Việt Nam giống như “học sinh nghèo học giỏi”

Thứ Bảy, 26/09/2015, 20:00
Việc Việt Nam tăng liền 19 bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố được coi là bước tiến nhảy vọt.

Lần đầu tiên, Việt Nam vượt qua Thái Lan để vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á, đứng thứ 9 trong top 10 các quốc gia có hiệu quả đầu tư cho đổi mới sáng tạo tốt nhất. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của điều này, PV báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Tạ Doãn Trịnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KHCN (Bộ Khoa học và Công nghệ):

PV: Thưa ông, việc Việt Nam tăng 19 bậc, từ vị trí 71 xuống 52 trong tổng số 141 quốc gia trên thế giới là thành công vượt bậc. Kết quả này có được là do đâu?

TS Tạ Doãn Trịnh: Kết quả xếp hạng của WIPO hoàn toàn khách quan dựa trên những nghiên cứu, khảo sát cụ thể và được Trung tâm nghiên cứu liên ngành cộng đồng châu Âu kiểm chứng. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được đánh giá trên cơ sở tổng hợp giữa chỉ tiêu đầu vào và đầu ra.

Chỉ số đầu vào gồm 5 yếu tố: thể chế vĩ mô, giáo dục đào tạo và KHCN, cơ sở hạ tầng, thị trường vốn và đầu tư, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số đầu ra gồm 2 yếu tố: tri thức và công nghệ, mức độ sáng tạo. Chỉ số đầu vào của chúng ta có tiến bộ hơn năm 2014 nhưng vẫn còn thấp, chỉ đứng ở vị trí 78, thua Thái Lan (16). Thế nhưng chỉ số đầu ra của chúng ta rất cao, xếp thứ 39. Do vậy, chỉ số chung xếp cao hơn Thái lan 3 bậc. Một điểm đáng lư ý là Việt Nam cũng là 1 trong 10 nước dẫn đầu về hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo khi xét theo tỷ lệ đầu ra/ đầu vào.

PV: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu phản ánh trình độ phát triển KHCN của một quốc gia. Nghị quyết 20 của Trung ương về Chiến lược phát triển KHCN đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ lọt vào top 3 Đông Nam Á. Như vậy, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu trước 5 năm. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển KHCN nói riêng, kinh tế xã hội nói chung?
TS Tạ Doãn Trịnh.

TS Tạ Doãn Trịnh: Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp nhưng chỉ số đổi mới sáng tạo vượt nhiều nước có thu nhập ở nhóm trên như Nam Phi, Brazil, Uruguay…Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để đứng thứ 3, sau Singapore và Malaysia. Điều này nói lên tính năng động và nỗ lực của quốc gia trong hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh. Mặc dù đầu tư chưa cao nhưng hiệu quả tốt. Điều này cũng giống như “học sinh nghèo học giỏi”.

Chỉ số này cũng là tín hiệu tốt cho thấy chúng ta đã thực sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ phát triển dựa trên các yếu tố nguồn lực (tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ) sang phát triển dựa vào hiệu quả và ứng dụng KHCN. Việc tăng hạng cũng cho thấy, những thay đổi về thể chế, hệ thống pháp luật và phương thức quản lý về KHCN trong thời gian qua đã phát huy tác dụng. Cụ thể, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và Công nghệ, …đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN…

PV: Nhiều người cho rằng chớ vội mừng, bởi sự tăng trưởng của chỉ số này có dấu hiệu không bền vững. Đã có thời điểm chỉ số này tụt hạng tới 25 bậc. Ông nghĩ sao?

TS Tạ Doãn Trịnh: Chỉ số này được đánh giá hàng năm, nên sẽ có lúc lên lúc xuống. Nhưng mấy năm gần đây, chỉ số này của Việt Nam liên tục tăng là do kết quả của một số cải cách và nỗ lực trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là phải cải thiện chỉ số đầu vào thông qua việc tăng tổng mức đầu tư, đổi mới phương thức đầu tư, nâng cao năng lực tiếp thu KHCN…

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp thì cần phải xã hội hoá nguồn lực đầu tư từ phía doanh nghiệp. Chúng ta không thể tăng chỉ số đầu ra mãi trong khi chỉ số đầu vào vẫn đứng nguyên. Nếu mình làm tốt rồi nhưng nước khác làm tốt hơn thì mình vẫn tụt hạng. Muốn vậy, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp được sử dụng đồng tiền của mình dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.

PV: Vì sao chúng ta chưa thu hút được nguồn đầu tư từ phía doanh nghiệp cho KHCN?

TS Tạ Doãn Trịnh: Hầu hết doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, do đó tiềm lực đầu tư riêng rẽ của từng doanh nghiệp là không lớn. Tuy nhiên, nếu chúng ta có cơ chế tập hợp những nguồn lực riêng rẽ đó lại sẽ tạo ra được nguồn lực không nhỏ. Thêm vào đó, một khi cơ chế thị trường trong nền kinh tế được đẩy mạnh, các doanh nghiệp sẽ buộc phải cạnh tranh bằng KHCN. Khi đó, nguồn lực đầu tư cho KHCN sẽ lớn hơn.

PV: Một thực tế là, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu liên tục tăng trong những năm gần đây, nhưng trình độ KHCN của Việt Nam lại không tăng tương ứng. Vì sao vậy, thưa ông?

TS Tạ Doãn Trịnh: Trình độ phát triển KHCN của một quốc gia rất khó thoát ly khỏi trình độ phát triển kinh tế xã hội. Bản thân chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu không chỉ phụ thuộc vào trình độ phát triển KHCN và ngành KHCN mà còn cần đến sự nỗ lực đổi mới sáng tạo của toàn xã hội. Chỉ số này đang trên đà đi lên, thể hiện sự thay đổi về chất đúng quy luật. Tuy nhiên, có lẽ phải mất cả chục năm nữa, khi bình quân thu nhập đầu người ít nhất phải đạt 9000 USD thì trình độ phát triển KHCN quốc gia mới đạt được như kì vọng.

PV: Xin cảm ơn ông.

Khánh Vy (thực hiện)
.
.
.