Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì khi triển khai 4G?

Thứ Sáu, 01/05/2015, 07:18
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 124 quốc gia trên thế giới triển khai và ứng dụng thành công công nghệ 4G LTE. Trong quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2025, Thủ tướng đã đồng ý cho Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nghiên cứu và bắt đầu triển khai 4G tại Việt Nam vào năm 2015. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng về vấn đề này.

PV: Thưa Thứ trưởng, cơ sở nào để Bộ TT&TT quyết định chọn năm 2015 làm thời điểm để triển khai công nghệ 4G?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Công nghệ 4G LTE đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu. Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), thế giới hiện có 360 mạng LTE. Những mạng này đã được thương mại hóa tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 500 triệu thuê bao và hơn 24.000 chủng loại thiết bị đầu cuối hỗ trợ.

Tại khu vực Đông Nam Á, đa phần các quốc gia có nền kinh tế phát triển đều đã triển khai công nghệ này và đã thu được những thành công bước đầu. Đó là một tiền đề quan trọng cho Việt Nam triển khai 4G. Tiền đề thứ hai là công nghệ 3G tại Việt Nam tuy đã khá phổ biến song vẫn tồn tại những hạn chế về chất lượng và tốc độ không thể phủ nhận. Nếu Việt Nam muốn phát triển thương mại điện tử trên nền di động, Chính phủ điện tử trên nền di động thì bắt buộc phải cần tới tốc độ và sự bảo mật của 4G.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng.

PV: Vậy việc triển khai công nghệ 4G liệu có “xung khắc” gì với 3G đang được đánh giá là hoạt động khá tốt hiện nay không, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Chính công nghệ 3G đã góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ ngành Viễn thông Việt Nam trong những năm gần đây. Bằng chứng là sau 5 năm triển khai, từ 2009 đến 2014, Việt Nam đã có gần 29 triệu thuê bao và tốc độ tăng trưởng về con số này vẫn ở mức cao, qua đó đưa 3G trở thành một trong những dịch vụ mang lại doanh thu lớn cho nhà mạng cũng như đáp ứng được nhu cầu của người dùng trong thời đại thông tin số. Đặc biệt, khi triển khai 4G, nhà mạng vẫn hoàn toàn có thể sử dụng song song công nghệ 2G, 3G và 4G dựa trên đánh giá thực tế của từng khu vực về nhu cầu thực tế của người dùng và hỗ trợ cho nhau.

Với những gì công nghệ 3G mang lại, Bộ TT&TT, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông định hướng rằng 4G sẽ mang lại những bước phát triển lớn, mạnh mẽ hơn cho thị trường trong nước cũng như đáp ứng cao hơn nữa nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng cho rằng, dù  vậy thì việc triển khai dịch vụ này sao cho bền vững, phù hợp với tình hình của Việt Nam cần được các nhà mạng trong nước phối hợp, tham khảo cùng DN, tổ chức có kinh nghiệm trên thế giới nhằm đưa ra kế hoạch tiện lợi nhất.

PV: Theo ông, với việc triển khai công nghệ 4G, nền kinh tế nói chung, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Nghiên cứu trên thế giới gần đây về tác động của công nghệ di động lên kinh tế toàn cầu cho thấy, tốc độ, giá thành và những tính năng mới của công nghệ 4G đã và đang thay đổi mạnh mẽ đến cuộc sống, làm lợi cho người dùng và DN. Chẳng hạn, tốc độ truyền dữ liệu của 4G là vượt trội, tăng gấp 12.000 lần so với 2G. Những tính năng mới của công nghệ 4G có thể giúp các nhà mạng triển khai nhiều dịch vụ mới trực tiếp từ máy đến máy một cách thuận lợi, dễ dàng hoặc giá thành của công nghệ 4G giảm đến 99 lần chi phí truyền tải dữ liệu… Nghiên cứu cũng chỉ ra, nếu tăng được 10% thuê bao di động thì sẽ góp phần tăng được 1% GDP và nếu tăng được 10% thuê bao Internet băng rộng (4G) thì sẽ tăng được 1,5% GDP. Như vậy, công nghệ 4G có tác động rất lớn đối với việc phát triển của quốc gia. Bên cạnh đó, theo tính toán của các chuyên gia, việc đưa vào sử dụng rộng rãi các băng tần di động mới sẽ giúp nhà mạng giảm chi phí và đạt được lợi nhuận cao. Đồng thời, người sử dụng cũng sẽ được hưởng lợi nếu 4G được triển khai, khi đó phí trên mỗi dung lượng của 4G nhiều khả năng sẽ thấp hơn 3G. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng có được dịch vụ tốt nhất với giá hợp lý. Ngoài ra, công nghệ 4G cho phép các DN có thể triển khai nhiều dịch vụ đa dạng cho khách hàng như: video chất lượng cao, truyền hình trực tiếp đến các thiết bị của khách hàng…

PV:  Theo Thứ trưởng, lộ trình triển khai 4G sẽ được Bộ TT&TT thực hiện như thế nào trong thời gian tới?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Từ bài học kinh nghiệm 3G, Bộ TT&TT đã xây dựng, nghiên cứu các cách và lộ trình để triển khai 4G tại Việt Nam căn cứ vào các nguyên tắc: Khi đưa 1 công nghệ mới vào Việt Nam thì công nghệ phải chín muồi và số lượng người dùng công nghệ trên thế giới tương đối phổ biến thì khi đó chúng ta áp dụng vào Việt Nam mới thành công. Theo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt, từ năm 2015 trở đi sẽ nghiên cứu và áp dụng công nghệ 4G tại Việt Nam. Căn cứ quy hoạch này, trong năm 2014, Bộ đã cho các DN thử nghiệm công nghệ 4G ở một số băng tần.

Ngày 1/3 vừa rồi, Bộ trưởng đã ban hành Thông tư cho phép triển khai công nghệ 4G ở băng tần 1.800 MHz mà hiện nay các nhà mạng đang sử dụng cho mạng 2G. Theo lộ trình, năm 2015 Bộ TT&TT sẽ cho thử nghiệm ở băng tần 1.800 MHz, còn băng 2.600 MHz chúng ta đã thử nghiệm trong năm 2014. Bắt đầu 2016 sẽ chính thức cấp phép cho triển khai 4G tại Việt Nam, trước mắt có thể thí điểm trước tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, nơi người dân có nhu cầu sử dụng lớn.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng! 

Huyền Thanh
.
.
.