32% doanh nghiệp phải 'bôi trơn' thuế

Thứ Tư, 12/08/2015, 10:34
Đây là thực trạng được các doanh nghiệp (DN) phản ánh trong báo cáo về mức độ hài lòng của DN với cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2014, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Thuế công bố ngày 11/8.

Báo cáo được VCCI thực hiện sau khi khảo sát hơn 2.500 DN ở 63 tỉnh, thành phố trên 5 lĩnh vực: tiếp cận thông tin; thực hiện thủ tục hành chính thuế; công tác thanh kiểm tra thuế; sự phục vụ của công chức thuế và kết quả giải quyết công việc. Kết quả khảo sát cho thấy sự hài lòng của các DN về các cải cách thuế là trên 71%. 58% DN cho rằng các thông tin về thủ tục hành chính thuế là đơn giản, dễ hiểu; 90% DN đồng ý với nhận định thời gian thanh tra, kiểm tra đúng với thời hạn trong quyết định đã ban hành.

50% DN được khảo sát cho rằng bị phiền hà khi làm thủ tục thuế.

Những thay đổi của pháp luật thuế trong 5 năm qua cũng được DN đánh giá cao với 92% nhận định tích cực. Trong số này, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN là hai sắc thuế mà tỷ lệ DN nhận định có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện nhiều nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực của DN, báo cáo của VCCI cũng chỉ ra nhiều tồn đọng trong ngành thuế hiện nay. 

Cụ thể, vấn đề về "chi phí không chính thức" với công chức thuế vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo kết quả VCCI khảo sát, 32% DN cho biết họ phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. 40% DN cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả "phí" này. Đáng chú ý, tỷ lệ DN trả phí lót tay không đồng đều giữa các nhóm nếu phân theo nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể: trong khi chỉ 19% DN Nhà nước phải chi "thêm", thì 33% DN dân doanh phải chi khoản này. Đặc biệt, có 41% doanh nghiệp FDI cho biết phải mất khoản phí này cho cán bộ thuế.

Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nhóm 5 tỉnh có tỷ lệ DN lo ngại cao nhất về chi phí không chính thức là Gia Lai, Lai Châu, Hà Nội, Khánh Hòa và Bình Dương với tỉ lệ từ 44 -58%. Có tới gần 60% DN ở Hà Nội, Lai Châu, Gia Lai, Khánh Hòa và Nghệ An đều lo ngại bị phân biệt đối xử khi không “lót tay” cho cán bộ thuế. 

Tỷ lệ lo ngại cao nhất là ở khối FDI (48%), khối dân doanh (42%), khối DN Nhà nước (29%). Các DN được hỏi cho rằng chi phí lót tay thường xảy ra trong công tác thanh, kiểm tra thuế. 26% DN tham gia khảo sát của VCCI cho biết có trả chi phí này cho cán bộ thanh tra thuế. 

Cùng với đó, hơn 50% DN tham gia khảo sát cho biết bị gặp phiền hà khi làm thủ tục thuế. Cụ thể, đăng ký thuế và kê khai thuế là hai nhóm thủ tục các DN gặp phiền nhiễu nhất.

Song, điều đáng chú ý là mặc dù khảo sát này mang lại hiệu quả cho DN và cơ quan thuế, nhưng DN vẫn hờ hững trong tham gia phản hồi các khảo sát về mức độ hài lòng của các cải cách thuế. Theo đó, tỷ lệ phản hồi điều tra trên mẫu gửi đi chỉ đạt ở mức 27%. Tỉnh có phản hồi cao nhất là 37%. Các tỉnh, thành phố lớn tỷ lệ phản hồi thấp hơn các địa phương khác. “Mối quan hệ giữa DN và cơ quan thuế là tương đối “nhạy cảm”. Do đó, để DN tham gia khảo sát không phải dễ”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI “chú thích”.

Với công tác thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, có 26% DN cho biết nội dung thanh, kiểm tra còn trùng lặp. Đây cũng là vấn đề được nhiều DN cho rằng "cần cải thiện”. Nói thêm về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, trong quá trình tiếp xúc với DN, cơ quan khảo sát cũng nhận được phản ánh tình trạng "lạm dụng." Thậm chí, có ý kiến cho rằng, DN càng lớn càng có xu hướng phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, có một bộ phận cán bộ thuế yêu cầu DN cung cấp giấy tờ không cần thiết.

Lệ Thúy
.
.
.