A Lưới, Thừa Thiên - Huế: Huyện "trời đánh"

Thứ Hai, 21/12/2009, 10:35
Huyện miền núi, biên giới A Lưới (Thừa Thiên - Huế) được mệnh danh là huyện "trời đánh" do ở đây liên tục bị sét đánh. Nhiều người trở nên tâm thần, vẫn còn bị ám ảnh những đòn trời giáng. Người chết, con vật, cây trồng, đồ điện cháy không đếm xuể... Mỗi khi trời mưa, không ai dám ra khỏi nhà. Nguyên nhân vì sao huyện bị sét đánh nhiều vẫn còn là điều bí ẩn.

Sống dở chết dở vì sét đánh

Hàng năm cứ vào tháng 4 đến cuối tháng 7 âm lịch, hiện tượng sét đánh xảy ra liên tục và trở thành nỗi sợ hãi của đa số bà con các dân tộc thiểu số (DTTS) ở A Lưới. Hầu hết 21 xã, thị trấn đều bị thiên lôi "dòm ngó". Nhưng xã điển hình nhất "huyện trời đánh" là Đông Sơn, đây cũng là "rốn" dioxin/da cam của A Lưới.

Trước đây, ngã ba Bốt Đỏ (nơi có cột mốc đánh dấu đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn, đường B45 nối Tây Trường Sơn) là nơi sét đánh nhiều nhất huyện nhưng mấy năm trở lại đây, nơi này có nhiều cột sóng điện thoại, cột điện cao thế… dựng lên nên sét đánh ít hẳn, nhường chỗ cho xã Đông Sơn. Nên hiện nay, Đông Sơn được coi là "rốn" sét đánh ở A Lưới.

Trụ sở UBND xã Đông Sơn cũng bị xét đánh tơi tả các trụ bê tông.

Anh Quỳnh Nuôi (32 tuổi), ở bản Chai, ngồi co ro trong góc nhà lụp xụp vẫn chưa hết bàng hoàng kể cho chúng tôi nghe: "Một buổi trưa tháng 6/2006, mình ngồi cùng vợ nướng sắn trên rẫy thì mưa đến, nghe tiếng lẹt xẹt bên đống lửa rồi ngã lăn ra đất, bất tỉnh. Tỉnh dậy tại trạm cấp cứu, thấy cháy sém khắp người".

May mắn người vợ thì không bị gì và bản thân anh không chết nhưng để lại di chứng quá đau thương khiến anh thành người ngớ ngẩn. Gia đình nghèo khó với 6 khẩu ăn lại mất đi lao động chính trong nhà, tất cả nhờ vào người vợ còm cõi. Vào tháng 4-2008, chị Kăn Mười, bản Ta Vai bị sét đánh làm cháy hết quần áo, bất tỉnh nằm giữa ruộng dưới trời mưa. Chồng chị kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu mới thoát chết.

Ông Quỳnh Hợi (60 tuổi), Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đông Sơn cho biết: "Ở xã Đông Sơn 10 năm trở lại đây có hơn 30 người bị sét đánh. Ai thoát chết cũng sống dở, chết dở". Điều vô cùng may mắn và lạ kỳ là chưa có người chết. Nhưng di chứng, hậu quả do sét đánh để lại thật đau đớn. Nhìn thân hình ốm yếu của Hồ Thị Vây (ở bản A Xam), ít ai biết em đã 17 tuổi.

Vào năm 2007, Vây đang ngồi dưới gốc cây trong vườn thì bị sét đánh. Trời mưa, Vây trốn dưới gốc cây, thấy vệt sáng lóe lên, em quá sợ hãi nhưng không thể kêu la được vì bị câm điếc bẩm sinh. Người nhà thấy em nằm bất tỉnh, cháy đen như than nên chuẩn bị quan tài lo mai táng. Sau 3 giờ, Vây tỉnh dậy, người ngơ ngơ ngác ngác cho đến nay.

Chủ tịch UBND xã Đông Sơn Hồ Giang Nghinh cho biết: "Từ năm 2006, khi xã xây dựng cột thu phát sóng truyền hình, phát thanh thì liên tục bị sét đánh. Năm sau, trạm thu phát sóng cũng bị đánh sập và phải sửa chữa mất 60 triệu đồng. Tháng 7 vừa qua, trạm này bị đánh sập và bị tê liệt đến nay. Có lẽ do xây dựng hệ thống chống sét không đúng kỹ thuật nên mới có tình trạng như vậy".

Nỗi sợ hãi của người dân A Lưới

Ở các xã, thị trấn, năm nào cũng có hiện tượng sét đánh nên nhiều người không dám ra khỏi nhà lúc trời mưa; phải đóng cầu dao điện; nhốt trâu bò vào chuồng. Đó là kinh nghiệm của người dân A Lưới khi hỏi về cách phòng "thiên lôi".

Đoạn đường Hồ Chí Minh từ huyện Đakrông (Quảng Trị) đến huyện Tây Giang (Quảng Nam) đi qua huyện A Lưới dài 60km đã trở thành "cung đường trời đánh". Lúc có mưa, không ai dám lưu thông...

Ông Trịnh Huy Sơn, Phó phòng Công thương huyện A Lưới đã nhiều năm nghiên cứu hiện tượng này cho biết nguyên nhân: "A Lưới với địa hình cao (có nơi cao 1.700m so với mực nước biển), tựa lưng vào đỉnh Trường Sơn, có lượng mưa, độ ẩm cao. Vùng là nơi giao nhau giữa hai luồng khí hậu Việt Nam mưa ẩm và gió Lào nóng.

Trên không hay xuất hiện những đám mây chứa điện tích do mưa, độ ẩm cao tạo thành. Vào mùa mưa gió đẩy mây xuống va đập vào đồi núi. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các đám mây với mặt đất gần hơn so với các vùng khác nên dẫn đến hiện tượng sét đánh nhiều".

Ngã ba Bốt Đỏ trước đây bị sét đánh nhiều vì khu vực bị hai khe núi ép lại nên thung lũng này phải chịu "đòn" nhiều. Còn xã Đông Sơn, nơi có địa hình bằng phẳng, ít núi nhưng gần đây bị sét đánh nhiều do xây dựng hệ thống chống sét không đúng kỹ thuật.

Để phòng sét đánh, giảm thiểu thiệt hại cho người dân A Lưới, theo ông Sơn thì lúc trời sắp mưa dông, tốt nhất là người dân nên vào nhà, chỗ trú an toàn nhất là các tòa nhà có cột thu lôi (có khả năng chặn dòng xung sét, lan truyền xuống lòng đất). Mọi người nên tránh xa cột điện cao thế, trạm thu phát sóng, khoảng trống; rút các thiết bị sử dụng điện…

Hoàng Quân - Tứ Hạ
.
.
.