10 vụ án kinh tế điển hình trong năm 2004

Thứ Ba, 11/01/2005, 10:18

Năm 2004, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã đánh giá và chọn ra 10 vụ án kinh tế tiêu biểu được khám phá trong năm 2004 để tổ chức rút kinh nghiệm từ thực tiễn làm tiền đề cho công tác năm 2005 đạt kết quả cao hơn.

Vụ thứ nhất: Vụ án vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Xí nghiệp chăn nuôi và thức ăn gia súc An Khánh – Hoài Đức – Hà Tây.

Trong vụ án này các đối tượng đã cố tình vi phạm các nguyên tắc trong quản lý và sử dụng đất đai là 116.090m2, thu trái phép 35.532.051.200đ, trong đó để ngoài sổ sách số tiền 628.400.000đ. Ngày 16/02/2004 cơ quan Công an đã bắt tạm giam 08 đối tượng (cho tại ngoại 1 đối tượng) chủ chốt trong vụ án là Nguyễn Thái Hòa – Giám đốc Công ty giống lợn miền Bắc, Bùi Ngọc Vỹ - Phó Giám đốc Công ty giống lợn miền Bắc, Nguyễn Công Tư - Trưởng phòng hành chính Công ty giống lợn miền Bắc, Trương Huy Lý - Trưởng ban quản lý khu công nghiệp, Nguyễn Thị Lộc - Kế toán trưởng Công ty giống lợn miền Bắc, Đoàn Thị Chăm - Thủ quỹ 9 (cho tại ngoại), Khuất Văn Cẩn - Trưởng phòng kế hoạch quy hoạch, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hà Tây và Vương Văn Mùi – nguyên Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Hoài Đức, Hà Tây.

Vụ thứ hai: Vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Sở Nông nghiệp tỉnh Phú Yên và Công ty xuất nhập khẩu và xây dựng nông lâm nghiệp (XNK - XDNLN) Hà Nội.

Ngày 18/12/2001 Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên có thông báo số 779/TP/UB cấp khoảng 03 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Chính phủ hỗ trợ khắc phục lụt bão, giao cho Sở Nông nghiệp tỉnh Phú Yên mua giống cây trồng hỗ trợ cho những hộ nông dân trong tỉnh bị tổn thất nặng do cơn bão số 8 gây ra. Lợi dụng chủ trương này các đối tượng trong vụ án đã thông đồng mua giống cây trồng không đạt chất lượng nâng lên thành đạt chất lượng làm thiệt hại 3.785.461.000đ tiền mua gây giống.

Các đối tượng này còn kê khống khối lượng vận chuyển cây giống từ Lạng Sơn vào Phú Yên để chiếm đoạt 1.205.386.200đ. Ngày 26/04/2004 Cơ quan Công an quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Thị Tâm – nguyên Giám đốc Xí nghiệp giống cây trồng thuộc Công ty XNK& XDNLN; Nguyễn Thị Oanh – nguyên Phó giám đốc Xí nghiệp giống cây trồng thuộc Công ty XNK - XDNLN Hà Nội, Mai Minh Ảnh – nguyên Phó giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Phú Yên và Phạm Thành Chung – cán bộ kỹ thuật Phòng nông nghiệp, Sở Nông nghiệp tỉnh Phú Yên.

Vụ thứ ba: Vụ buôn bán hàng cấm, cố ý làm trái của Cửa hàng miễn thuế Cảng Sài Gòn.

Cửa hàng miễn thuế Cảng Sài Gòn trực thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và dịch vụ Cảng Sài Gòn thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Theo quy định của Chính phủ, cửa hàng được phép nhập khẩu hàng hóa miễn thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT) để bán cho đối tượng thuộc diện xuất nhập cảnh vào Việt Nam.

Trên thực tế từ năm 1999 đến tháng 04/2004, Nguyễn Thị Thúy Hạnh - Cửa hàng phó Cửa hàng miễn thuế Cảng Sài Gòn đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền bán ra thị trường Việt Nam một số lượng lớn hàng hóa ra trái với quy định của Chính phủ, gồm 133.920 bao thuốc lá ngoại trị giá 133.875USD, 283.930 chai rượu ngoại các loại trị giá 5.109.159,37USD. Để làm được việc này, Hạnh đã móc nối với một số nhân viên Hải quan biến chất để thực hiện hành vi phạm tội. Ngày 19/05/2004, Cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thúy Hạnh. Ngày 26/11/2004 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn lệnh bắt giam đối với đối tượng này.

Vụ thứ tư: Vụ án tổ chức buôn lậu vàng qua biên giới xảy ra tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Lợi dụng giá vàng tăng, giảm đột biến Hoàng Thị Dung (sinh năm 1963, trú tại số nhà 41, đường 5/8 phường Ka Long, thị xã Móng Cái) đã tổ chức một đường dây buôn lậu vàng bạc, đá quý trái phép qua biên giới. Kể từ tháng 05/2004 đến tháng 07/2004, Hoàng Thị Dung và đồng bọn đã tổ chức buôn lậu 97 chuyến vàng từ Trung Quốc về Việt Nam với khối lượng khoảng 1.940,28 kg trị giá trên 400 tỷ đồng.

