Bản lĩnh Vua Quang Trung và sĩ khí làng Nho Bắc Hà

Thứ Tư, 24/12/2014, 07:20
Tiết thu ghé Miếu Văn. Được thư thả sải bước chiêm quan ngữ nghĩa tiền nhân lại cũng chẳng sướng sao?
Gian trong Miếu Văn, gặp một tấm biển sơn son thếp vàng chĩnh chiện trên đó là câu lục bát bằng chữ quốc ngữ: “Nay mai dọn lại nước nhà/ Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian”.
Mé dưới ghi vắn tắt Lời Vua Quang Trung phê trong bài sớ văn Nôm của nông dân Trại Văn Chương.

Cô cháu vốn lắm nhời đi theo cật vấn đại loại, Trại Văn Chương là trại nào? Bài sớ ấy là gì? Tại sao vua Quang Trung lại phê vậy? v.v…

Có lẽ phải giăng kín một bài báo cho việc trả lời, giải thích? Thôi thì đành mạo muội thích đến đâu thì giải đến đó vậy?

Cuộc khởi nghĩa nông dân của người anh hùng áo vải Quang Trung như hậu thế vẫn nói thì trong lực lượng tiến quân ra Bắc lần đầu năm 1786 ấy, trong 10 vạn người, tránh sao khỏi có những tướng tá võ biền? Và quân lính nữa? Bình Ngô Đại Cáo nói về đội quân được gọi là chính quy của Bình Định vương Lê Lợi mà cũng có câu manh lệ chi đồ tứ tập (tạm hiểu, trong quân có người cày ruộng lẫn  kẻ tứ tán lưu manh).

Quân Tây Sơn vào Nam - Nam Bộ - thì phá Cù Lao Phố (Biên Hòa hiện nay), giết hại thương nhân Hoa kiều, vứt phá hàng ngoại bỏ ra đầy đường. Rồi khi vào  Sài Gòn thì cũng vậy; ra Trung thì tàn phá Hội An (Faifoo), 10 năm sau còn chưa phục hồi lại được; ra Bắc thì phá Vị Hoàng, phố Hiến và có đâu chừa lắm cả Thăng Long (dẫn theo Trần Quốc Vượng - Mấy vấn đề về Vua Gia Long, Tạp chí Sông Hương 1988).

Giở lại chính sử, lần thứ nhất Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc vào giữa năm 1786. Lúc bấy giờ nghĩa quân Tây Sơn đã đánh bại chính quyền chúa Nguyễn, đập tan cuộc xâm lược của quân Xiêm và kiểm soát vùng đất từ Quảng Nam trở vào. Chỉ trong khoảng 10 ngày, quân đội Tây Sơn dưới danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh" đã đánh tan toàn bộ quân Trịnh, lật đổ nền thống trị của chúa Trịnh.

Bia Văn Miếu.

Ngày 21/7/1786, Nguyễn Huệ dẫn đại quân vào Thăng Long và đặt chỉ huy sở ở phủ chúa Trịnh. Với cái cớ phù Lê diệt Trịnh, trong hàng dũng tướng tinh binh không hiếm những võ biền, tai chưa quen trống trận, mắt còn rối tinh kỳ, lại nữa, từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa từng chứng kiến cuộc sống vương phủ cung điện quý tộc Lê Trịnh Đàng Ngoài nên đã bực mà phá, ngứa mắt mà đập cho thỏa.

Vậy nên hạng mục thứ nhất là cung điện Lam Kinh, công trình kiến trúc độc đáo nguy nga, nơi an nghỉ của các bậc tiên đế nhà Lê luôn được đội quân thiện chiến chúa Trịnh bảo vệ. Hạng mục thứ 2 là Phủ Trịnh hoành tráng ở Biện Thượng (nay là xã Vĩnh Hùng Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) nơi hơn 200 năm các chúa Trịnh đặt hành cung để điều hành việc nước tận Thăng Long. Cả hai công trình đã bị lính Tây Sơn  tàn phá trong đó Phủ Trịnh Biện Thượng bị san bằng. Bây giờ đến chiêm quan hai di tích lịch sử quốc gia này, du khách hẳn còn thấy dấu tích tàn phá từ thời ấy căn cứ vào nền đền đài sót lại cùng những chân đế kê cột to tày ôm!

Văn Miếu Thăng Long khi ấy hẳn không ít lính túc vệ nhà Trịnh canh giữ cũng không thoát khỏi sự thảo phạt của lính Tây Sơn?

Nhà sử học Trần Văn Giáp đã để lại cho hậu thế một tài liệu độc đáo, quý hiếm. Đó là tờ sớ của nông dân Trại Văn Chương tâu lên Vua Quang Trung.

Hình thức thì là tờ sớ tâu lên vua. Nhưng xét kỹ thì na ná như một thứ đơn kiện mà nguyên đơn là:

Chúng tôi một lũ dân cày hái/ Có một mối băn khoăn trong dạ/ Mượn thày Nho phô tả ra tờ…

Bị đơn chính là Vua Quang Trung.

