Thu thuế xuất nhập khẩu tại Hải quan Hải Phòng:

7.371 tỷ đồng không phải là lời hứa

Thứ Bảy, 15/01/2005, 07:21
Có quá nhiều khó khăn khách quan ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) tại các cửa khẩu thuộc Hải quan Hải Phòng. Tuy nhiên, chỉ tiêu giao thu thuế năm 2004 là 7.360 tỷ đồng, tăng tới 43% so với năm trước. Đây là thách thức lớn tưởng như không thể vượt qua. Bằng nhiều giải pháp, đến giờ chót, Hải quan Hải Phòng đã có được con số thu rất ấn tượng: 7.371 tỷ đồng.

Việc giao chỉ tiêu nhiệm vụ thu thuế XNK theo hướng năm sau cao hơn năm trước không có gì là đặc biệt. Thuế XNK thể hiện sự tăng trưởng của nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Trong 4 năm qua (2000 - 2003), số thu của Hải quan Hải Phòng tăng bình quân 20%/năm. Trong đó, năm 2000 thu nộp 3.257,6 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu 557,5 tỷ đồng), đến hết năm 2003, mức thu đã đạt 6.131,5 tỷ, vượt 984 tỷ đồng. Bước sang năm 2004, hàng loạt vấn đề khó khăn đặt ra. Hiệp định cắt giảm thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) đã đi vào thực hiện với mức giảm thuế từ 5 - 40% đối với hàng ngàn dòng hàng hóa XNK từ các nước trong khuôn khổ hiệp định.

 

Tiếp đó, thuế nhập khẩu xăng dầu, sắt thép và một số mặt hàng thiết yếu khác cũng phải cắt giảm bằng 0% để bình ổn giá cả trong nước, chỉ tính riêng nhóm hàng này, đã mất nguồn thu gần 1.300 tỷ đồng. Một yếu tố khác, do biến động trên thị trường thế giới, hàng loạt hàng hoá thương mại tăng giá khiến cho nhu cầu nhập khẩu kinh doanh bị sụt giảm nghiêm trọng.

Điểm quan trọng hơn, trong năm 2004, cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh) bắt đầu tăng tốc khai thác với những thuận lợi về mặt tự nhiên (có thể tiếp nhận tàu lớn không cần chuyển tải). Mặt khác, một loạt cơ chế dịch vụ áp dụng tại cảng Cái Lân mềm dẻo, thông thoáng nên đã chi phối ít nhất 20% tổng lượng hàng hóa trước đây phải làm hàng tại cảng Hải Phòng. Tổng hợp các yếu tố đó, sự cam kết thực hiện chỉ tiêu thuế XNK năm 2004 gồm 7.360 tỷ đồng rất có thể chỉ là… lời hứa.

Phải đổi mới thực sự để thu hút khách hàng

Trước hàng loạt vấn đề khó khăn như trên, Cục Hải quan Hải Phòng đã không còn sự lựa chọn nào khác: Đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, cởi mở, thân thiện với khách hàng để giành lại những gì "đã mất", để thu hút các doanh nghiệp khác về với Hải Phòng. Lần đầu tiên trong lịch sử Hải quan Hải Phòng, một khái niệm mới xuất hiện: Doanh nghiệp không phải là đối tượng cần quản lý mà là đối tác cần phải quan hệ.

 

Theo hướng đó, Cục đã giao quyền giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục ngay tại cửa khẩu. Cấp chi cục có toàn quyền trong việc sắp xếp dây chuyền, bố trí nhân sự sao cho tốc độ giải quyết thủ tục hải quan được đẩy lên mức nhanh nhất. Ngoài ra, các tổ tư vấn, tổ xử lý nhanh được phép thành lập từ các phòng, ban, chi cục để bất kỳ vướng mắc nào cũng được xử lý thấu tình, đạt lý trong thời gian nhanh nhất.

 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tin học cho công tác khai báo hải quan cũng hết sức chú trọng. Với 13 máy chủ, 305 máy trạm, hàng chục phần mềm ứng dụng được khai thác tối đa đã bước đầu thực hiện khai báo điện tử, đã giảm đáng kể về thời gian so với khai báo "thủ công". Nhờ đó, thời gian thông quan đã rút ngắn đến mức kinh ngạc: chưa đầy 1 giờ đối với hàng xuất khẩu và 4 - 8 giờ đối với hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhiệm vụ hải quan có thắng lợi hay không đòi hỏi phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó yếu tố địa phương rất quan trọng. Với đặc điểm là đơn vị có địa bàn quản lý tới 4 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình), việc tăng cường mối quan hệ, tranh thủ sự giúp đỡ của các địa phương trong tác nghiệp được chú trọng. Các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp. Riêng thành phố Hải Phòng, nơi có cửa ngõ chính của cả miền Bắc ra thế giới, là địa phương ý thức nhất về sự sụt giảm nguồn thu hải quan.

 

Đến tháng 10/2004, tức là hơn 3/4 thời gian của nhiệm vụ năm 2004 đã trôi qua, trong khi số thu so với chỉ tiêu chỉ nhích hơn một nửa (4.000/7.360 tỷ đồng). Nguy cơ mất dần lợi thế đất Cảng đã buộc chính quyền, các ngành liên quan khẩn trương nhập cuộc. Hải quan Hải Phòng có thêm tính chủ động để hoàn tất những yêu cầu cần thiết trong quy trình đổi mới, cải cách hành chính của mình. Đến nay, có khoảng 3.300 doanh nghiệp trên khắp cả nước đã mở tờ khai tại Hải quan Hải Phòng. Tin vui đã đến vào giờ chót (31/12/2004), số thu về XNK của Hải quan Hải Phòng đã là 7.371 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu được giao và vượt 1.248,5 tỷ đồng so với năm 2003.

Chưa phải đã thoát hiểm

Xu thế cạnh tranh trong lĩnh vực cảng biển giữa các địa phương là khó thoát khỏi. Thêm vào đó, việc cắt giảm thuế XNK sẽ còn phải tiếp tục thực hiện đối với nhiều dòng hàng, lãnh thổ trong bối cảnh hội nhập. Mặt khác, gian lận thương mại càng ngày càng tinh vi. Trong đó, các đối tượng trốn lậu thuế sẽ khai thác triệt để những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngân sách qua hải quan.

Do đó, sự thông thoáng, cởi mở phải gắn liền với sự chặt chẽ, nghiêm minh sẽ là những thách đố gay gắt đối với công tác hải quan nói chung và Hải quan Hải Phòng nói riêng.

Song, theo ông Mai Thế Huyên, Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, toàn đơn vị sẽ vững bước tiến lên bằng cả "hai chân". Nghĩa là tiếp tục đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính sao cho không một doanh nghiệp nào bị lỡ mất cơ hội kinh doanh vì lý do hải quan. Song, sẽ bịt dần những "lỗ hổng" mà trước nay, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn "chui" lọt.

Điều quan trọng là chính sách, phương tiện, cơ chế hoạt động phải có tính đồng bộ, nhất quán và đủ điều kiện thực hiện. Nếu không, năm 2005 sẽ lại là cuộc "rượt đuổi" nhọc nhằn với những con số đầy áp lực chỉ để hoàn thành nhiệm vụ

Lê Minh Triết
.
.
.