Ngày 28/07/2004 trong khi đang tiếp tục tổ chức vận chuyển vàng thì Dung bị lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Quảng Ninh phục kích bắt quả tang, tịch thu tại chỗ lô hàng trị giá khoảng 8 tỷ đồng. Trong vụ án này, Cơ quan Công an đã khởi tố 12 bị can và bắt tạm giam 10 đối tượng liên quan trực tiếp đến việc tổ chức buôn lậu vàng qua biên giới.

2004 là năm xảy ra nhiều biến động trong một số lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội như dịch cúm gia cầm; giá vàng tăng, giảm đột biến; giá sắt thép xây dựng, thuốc tân dược, xăng dầu tăng kéo theo sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa, nhu yếu phẩm... Những điều đó đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân. Đó là những điều kiện thuận lợi cho tội phạm kinh tế phát sinh và phát triển.

Trước tình hình đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã chủ động nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, hướng dẫn toàn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ tập trung phát hiện, đấu tranh có trọng điểm đạt hiệu quả được dư luận nhân dân khen ngợi.

Trong năm qua, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ toàn quốc đã phát hiện, điều tra 7.937 vụ tội phạm kinh tế, trong đó về xâm phạm sở hữu đã phát hiện, điều tra 802 vụ, thiệt hại 996.566 triệu đồng, thu hồi 81.032 triệu đồng. Đã phát hiện, bắt giữ 7.135 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm và tội phạm kinh tế khác, thu giữ hàng hóa trị giá 199.160 triệu đồng, truy thu phạt thuế 34.897 triệu đồng. Kết quả đã khởi tố 571 vụ với 1.142 bị can, chuyển ngành khác xử lý 315 vụ, xử lý hành chính 5.215 vụ và đang điều tra 1.836 vụ.

Vụ thứ năm: Cố ý làm trái và Tham ô xảy ra tại công trình thi công tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Ngày 03/05/2000, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh ký hợp đồng nguyên tắc số 10/NT/HĐKT với Tổng công ty công trình giao thông 6 (TCTCTGT6) giao nhận nhiệm vụ thi công xây lắp công trình đường Hồ Chí Minh đoạn km 334 đến km 362. Ngày 09/05/2000 TCTCTGT6 có văn bản số 318/SXKD-TCT6 v/v giao nhận việc thi công từ km 357 đến km 362. Ngày 28/12/2000 Công ty 621 TNHH Thanh Nam (bên B) để giao cho bên B công việc nổ mìn đào phá đá gần đường dây 500KV. Trong quá trình thi công Minh đã móc nối với Bùi Hải Nhân – được giao chỉ huy việc nổ mìn để lập khống hồ sơ, chứng từ để thanh toán rút tiền chia nhau với số tiền là 6.749.478.318đ. Cơ quan công an đã quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với các đối tượng Bùi Hải Nhân và Trịnh Duy Minh để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Vụ thứ sáu: Vụ buôn lậu kim cương, đá quý xảy ra trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh

Chen Hsiung quốc tịch Đài Loan - lợi dụng đường du lịch vào Việt Nam để nhập khẩu nhiều lần với số lượng lớn kim cương qua cửa khẩu sân bay Tân Sân Nhất. Ngày 14/09/2004, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Tp. HCM đã tổ chức bắt quả tang Chen Hisung đang vận chuyển trái phép vào Việt Nam 2.517 viên kim cương, một số nhẫn kim cương trị giá khoảng 10 tỷ đồng.

Vụ thứ bảy: Vụ bắt giữ và tiêu hủy lô hàng thuốc lá ngoại nhập lậu tại cảng Hải Phòng.

Ngày 01/09/2004, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Tp. Hải Phòng nhận được công văn số 936/Interpol của Văn phòng Interpol Việt Nam về việc phối hợp kiểm tra lô hàng thuốc lá ngoại nhập lậu có khả năng cập cảng Hải Phòng. Sau khi xác minh điều tra, Cơ quan Công an đã xác định lô hàng thuốc lá này mang nhãn hiệu Mild Seven và Seven Star được nhập khẩu trái phép từ Hàn Quốc vào cảng Hải Phòng trong ngày 04/09/2004.

Đến ngày 14/09/2004, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Hải Phòng đã phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng tạm giữ toàn bộ lô hàng trên. Sau khi trưng cầu giám định, kết luận toàn bộ lô hàng là thuốc lá giả 2 nhãn hiệu trên. Ngay sau đó cơ quan Công an đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tịch thu và tiêu hủy lô hàng trị giá khoảng 6 tỷ đồng này theo quy định của pháp luật.

Vụ thứ tám: Vụ buôn lậu xăng dầu, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, cố ý làm trái trong việc nhập khẩu 400 xe ôtô và phụ tùng ôtô xảy ra tại Công ty xuất nhập khẩu vật tư đường biển.

