Chưng lọc nước biển thành nước ngọt bằng công nghệ mặt trời

Thứ Hai, 23/02/2015, 10:16
Với mong muốn chấm dứt cảnh thiếu nước ngọt của người dân sinh sống trên các vùng hải đảo, thầy giáo Đinh Vương Hùng và nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nông Lâm Huế đã chế tạo thành công thiết bị chưng cất, lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời...

“Năm 2014 thì tôi và nhóm nghiên cứu Khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Huế mới bắt tay chế tạo thiết bị. Lúc đầu, công việc gặp nhiều khó khăn do thiếu các trang thiết bị kỹ thuật. Nhưng nhóm đã quyết tâm khắc phục để hoàn thiện sản phẩm trong thời gian sớm nhất”, thầy Hùng chia sẻ.

Cấu tạo của thiết bị lọc nước biển khá đơn giản, gồm một bộ thu nhiệt ngoài, một bộ thu nhiệt trực tiếp, bộ làm nguội và ngưng tụ, các bình chứa nước và van điều tiết... với tổng trọng lượng 150kg. Ngoài ra, thiết bị còn sử dụng kính và HDPE - một loại chất dẻo chống được sự ăn mòn và chịu được hơi mặn, có độ bền cao.

Theo đó, thiết bị hoạt động trên nguyên lý thu nhiệt năng từ năng lượng mặt trời, rồi làm bay hơi nước và ngưng tụ thành nước ngọt. Cứ một mô đun 2m2, thiết bị có thể lọc được 4-5 lít nước mỗi ngày.

 Hiện nhóm đang nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống lọc nước biển kiểu mô đun lắp trên mái nhà với diện tích thu nhiệt mỗi mô đun 6m2, cho năng suất từ 10-15 lít nước/ngày.

Nhiều nhà khoa học và các chuyên gia đánh giá cao ứng dụng thiết thực của sản phẩm, nhất là đối với các tàu cá của ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ, các hộ dân ở miền núi, hoặc vùng đảo thường xuyên thiếu cảnh nước ngọt...

“Chúng tôi đã tính đến giá thành phù hợp với người dân, khoảng 15 triệu đồng. Tới đây, nhóm sẽ sản xuất thử nghiệm nhằm phục vụ các khu vực thiếu nước ngọt ở Trường Sa”.

Anh Khoa
.
.
.