Giá vàng vững bước, giá dầu “nhấp nhổm”

Thứ Ba, 16/12/2008, 13:42
Giá vàng thế giới tiếp tục có những bước tiến vững chắc trước quyết định lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong ngày 16/12 này.

Trong khi đó, giá dầu thô đảo chiều liên tục, chờ quyết định sản lượng của Tổ chức Các nước  xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong cuộc họp tại Algeria ngày 17/12 tới.

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng trên mức 1.700.000 đồng/chỉ, ngang bằng với giá vàng thế giới. Giá USD trên thị trường tự do giảm khá mạnh.
 

Giá vàng tăng, giao dịch “ấm” lên


Chốt phiên giao dịch lúc rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 14,9 USD/oz (1,8%) so với giá chốt phiên liền trước trước, lên mức 837,7 USD/oz.

Giá vàng giao kỳ hạn tháng 1/2009 tại Sở Giao dịch Hàng hóa New York (NYMEX) kết thúc ngày giao dịch trước đó ít giờ với mức tăng 16 USD/oz (2%) lên 836,5 USD/oz.

Đây đã là phiên tăng thứ sáu liên tiếp trên thị trường vàng giao ngay thế giới. Đà tăng này đã đưa giá vàng thế giới lên mức cao nhất trong vòng khoảng 2 tháng trở lại đây. Vào lúc 10h50 trưa nay, giá vàng tại thị trường trong nước như sau:

Giá vàng SJC tại Hà Nội theo thông tin niêm yết trên website của công ty là 1.712.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.720.000 đồng/chỉ (bán ra), tăng 10.000 đồng/chỉ và 9.000 đồng/chỉ so với sáng hôm qua.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC được giao dịch ở mức 1.700.000 đồng/chỉ và 1.706.000 đồng/chỉ, tăng 5.000 đồng/chỉ và 1.000 đồng/chỉ.

Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tương ứng là 1.708.000 đồng/chỉ và 1.714.000 đồng/chỉ, tăng 18.000 đồng/chỉ và 14.000 đồng/chỉ.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới như sau:

Giá vàng giao ngay đứng ở mức 834,1 USD/oz, giảm 3,6 USD/oz so với giá chốt hôm qua tại New York. Giá vàng kỳ hạn tại NYMEX giảm 2,6 USD/oz, còn 833,9 USD/oz.

Việc giá vàng trở lại thế ngang bằng, thậm chí thấp hơn giá vàng thế giới, đã kích thích giao dịch tăng trên thị trường vàng tự do trong nước. Đại diện Công ty Bảo Tín Minh Châu cho hay, trong ngày hôm qua, khách đến công ty này bán vàng là chủ yếu, nhưng sang sáng nay, số khách mua đã tăng đáng kể.

Cũng theo ông này, việc các tiệm vàng lớn giảm khoảng cách giữa giá mua và giá bán là nhằm khuyến khích khách bán để công ty có hàng bán ra.

Lấy tỷ giá bán ra USD của Vietcombank là 1 USD = 16.986 VND để tính toán, giá vàng giao ngay lúc 10h50 tương ứng với mức 1.706.000 đồng/chỉ. Chưa tính thuế và các chi phí khác, giá vàng thế giới hiện chỉ thấp hơn giá vàng bán ra do SJC Hà Nội niêm yết 14.000 đồng/chỉ, thấp hơn giá vàng Bảo Tín Minh Châu bán ra 8.000 đồng/chỉ, và bằng với giá vàng SJC bán ra tại Công ty Phú Quý.

USD trượt dốc


Giá vàng thế giới vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ sự mất giá của đồng USD. Hiện đồng tiền của nước Mỹ đang ở mức tỷ giá thấp nhất so với Euro trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Áp lực đẩy tỷ giá USD đi xuống tiếp tục là khả năng FED sẽ cắt giảm mạnh lãi suất đồng tiền này trong cuộc họp ngày 16/12 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hiện lãi suất USD là 1% và giới quan sát dự báo, nhiều khả năng mức lãi suất này có thể được giảm còn 0,5%, thấp nhất từ trước tới nay.

