3 địa phương và 1 đơn vị không giải ngân được vốn đầu tư nước ngoài

Thứ Sáu, 01/01/2021, 16:37
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy năm 2020, có 3 địa phương và 1 đơn vị không giải ngân được đồng vốn nào.

Số liệu thống kê trong Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy năm 2020, mặc dù tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt kết quả tích cực, song tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn đạt thấp, mới giải ngân được trên 46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.Đáng chú ý, có 3 địa phương và 1 đơn vị không giải ngân được đồng vốn nào.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư đến hết ngày 31/12/2020 đạt hơn 389.900 tỷ đồng, đạt 72,7% kế hoạch và đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Có 10 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90% kế hoạch vốn được giao như: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (99,83%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (95,65%), Bộ Công thương (92,9%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (91,76%), Bộ Nội Vụ (90,97%), Bộ Xây dựng (90,39%), Tây Ninh (95,72%), Cao Bằng (93,51%), Nam Định (92,36%), Thái Nguyên (91,63%), Hải Dương (91,14%), Thái Bình (90,99%)...

Mặc dù tỷ lệ giải ngân đã có nhiều khởi sắc, song tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài ở mức thấp, chỉ đạt 46,06% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có 3 bộ, ngành và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao như: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mới giải ngân được 3,6%; Viện Khoa học và Công nghệ mới giải ngân 6,49%; tỉnh Đồng Tháp mới giải ngân được trên 5%; Ninh Thuận gần 16%, Vĩnh Long trên 17%...

Đáng chú ý, có 3 địa phương và 1 đơn vị là Hải Dương, Tiền Giang, Vĩnh Phúc và Ngân hàng Phát triển Việt Nam có tỷ lệ giải ngân đạt 0%.

Nguyên nhân của việc chậm giải ngân nguồn vốn nước ngoài được chỉ ra là do các dự án đầu tư nguồn vốn nước ngoài chậm nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên chưa có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân.

Bên cạnh đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, đàm phán hợp đồng, việc phân công trách nhiệm chủ đầu tư thiếu rõ ràng. Chậm ký kết các hợp đồng cho vay lại.

Đồng thời, nhiều dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng đang phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và thủ tục điều chỉnh hiệp định vay, hoặc đang phải điều chỉnh hiệp định vay như gia hạn thời gian thực hiện dự án, thời gian giải ngân, điều chỉnh phân bổ các hạng mục, điều chỉnh tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/nội tệ nên không đủ cơ sở để giải ngân. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khách quan từ phía đối tác, nhà tài trợ…

Hà An
.
.
.