200 lao động nữ Việt Nam kêu cứu tại Jordan

Thứ Hai, 03/03/2008, 09:13
Trong rất nhiều vụ việc liên quan đến xuất khẩu lao động gần đây như vụ việc hàng trăm lao động Việt Nam bị chết tại Malaysia, nhiều công nhân làm việc tại Qatar phải về nước giữa chừng... thì việc 200 công nhân nữ làm việc tại Cty may W&D Apparel (Jordan) Corp đồng loạt đình công kéo dài là vụ việc gây bất ngờ nhất tới ngành XKLĐ.

Sự kiện được nhiều người quan tâm nhất trong tuần qua là việc 200 lao động nữ Việt Nam kêu cứu tại Jordan.

Không chỉ ngoài người thân của 200 lao động đang ngóng theo thông tin từ báo chí mà những gia đình đang chuẩn bị hoặc đang dự định cho con em mình đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là ở những thị trường mới đang được thông báo là nhiều tiềm năng như thị trường Trung Đông cũng đang sốt ruột theo dõi, chờ đợi chuyến vi hành đột xuất của các quan chức ngoại giao, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng đại diện hai doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Jordan là Công ty cổ phần XNK Than Việt Nam và Công ty cổ phần Da giày Việt Nam.

Thực hư của vụ việc trên như thế nào chắc phải đợi 3, 4 ngày nữa khi Đoàn công tác sang Jordan phối hợp với các bên liên quan giải quyết trở về nhưng phải nghiêm túc thừa nhận lâu nay công tác tuyển chọn và tạo nguồn lao động xuất khẩu của chúng ta, đặc biệt chất lượng người lao động các doanh nghiệp XKLĐ còn quá dễ dãi và chạy theo số lượng.

Trong rất nhiều vụ việc không hay và đáng tiếc xảy ra liên quan đến xuất khẩu lao động gần đây như vụ việc hàng trăm lao động Việt Nam bị chết tại Malaysia, nhiều công nhân làm việc tại Qatar phải về nước giữa chừng... thì việc 200 công nhân nữ làm việc tại Công ty may W&D Apparel (Jordan) Corp đồng loạt đình công kéo dài là vụ việc gây bất ngờ nhất tới ngành XKLĐ.

Chiều 29/2, trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đăng Đại, phụ trách Phòng thị trường Chi nhánh Công ty cổ phần XNK Than Việt Nam thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cho biết: Trong nhiều năm làm XKLĐ, đây là cú sốc nặng nề nhất đối với công ty vì chưa khi nào lại xảy ra hiện tượng đình công đông như vậy, lại là lao động nữ.

Trong số 200 công nhân làm việc tại Công ty May của Đài Loan đặt tại Jordan thì có tới gần 100 công nhân do Chi nhánh Công ty cổ phần XNK Than Việt Nam có trụ sở ở 116 ngõ 88 đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đưa sang nhiều đợt từ tháng 10/2007. Đa số lao động là người Bắc Giang, Hà Tây, Hải Dương...

Một số lao động có nghề được tuyển từ các nhà máy, còn lại là lao động ở quê, biết sơ qua nghề may được công ty đưa vào trường tập trung học tiếng Đài Loan và học nghề miễn phí từ 2 đến 3 tháng.

Jordan là thị trường mới, doanh nghiệp tự khai thác đơn hàng với đối tác, chủ sử dụng lao động từ Jordan đã mang mẫu vải sang Việt Nam kiểm tra tay nghề. Lao động nào hoàn thành được bài thi vào túi ngực áo thì mới đủ điều kiện xuất cảnh sang làm việc tại Jordan.

Hợp đồng giữa lao động và chủ sử dụng lao động cũng được ký kết cụ thể. Mức lương cơ bản của công nhân kỹ thuật là 155 USD/tháng (ngày làm việc 8 tiếng) + tiền thưởng thành tích 45 USD, ngoài ra nhà máy còn bao tiền ăn (150 USD/tháng) và tiền ở 100 USD/tháng. Như vậy, theo khẳng định của công ty thì người lao động đã được tuyển chọn tương đối kỹ càng...