Với việc lãi suất USD đang ở gần ngưỡng 0%, nhiều người cho rằng FED “hết đạn” để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, có thể FED sẽ dùng tới biện pháp ít phổ biến hơn là “nới lỏng khối lượng” (quantative easing) - bơm thêm nhiều tiền mặt vào hệ thống tài chính - như một biện pháp đẩy mạnh chống suy thoái. Đây là biện pháp mà Nhật đã áp dụng trong thời kỳ giảm phát của nước này trước đây.

Trong cuộc họp lần này, cũng có thể FED sẽ quyết định có mua vào trái phiếu Chính phủ Mỹ để hỗ trợ tăng trưởng hay không. Mua vào trái phiếu được xem là một biện pháp của chính sách “nới lỏng khối lượng”.

Cuối ngày hôm qua tại thị trường New York, 1 Euro tương đương với 1,3688 USD, so với mức 1,3377 USD cuối tuần trước tại New York. Theo số liệu của hãng tin tài chính Bloomberg, sáng nay tại Tokyo, có lúc 1 Euro đổi được tới 1,3727 USD - mức tỷ giá thấp nhất của USD từ ngày 14/10 trở lại đây.

Ngoài chính sách tiền tệ của FED, đồng USD còn chịu áp lực từ các số liệu kinh tế xấu  của Mỹ. Số liệu công bố hôm qua cho thấy, sản xuất công nghiệp ở nước này trong tháng 11 đã giảm 0,6% o sự đình trệ sản xuất của các nhà sản suất ôtô, hàng lâu bền.... Dự báo, số liệu về lượng nhà khởi công trong tháng 11 do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm nay cũng sẽ là một con số ảm đạm.

Điểm qua thị trường ngoại tệ trong nước, hôm nay, tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố giảm 1 VND/USD so với hôm qua, còn 16.491 VND/USD.

Tại Ngân hàng Vietcombank, giá mua và bán USD được niêm yết ở mức lần lượt là 16.980 VND/USD và 16.986 VND/USD, giá mua vào giữ nguyên, giá bán ra giảm 1 VND/USD.

Trên thị trường tự do, giá USD giảm khá mạnh. Tại một số điểm giao dịch, giá USD sáng nay phổ biến ở mức 17.240 VND/USD (mua vào) và 17.280 VND/USD (bán ra), giảm 60 VND/USD so với hôm qua.

Giằng co giá dầu


Chuyển sang thị trường dầu thô, những số liệu kinh tế đáng quan ngại của thế giới trong ngày hôm qua đã khiến giá dầu sụt giảm.

Nhật Bản hôm qua công bố số liệu cho thấy chỉ số niềm tin của giới doanh nghiệp nước này đã sụt từ mức âm 3 điểm xuống mức âm 24 điểm. Tại Trung Quốc, tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng rớt mạnh từ mức 8,2% trong tháng 10 xuống còn 5,4% trong tháng 11. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp của Mỹ cũng co lại như đã đề cập ở trên.

Chốt phiên tại NYMEX, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1 giảm 1,77 USD/thùng (3,8%) so với giá đóng cửa phiên liền trước, còn 44,51 USD/thùng. So với mức đỉnh 147,27 USD/thùng hồi giữa tháng 7, hiện giá dầu tại New York đã giảm mất 102.76 USD/thùng, tương đương mức giảm 70%.

Giá dầu thô Brent giao tháng 1 tại London đóng cửa với mức giảm 1,81 USD/thùng (3,9%), còn 44,6 USD/thùng.

Sáng nay, giá dầu thế giới mở đầu ngày giao dịch với đà trượt giảm của hôm qua, nhưng sau đó, đã tăng trở lại, lên trên mức 45 USD/thùng do giới đầu tư lại chuyển sự chú ý sang cuộc họp diễn ra ngày 17/12 của OPEC tại Oran, Algeria. Giới quan sát dự báo, mức cắt giảm sản lượng của OPEC trong lần họp này sẽ dao động từ 2-4 triệu thùng/ngày

Theo VnEconomy
.
.
.