngô cần để tạo đủ nhiên liệu đổ đầy bình xăng trong một chiếc xe nhãn hiệu SUV có thể khiến một người no đủ suốt năm. Ngoài ra, nguồn nước bên dưới tầng địa chất bị cạn kiệt, băng tan làm nước biển dâng tràn gây hiện tượng nhiễm mặn trên đất trồng lúa tại châu Á cũng chiết giảm sản lượng lương thực được sản xuất ra.

Hạn hán kéo dài, nạn đói kèm theo.

Bảo đảm an ninh lương thực, một yêu cầu tiên quyết  cho sự ổn định và phát triển

Trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế, sản xuất lúa gạo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Năm 2009, diện tích lúa toàn thế giới đạt 161 triệu hécta với sản lượng 679 triệu tấn, năng suất 4,2 tấn/ha. So với năm 1961, diện tích lúa tăng 50 triệu ha, sản lượng tăng 470 triệu tấn và năng suất tăng 2,25 lần.

Trong 10 năm gần đây, sản lượng lúa thế giới đã tăng 75 triệu tấn, chủ yếu là do áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Với những nỗ lực và thành tựu to lớn đó, nhiều quốc gia đã tự túc được lương thực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho khu vực và toàn cầu. Song theo đánh giá của FAO, hiện thế giới vẫn có hơn một nửa dân số, tương đương với 3 tỉ người, phải sống dựa vào lúa gạo, trong đó có 925 triệu người bị đói và thiếu dinh dưỡng và trớ trêu thay khoảng 90% sản lượng gạo của toàn thế giới được sản xuất tại châu Á nhưng lại có tới 65% dân số của châu lục này đang bị thiếu lương thực. Như vậy, việc bảo đảm an ninh lương thực vẫn còn là một thách thức lớn mang tính toàn cầu.

Một trong những biện pháp gia tăng an ninh lương thực là kiểm soát dân số và áp dụng công nghệ xanh trong nông nghiệp. Trong hơn 30 năm, dân số Trung Quốc ngoài việc đã tránh sinh được gần 400 triệu người còn kiên quyết duy trì bằng được 105 triệu ha đất nhằm canh tác. Các giống trên cho năng suất 12 tấn/ha đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia có khả năng tự cung cấp lương thực lớn nhất thế giới.

Đối với Ấn Độ, cho dù dân số đã vượt ngưỡng 1 tỷ người, nhưng nhờ thành tựu của "cách mạng xanh" trong mấy thập kỷ vừa qua nên đã có năm Ấn Độ dư thừa và xuất khẩu lương thực. Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, 50% diện tích đất trồng lúa đã bị mất trắng trong thời kỳ 1965 - 1990 để phát triển đô thị và công nghiệp, nhưng họ đã tạo ra kỳ tích về thâm canh tăng năng suất lúa và đồng thời thay đổi phong cách ẩm thực - ăn ít gạo - và mặt khác do thu nhập cao nên phần tiền để mua gạo không đáng kể so với chi tiêu hằng ngày, nên an ninh lương thực cho hơn 120 triệu dân vẫn "vững như bàn thạch".

Tuy vậy, cần phải nhấn mạnh rằng: Tăng năng suất không thể là vô hạn. Ví dụ, tại Nhật Bản, năng suất trồng lúa liên tục gia tăng trong nhiều thập niên, tuy nhiên từ 14 năm nay, chỉ số năng suất này đã bị chững lại. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang tiến gần đến mức thu hoạch tối đa tương tự như tại Nhật Bản. Nhằm tăng diện tích canh tác, hiện nay một số các nước giàu USD như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang thực hiện chiến lược thuê ruộng đất ở các nước khác để sản xuất lúa ngoài lãnh thổ.

Với Việt Nam, từ một đất nước phải triền miên nhập khẩu lương thực, chúng ta đã vươn lên vị trí "cường quốc" xuất khẩu gạo, năm 2010 đạt sản lượng gần 7 triệu tấn xuất ra thị trường thế giới. Thành tựu này có vai trò rất quan trọng với sự ổn định chính trị, xã hội; góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Nguyễn Trần Minh
.
.
.