Dám mong lọt cửa quân cơ/ Gió nam đưa tới dưới cờ ngài Quang Trung.

Cứ như tờ sớ thì Văn Miếu đã bị quân Tây Sơn hủy hoại khá nặng nề.

Đây là quy mô trước khi bị phá.

Tính gồm lại số bia trong Giám/ Cả trước sau là tám mươi ba/ Dựng theo thứ tự từng khoa/ Bia kia sáu thước cách xa bia này/ Nhà bia đủ đông tây 10 nóc /Vuông bốn bề ngang dọc bằng nhau/ Mỗi bề hai chục thước Tàu/ Cột cao mười thước có lầu chồng diêm/ Coi thể thế tôn nghiêm có một/ Cửa ra vào then chốt quan phòng/ Bốn quan nhất phẩm giám phong/ Ba cơ, bảy vệ canh trong canh ngoài/ Bia mới dựng đầy 2 nóc trước/ Tám nóc sau còn gác lưu không.

Tờ đơn nói rõ nguyên nhân.

Bốn năm trước, giữa năm Bính Ngọ (1786)/ Ngài đem quân ra thú Bắc Hà/ Oai trời sấm sét thoáng qua/ Cơ đồ họ Trịnh bỗng ra tro tàn.

Và hậu quả.

Bia Tiến sĩ vô can vô tội/ Mà vạ lây vì nỗi cháy thành/ Bia thì đạp đổ tung hoành/ Nhà bia thì đốt tan tành ra tro.

Tờ đơn cũng có ý trách Vua Quang Trung

Một nền văn hiến lâu dài/ Tiếc thay chưa được đón Ngài ngự thăm.

Đây là tờ sớ (đơn) hơi bị lạ.

Bối cảnh mùa xuân Kỷ Dậu 1789, Quang Trung đại phá quân Thanh, thành Thăng Long vừa được giải phóng khỏi ách quân xâm lược Mãn Thanh. Trong không khí đầy thành già trẻ mặt như hoa/ Chen vai thích cánh cùng nhau nói/ Cố đô vẫn thuộc núi sông ta (thơ Ngô Ngọc Du). Vua Quang Trung uy danh lẫm lẫm, oai trùm thiên hạ mà hoàn cảnh ấy lại xuất hiện một vụ kiện hy hữu. Ấy là dân cày kiện vua? Lạ nữa, dân cày Trại Văn Chương dám gọi vua bằng Ngài thì quả táo gan? Đơn không viết bằng chữ Hán mà bằng chữ Nôm, bằng văn vần!

Dân Trại cày đứng đơn nhưng lại mượn thày Nho phô tả ra lời. Bởi ông thày đồ, vị thày Nho nào đấy, nói tóm lại ở địa vị giới Nho sĩ Bắc Hà thì mới biết Vua Quang Trung vốn chuộng chữ Nôm chứ dân cày làm sao tường hết? Dân cày sao biết được việc Quang Trung Đại Đế từng cho lập Viện Sùng chính, cử La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng để lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm dùng vào việc dạy học cho dân. Rồi việc Vua Quang Trung trong thi cử, bắt giám khảo ra đề bằng chữ Nôm, thí sinh làm bài bằng chữ Nôm (có lẽ đây là lần đầu tiên nhà nước phong kiến đưa chữ Nôm vào thi cử?).

Chắc khi tiếp tờ sớ, Vua Quang Trung đã tức khắc nhận thấy những cái lạ ấy? Nhưng vị hoàng đế đã phê ngay vào đơn ấy bằng những vần Nôm như sau:

Ta không trách nông phu/ Ta chỉ gờm thày Nho/ Cả gan to mật, dám kêu Vua bằng Ngài! Thày Nho là ai? Sắc cho Bộ hỏi, dân khai.

Sắc cho Bộ hỏi, dân khai? Quả là sợ! Nhưng với tư cách người chiến thắng và với cương vị Hoàng đế, Vua Quang Trung không khó gì cái việc lùng tìm ra tác giả tờ sớ, cái ông thày Nho viết đơn dám gọi Vua bằng Ngài! (Căn cứ vào tài liệu của cụ Trần Văn Giáp thì tác giả tờ đơn Nôm ấy là Tam Nông tiên sinh, thực tên là Hà Năng Ngôn, sinh tại thôn Vân Đài, huyện Duyên Hà, Trấn Sơn Nam Hạ, Thái Bình bây giờ. Nhưng mến tài nhà Nho và đang cần người hiền ông này sau đó đã được nhà vua trọng dụng).

Rồi ngạc nhiên chưa, Vua Quang Trung đã không làm cái việc hạch hỏi tiểu nhân ấy mà nhà vua đã vui vẻ đi ngay vào điều cốt yếu cần giải quyết, cụ thể là cho ngay thánh chỉ cùng châu khuyên vào tờ đơn Nôm đó như thế này:

Thôi! Thôi! Thôi! Việc đã rồi /Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta! Nay mai dọn lại nước nhà/ Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian/Cơ đồ họ Trịnh đã tan?/ Chớ đổ Trịnh Khải mà oan muôn đời.

