Thanh lý hợp đồng trồng rừng ở Đồng Phú - Bình Phước:

18 hộ dân bị thiệt thòi

Thứ Ba, 04/12/2007, 16:13
Căn cứ theo Quyết định 202/TTg ngày 2/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ và thiết kế quy hoạch sản xuất của Lâm trường Suối Nhung đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước phê duyệt, tháng 3/2003, Ban Quản lý rừng kinh tế Suối Nhung có hợp đồng "giao khoán quản lý bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh trồng rừng và chăm sóc rừng trồng" với 18 hộ dân trong thời hạn 20 năm.

Hợp đồng này có sự phê duyệt của Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú lúc bấy giờ. Thế nhưng đến năm 2006, 2 trong số 18 hộ dân đã bị chính quyền tổ chức cưỡng chế san bằng cây cối, hoa màu, nhà cửa mà không có quyết định cưỡng chế, không được đền bù.

Đến giữa tháng 10/2007, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú ra thông báo thanh lý tất cả các hợp đồng giao khoán và cũng quên luôn quyền lợi của người dân…

Trước năm 2003, rừng kinh tế Suối Nhung bị lâm tặc hoành hành. Thực hiện theo Chỉ thị 12 của UBND tỉnh Bình Phước, đoàn kiểm tra truy quét và xử lý các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng rẫy ra quân chặt bỏ cây trồng, hoa màu của người lấn chiếm.

Sau đó, Ban Quản lý rừng kinh tế Suối Nhung (BQLRKTSN) hợp đồng giao khoán lại cho 18 hộ dân để trồng, giữ rừng với diện tích từ 19 - 30ha/hộ. Đổi lại, hộ nhận khoán sẽ được trả tiền công khoán hằng năm (50.000 đồng/ha/năm) hoặc được ăn chia theo tỷ lệ khi đến kỳ khai thác.

Ngoài ra còn được kết hợp sản xuất nông nghiệp khi rừng chưa khép tán hoặc dưới tán rừng và được hưởng toàn bộ sản phẩm do mình sản xuất ra.

Ông Đỗ Văn Đam, thương binh hạng 4/4 (ngụ ấp 3, xã Đồng Tiến, Đồng Phú) nhớ lại: "Thời đó để vào được khu rừng mà mình được giao khoán phải đi hơn 20km bằng xe máy len lỏi trong các đường mòn và đi bộ 6 - 7km để cõng từng vật liệu che chòi giữ rừng. Nhưng nguy hiểm hơn cả là phải đối diện với người xâm canh tái chiếm rừng vì luôn bị họ dọa sẽ không để yên nếu chúng tôi không đền bù cho họ".

Thế nhưng, khi các hộ dân chưa thu được thành quả lao động của mình thì bị UBND huyện Đồng Phú ra thông báo thu hồi để giao đất trống cho Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú.

Liên quan đến việc giao khoán bảo vệ, trồng rừng (trong đó có 18 hộ dân), UBND tỉnh Bình Phước đã có hai đợt thanh tra tại rừng kinh tế Suối Nhung. Trong đó, đợt thanh tra thứ hai theo Quyết định 559/QĐ-UB của UBND tỉnh Bình Phước cho biết, trước đây Nhà nước đầu tư vốn để lâm trường trồng hơn 100ha rừng, nhưng đến thời điểm thanh tra phát hiện bị mất trên 33ha đất rừng, tương ứng với số tiền thất thoát là 145,2 triệu đồng.

Cùng với một số sai phạm khác tại BQLRKTSN, cơ quan CSĐT Công an huyện Đồng Phú đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng. Về phần 18 hộ dân nhận giao khoán với tổng diện tích 485ha (89ha đất trống), qua khảo sát thực tế các tiểu khu có rừng đã giao và chưa giao thì diện tích khoán đã bị phá thêm trên 139ha rừng lồ ô và gỗ.

Việc lập hợp đồng giao khoán mặc dù có sự phê duyệt của UBND huyện nhưng thiếu chặt chẽ, sai đối tượng và không đúng theo quy định. Từ đó, đoàn thanh tra đề nghị thu hồi 18 hợp đồng để điều chỉnh hình thức giao khoán hợp lý hơn nhằm tránh tình trạng biến đất có rừng thành đất trống để trồng cây công nghiệp.

Tuy nhiên, sau đó, trong cuộc họp thông qua kết quả thanh tra diễn ra vào ngày 4/8/2005 thể hiện, 139ha rừng nói trên đã mất trước khi giao khoán cho các hộ dân.

Sau khi có kết luận thanh tra, UBND huyện Đồng Phú không tiến hành việc thu hồi và điều chỉnh sổ giao khoán, đùng một cái cho lực lượng cưỡng chế toàn bộ diện tích giao khoán và nhà cửa của 2 hộ Nguyễn Tấn Sáng và Tô Văn Hoài mà không có quyết định thu hồi, không đền bù thiệt hại.

Bức xúc từ việc làm sai trái của UBND huyện Đồng Phú, 18 hộ dân khiếu nại đến UBND huyện. Để làm rõ hơn về vấn đề này, thường trực Huyện ủy Đồng Phú nhất trí chủ trương giao cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án.

Từ đây, ngày 15/10/2007, UBND huyện Đồng Phú ra thông báo ý kiến kết luận của ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện về biện pháp xử lý diện tích có liên quan đến vụ án của 18 hộ dân nhận khoán với nội dung chính là thanh lý tất cả 18 sổ giao khoán để giao đất lại cho Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú thực hiện dự án trồng rừng và trồng cao su.

Sau khi có thông báo này không lâu, thay vì có thư mời các hộ đến làm việc thì BQLRKTSN làm động tác thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương đề nghị 18 hộ dân phải có mặt tại BQLRKTSN vào ngày 31/10/2007 để tiến hành thanh lý hợp đồng.

Ông Võ Văn Chương, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước:

UBND huyện Đồng Phú thanh lý hợp đồng là sai

Đáng lý ra khi có kết luận của Thanh tra tỉnh thì UBND huyện Đồng Phú phải thực hiện theo tinh thần này, tức là thu hồi sổ giao khoán để điều chỉnh, thiết lập quyền lợi của người dân trên khu đất đó sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Bởi việc giao khoán cho các hộ dân thực hiện theo Quyết định 09 nhưng BQLRKTSN lại dùng sổ cũ theo Quyết định 202 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân đã có biết bao công sức, tiền của vào đó thì không thể nói thu là thu, nếu thu vì mục đích chính đáng thì phải tính toán đền bù thiệt hại cho dân. Chứ giao cho Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú thì làm sao dân đồng tình?

Mã Thanh Phong
.
.
.