Công ty xuất nhập khẩu vật tư đường biển trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Trong các năm 2001 - 2003 Công ty xuất nhập khẩu vật tư đường biển được Bộ Thương mại cho phép nhập khẩu xăng dầu để bán tiêu thụ nội địa và kinh doanh theo hình thức tạm nhập để tái xuất. Lợi dụng chủ trương này, Giám đốc Công ty XNK vật tư đường biển Nguyễn Đình Lợi, Phó giám đốc Nguyễn Như Quế, Kế toán trưởng Phạm Quang Khiêm và Giám đốc chi nhánh Công ty tại Vũng Tàu Lê Hồng Long đã móc nối với Trần Thế Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Phát tỉnh Tiền Giang dùng thủ đoạn gian dối giữa 2 hình thức kinh doanh này để tổ chức buôn lậu. Các đối tượng này đã buôn lậu 70.342.00 tấn xăng trị giá 15.236.033,68USD và 44.823,74 tấn dầu trị giá 8.856.080.455USD đem ra thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu vật tư đường biển còn thông đồng với Xí nghiệp tư doanh Hoa Sơn tại Tp. Pleiku, Gia Lai, lập khống bảng kê việc mua hàng nông sản và xuất khẩu qua Trung Quốc để tạo dựng hồ sơ khống xin hoàn thuế GTGT, chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng.

Ngày 29/08/2002, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu vật tư đường biển Nguyễn Đình Lợi ký hợp đồng kinh tế số 0244/2002 mua của hãng SKL 400 xe ôtô hiệu IFA các loại và khoảng 300 tấn phụ tùng ôtô, máy thủy. Trị giá hợp đồng là 4,1 triệu Euro. Do có hàng loạt những sai phạm từ khâu giao dịch đàm phán, ký kết hợp đồng, đóng gói, thống kê, định giá, giao nhận, vận chuyển nên đã bị thua lỗ nặng. Ngày 29/6/2003, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đánh giá thiệt hại do việc thực hiện hợp đồng này làm thua lỗ hơn 35 tỷ đồng và số thiệt hại này đến nay còn tăng lên rất nhiều.

Với các sai phạm nghiêm trọng như trên, ngày 25/10/2004, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về các tội: buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế xảy ra tại Công ty xuất nhập khẩu vật tư đường biển - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Lợi – nguyên Giám đốc, Đỗ Như Quế - nguyên Phó giám đốc, Phạm Quang Khiêm – nguyên Kế toán trưởng, Lê Hồng Long – Giám đốc chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu vật tư đường biển tại Vũng Tàu và Hồ Văn Thuận – Giám đốc DNTN Hoa Sơn.

Vụ thứ chín: Vụ án Tham ô tài sản và buôn lậu xảy ra tại Công ty xăng dầu Hàng không.

Lợi dụng chức năng kinh doanh của Công ty xăng dầu Hàng không, Trần Minh – Giám đốc Công ty xăng dầu Hàng không đã chỉ đạo các thuộc cấp buôn lậu xăng dầu qua biên giới và nâng khống khối lượng để tham ô trong việc ký các hợp đồng chuyển tải, chia nhau số tiền trên 20 tỷ đồng.

Ngày 25/10/2004, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã tiến hành bắt tạm giam 08 bị can gồm: Trần Minh - Giám đốc Công ty xăng dầu Hàng không Việt Nam, Nguyễn Viết Hoa - Trưởng phòng kinh doanh Công ty xăng dầu Hàng không Việt Nam, Lương Văn Hưng - Trưởng ban kinh doanh, Phòng kinh doanh Công ty xăng dầu Hàng không Việt Nam, Lê Tiến Long – Giám đốc Công ty TNHH Bảo Anh Tp. HCM và Nguyễn Văn Giao – nguyên Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Xí nghiệp thương mại dầu khí Hàng không Việt Nam.

Vụ thứ mười: Vụ án Phạm Đình Bổng và đồng bọn giả mạo hồ sơ giấy tờ dự án nhà ở tại hồ Ba Giang, Đống Đa, Hà Nội để lừa đảo chiếm đoạt 12,7 tỷ đồng.

Lợi dụng việc nhiều hộ dân có nhu cầu mua nhà ở tại dự án phát triển nhà ở tại khu vực hồ Ba Giang, phường Quang Trung, Đống Đa, đối tượng Phạm Đình Bổng (sinh năm 1950, trú tại số 40 tổ 3B, phường Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) đã tự vẽ bản quy hoạch chi tiết khu nhà ở thấp tầng tại lô đất có ký hiệu DD-1B, mỗi ô đất có diện tích 50m2.

Từ tháng 03/2003 đến nay, Phạm Đình Bổng và Nguyễn Khắc Bi (trú tại số 1125 Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đã tiến hành chào mời và bán cho 13 khách hàng với số tiền từ 1,5 – 1,75 tỷ đồng/suất đất để xây nhà ở. Tổng số tiền bị các đối tượng này chiếm đoạt trên 12,7 tỷ đồng. Ngày 07/12/2004, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Hà Nội đã bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở của Phạm Đình Bổng

Nguyễn Tân Cảnh
.
.
.