Anh Nguyễn Đăng Đại cũng khẳng định: Jordan là thị trường mà doanh nghiệp mới khai thác. Với mức chi phí để đi làm việc tại Jordan là 1.300 USD, không cao nhưng thu nhập lại cao hơn Malaysia, nên công ty đang dự tính thúc đẩy mạnh để đưa nhiều lao động sang làm việc giúp họ có cơ hội cải thiện cuộc sống. Vậy mà...

Suốt thời gian xảy ra đình công, vì chưa có cơ quan đại diện tại Jordan, công ty chỉ có thể liên hệ với nhà máy, người phiên dịch và một số lao động là người nhà của nhân viên công ty gửi gắm đang làm việc tại Jordan nhưng sự thật thế nào thì vẫn phải đợi Giám đốc Chi nhánh Nguyễn Văn Việt và Phó Giám đốc Mạnh Nam Phương trở về. May mà đại diện công ty sang được Jordan nhanh vì nhờ có công hàm ngoại giao, nếu đợi thủ tục làm visa để vào Jordan thì chắc phải mất một, hai tuần nữa.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, Phó Cục trưởng Đào Công Hải trong nhiều lần làm việc với báo chí cũng đã tỏ ra lo lắng trong việc giữ thị trường. Nhiều thị trường XKLĐ có thu nhập cao mà Bộ LĐ - TB&XH đã phải bỏ ra nhiều công sức để ký được bản cam kết hợp tác lao động cũng đã nhiều phen sóng gió, nguy cơ mất thị trường do ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp của lao động Việt Nam kém.

Một số lao động có tư tưởng đi nước ngoài làm việc thì phải sướng hơn ở Việt Nam nên khi vào việc vất vả quay ra kích động các lao động khác bỏ việc. Đào tạo định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh là việc làm vô cùng quan trọng trong khi đó khâu này lại không được doanh nghiệp quan tâm thực sự, cốt làm sao có càng đông lao động xuất cảnh càng tốt.

Bên cạnh những thị trường truyền thống, Việt Nam đã mở rộng được nhiều thị trường mới, đặc biệt là đã ký bản ghi nhớ về hợp tác lao động với Ô Man, ký kết Hiệp định hợp tác lao động với Qatar đầu năm 2008, đang đàm phán để trong quý I có thể ký Hiệp định với các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Baranh... nên ngoài việc tuyển chọn lao động có tay nghề, việc giáo dục định hướng và những kiến thức về luật pháp của nước sở tại đã được Bộ LĐ- TB&XH đầu tư, hoàn thiện chương trình khung để làm tài liệu cung cấp cho lao động.

Trở lại vụ việc gần 200 lao động Việt Nam tại Jordan, ông Đào Công Hải cũng khẳng định việc quản lý lao động Việt Nam tại nước này còn gặp khó khăn vì Việt Nam chưa có cơ quan đại diện bảo vệ người lao động tại nước này.

Hiện có 10 công ty được cấp phép đưa lao động sang Jordan gồm: Leapro Dexim, Halauco, V-Coxlimex, Aquapexco, Polimex, Vilexim, Letco, Vinatex, Enlexco, Vinamoto. Từ cuối năm 2007 đã có hơn 500 hồ sơ của lao động được các công ty tiếp nhận và đến thời điểm này đã đưa hơn 200 lao động sang Jordan làm việc.

Kết luận chính thức lỗi thuộc về doanh nghiệp vội vàng đưa lao động sang khi chưa hội tụ các điều kiện để quản lý và bảo vệ lao động hay do lao động thiếu hiểu biết pháp luật sẽ được phán quyết sau khi Đoàn công tác của Việt Nam trở về nhưng bất luận thế nào thì để xảy ra vụ việc trên đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của doanh nghiệp và cái mất lớn hơn là sự "mất điểm" của hình ảnh lao động Việt Nam trong mắt các đối tác XKLĐ

T.Uyên
.
.
.