An Giang: Nuôi gà rừng cho thu nhập cao

Thứ Hai, 10/09/2012, 22:21
Ban đầu chỉ có 3 con gà rừng, sau khi thuần hóa, đến nay anh Bùi Trọng Khang (ngụ ấp An Hòa, xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) đã sở hữu bầy gà rừng nguyên chủng hàng chục con. Đây là bầy gà rừng được xếp là “đệ nhất” vùng Bảy Núi.

Tìm tới nhà anh Khang, chúng tôi cứ tưởng nhầm địa chỉ, bởi trước nhà anh Khang là một khoảng trống chẳng thấy nuôi con gà nào. Đến khi được chủ nhà dắt ra sân sau, chúng tôi ngỡ ngàng trước đàn gà rừng đang bay nhảy trên mái nhà. Chỉ tay về con gà trống rừng lớn nhất trong đàn có màu lông sặc sỡ đang đập cánh, anh Khang kể: “Hôm trước có một người đem con gà trống nhà khoảng 2,5kg đến thả vào chuồng, lập tức con gà trống rừng bay đến đá tới tấp, làm con gà trống ta phản đòn không kịp. Nó bay nhanh lắm, đá cũng bạo. Tuy nhỏ con, nhưng hễ thấy con gà ta lớn cỡ nào, chúng cũng xông đến ra đòn cho bằng được. Với uy lực dũng mãnh, ra đòn nhanh, gà rừng lúc nào cũng thắng thế”.

Anh Khang là một giáo viên dạy môn Hóa Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong một lần đi dạy, thấy người dân trên núi bẫy được cặp gà rừng (1 trống, 1 mái), anh Khang mua lại đem về nuôi trong lồng sắt. Do đặc tính của gà rừng nhút nhát, mỗi khi gặp người là bay, nhảy loạn xạ, dễ bị tổn thương nên chẳng bao lâu 2 con gà rừng chết. Vốn đam mê nuôi gà lạ, anh Khang quyết tâm lên núi Cấm học cách thuần gà rừng. Khi bày tỏ việc muốn nuôi nhốt gà rừng trong lồng sắt, những bậc tiền bối tận tình chỉ kinh nghiệm nuôi sao cho hiệu quả. Thấy cách thuần gà rừng cũng dễ, tôi về làm cái chuồng khoảng 50m2 sau nhà, phía trên bao lưới B40, rồi mua 3 con gà rừng (1 trống, 2 mái) thả vào thuần dưỡng. Trong chuồng, tôi còn thả vài con gà tre để gà rừng có bạn. Nếu chỉ thả riêng biệt gà rừng thì rất khó thuần. Nhất là lúc cho ăn, khi rải thóc vào chuồng nếu không có gà tre chạy lại ăn thì gà rừng không dám lại. Không bao lâu, những con gà rừng được thuần một cách dễ dàng.

Đàn gà rừng cho thu nhập cao của anh Khang.

Trên núi Cấm có ông năm Râu cũng biết thuần gà rừng, nhưng chủ yếu thuần hóa bằng cách cho lai với gà nhà. Còn anh Khang thì không làm như vậy. “Gà rừng là giống quý, nếu đem lai với gà nhà sẽ làm mất nguồn gen của chúng. Do đó, phải biết cách thuần hóa và giữ nguyên chủng giống gà rừng thì mới có giá trị” – anh Khang cho biết. Sau một năm kiên trì thuần hóa, 2 con gà rừng bắt đầu đẻ, mỗi con đẻ được 7-8 trứng. Cũng giống như gà nhà, khoảng 20 ngày ấp ổ, đàn gà rừng con bắt đầu nở rộ. Lúc này, gà rừng mái không còn nhút nhát như trước, đàn gà con gần gũi với người nên ít tính hoang dã. Khi lớn lên, anh Khang còn đem gửi thả quanh quẩn sau nhà người thân không cần phải làm chuồng nhốt, mà gà cũng không bay về rừng.

Hơn 5 năm thuần gà rừng, anh Khang đã sở hữu một đàn gà lên đến cả trăm con. Hiện tại, anh bán bớt chỉ chừa lại 26 con, trong số đó có 20 con gà mái và 6 gà trống. Với số lượng gà mái như vậy, mỗi lần cho sinh sản nở ra hơn trăm chú gà rừng con. Hiện tại, mỗi tháng anh Khang cung cấp từ 1-3 con gà trống rừng cho khách du lịch. Một con có giá khoảng 1,5 - 2,5 triệu đồng, vậy mà không đủ để bán.

Thời gian tới, anh Khang dự định hùn với người bạn mở mô hình trồng nho kết hợp với nuôi gà rừng, gà tre Tân Châu… trên diện tích khoảng 1ha dưới chân núi Cấm để phục vụ khách du lịch

V.Đức– T.C.
.
.
.