Lại đang nói đến cái thế của kẻ mạnh của người chiến thắng, khi đó Vua Quang Trung để bảo toàn uy và danh quân Tây Sơn không khó gì cái việc đổ vấy việc phá Văn Miếu cho quân của chúa Trịnh. Cụ thể khi ấy là chúa Trịnh Khải (ở ngôi chúa mới được một năm, 1785-1786). Có cơ sở lắm chứ vì chúa Trịnh Khải vốn giận và hiềm nhiều vị khoa bảng không ai chịu theo chúa lúc thất thế nên cho lính lẫn côn đồ phá bia cho bõ tức? Nhưng Vua Quang Trung đã thốt đã phê 3 chữ thôi.

Thôi, là khẳng định việc phá bia là do quân lính của mình. Thôi cũng cùng là việc nhận lỗi! Thôi cũng là ra luôn cái lệnh chấn chỉnh ngay sự nghi ngờ đồn thổi này khác!

Khá khen vua ấy cùng tôi thời ấy! Dũng khí của vua và sĩ khí của dân cùng tiết tháo nhà Nho Bắc Hà. Ấy là phải dò phải thăm một cách khôn khéo phẩm chất của vị tân thiên tử quê kiểng ở Đàng Trong?

Không thấy chính sử chép nhưng dân Thăng Long đồn rằng sau khi nhận tờ sớ đó, mặc dù công việc bộn bề mà cụ thể, trước khi đến ra mắt bố vợ là Vua Lê Hiển Tông cha của Ngọc Hân công chúa, Vua Quang Trung đã đáo qua Miếu Văn. Bữa đó Ngài đã dừng lại và chỉ vế thứ hai của đôi câu đối đề ở cổng Miếu Văn (hình như bây giờ vẫn còn?) rồi đọc.

Ngô Nho yếu thông kinh, yếu thức thời, vô câu cố dã, thượng tư thánh huấn vĩnh tương đôn.

(Tạm hiểu: Nhà Nho ngoài việc thông kinh sử còn phải thức thời, chớ nên cố chấp, những lời thánh huấn phải ghi lòng).

Trong số các quan tùy tòng bữa đó có nhiều nhà nho lẫn khoa bảng Bắc Hà đi theo. Ý Vua Quang Trung muốn mượn chữ tiền nhân để răn chăng? Chả thế mà Ngài từng thẳng thắn với La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp rằng, người ta chỉ tranh đua tập việc học từ chương cầu lợi. Quốc phá gia vong, những tệ kia ở đó mà ra. Phàm việc học "phải tuần tự mà tiến, đọc cho kỹ mà ngẫm nghĩ cho tinh, học cho rộng rồi ước lượng cho gọn, theo điều học biết mà làm họa may nhân tài mới có thể thành tựu, nước nhà nhờ đó mà vững yên".

Tiếc thay, việc đại sự "dọn lại nước nhà" của Vua Quang Trung còn dang dở, thì cái chết đột ngột đã làm lỡ cả. Trong đó có cả việc dựng lại Miếu Văn. Mãi tới năm 1863 (Tự Đức thứ 16) thì Bố chánh sứ Hà Nội là Lê Hữu Thanh mới dựng lại hai dãy nhà bia quy củ như bây giờ!

Thêm cái tiếc nữa, dưới triều nhà Nguyễn, do mối hiềm mà toàn bộ những dòng mỹ hiệu, mỹ tự viết về chúa Trịnh trên các bia tiến sĩ trong Văn Miếu đều bị đục, xóa chữ trong đó có 2 nhân vật là Ngô Thì Nhậm và Lê Quý Đôn. Vua Minh Mạng từng ra lệnh đục bỏ những đoạn ca ngợi công đức họ Trịnh trên một số bia tiến sĩ thời Lê Trịnh tại Quốc Tử Giám. Những vết đục phá ấy nay vẫn hoăm hoắm trên bia Miếu Văn!

Lịch sử không ngẫu nhiên và cũng chẳng tình cờ? Với sự kiện tờ đơn Nôm nọ của dân Trại Văn Chương mấy trăm năm trước, hậu thế như chợt bừng thức thêm giá trị của nhà quản trị Nguyễn Huệ Quang Trung? Chao ôi dũng khí nhận ngay lỗi lầm ở thời điểm thanh thế đương lẫy lừng thiên hạ, trong chính sử nước nhà phỏng được mấy đấng minh quân như thế? Và động thái nhận lỗi nhằm cái đích thu phục nhân tâm, mấy vị vua được nghĩa cử vậy?

Có lẽ dũng khí ấy, phẩm chất đó vẫn là thứ thời sự muôn đời của việc quản trị đất nước với chăm dân?

Xuân Ba
.
.