Thủ tướng đối thoại với các nhà khoa học trẻ

Thứ Sáu, 11/09/2015, 15:40
“Các bạn có trăn trở gì thì cứ mạnh dạn đề xuất, Chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ tối đa. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội sửa Luật để tạo cơ chế tốt nhất” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong buổi đối thoại với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu diễn ra sáng nay (11/9).

Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, đội ngũ những nhà khoa học trẻ đã trở thành lực lượng tiên phong trong việc tiếp thu các thành tựu công nghệ mới của thế giới.

Tuy nhiên, tại nhiều nơi vẫn còn hiện tượng chưa coi trọng cán bộ khoa học trẻ, chậm đổi mới tư duy, dẫn tới hiện tượng chảy máu chất xám, thiếu hụt đội ngũ cán bộ trẻ kế cận.

Được trò chuyện cởi mở với người đứng đầu Chính phủ, không ít các nhà khoa học trẻ đã thẳng thắn bày tỏ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn nghiên cứu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh chung với 68 nhà khoa học trẻ tiêu biểu.

TS Phạm Văn Phúc (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vẫn còn có quá nhiều quy định ràng buộc nhà khoa học, trói buộc tinh thần sáng tạo.

“Tôi không biết tại sao lại có những quy định như vậy. Các nhà quản lí tỏ ra không tin tưởng chúng tôi, gây ra tâm lí chán nản. Cuộc khủng hoảng niềm tin là lí do khiến nhiều nhà khoa học trẻ bỏ ra nước ngoài. Họ đi không phải vì tiền mà vì ở đó họ được tin tưởng” - TS Phúc chia sẻ.

Thủ tướng phát biểu tại buổi đối thoại.

Thu nhập thấp, cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng là điều khiến nhiều nhà khoa học trẻ băn khoăn.

“Khi mới về Việt Nam làm việc, tôi nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Tiến sĩ gì mà nghèo quá, làm không đủ ăn. Trong khi bạn bè đi làm doanh nghiệp lương cao thì tôi vẫn phải đi thuê nhà, bán xe để thực hiện các ý tưởng sáng tạo” - TS Nguyễn Bá Hải cho biết.

Là nhà khoa học nữ, TS Phạm Phương Chi (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng đồng quan điểm: “Người làm khoa học thiệt thòi nhiều về vật chất lẫn tinh thần. Dù chúng tôi có bao nhiêu bài báo, công trình được công bố quốc tế thì mức lương vẫn theo hệ số, 3 năm mới điều chỉnh”.

Trong khi đó, TS Lê Phước Cường (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cũng bày tỏ: “Nhiều bạn trẻ hiện nay không muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học vì cơ chế đãi ngộ thấp, khó nhìn thấy thành quả ngay. Đây là ngành tạo ra tầng lớp tri thức cho các ngành khác. Do đó phải có được sự đãi ngộ cao nhất”.

Sản phẩm trí tuệ làm ra không được các doanh nghiệp trong nước ưu tiên ứng dụng là nỗi trăn trở của Th.S Lê Văn Huyên (Tổng Công ty viễn thông MobiFone).

Để khoa học công nghệ có thể cất cánh, TS Nguyễn Quốc Định (Học viện Kĩ thuật Quân sự) cho rằng, Chính phủ cần tạo ra Quỹ đầu tư cho các công ty khởi nghiệp.

TS Định lấy dẫn chứng, ở Mĩ, năm 2014 có khoảng 48 tỉ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho các ý tưởng sáng tạo. Trong khi đó, ở Việt Nam, đầu tư mạo hiểm rất hạn chế.

“Trong 10 năm ở Nhật Bản, tôi thấy, các trường Đại học của họ chủ yếu nghiên cứu cơ bản. Việc sản xuất do các công ty đảm nhiệm. Các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí rất nhiều cho các trường Đại học thực hiện các nghiên cứu. Trong khi đó, ở Việt Nam, đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu còn rất thấp” - TS Định nói thêm.

Trước những ý kiến thẳng thắn của các nhà khoa học trẻ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng đội ngũ tri thức. Chính phủ cũng đã bổ sung 1.000 tỉ đồng cho quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học - Công nghệ rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút, trọng dụng nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ; đào tạo các nhà khoa học trẻ trở thành những nhà khoa học đầu ngành.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng nhiều ý tưởng khoa học không thực hiện được do thiếu sự đầu tư.

“Một số nhà khoa học trẻ của Việt Nam đã chiếm lĩnh, chinh phục đỉnh cao khoa học thế giới, ghi danh Việt Nam vào bản đồ khoa học của nhân loại như GS Ngô Bảo châu, GS Vũ Hà Văn, GS Đàm Thanh Sơn. Chính phủ mong muốn, bằng tài năng và tâm huyết, các nhà khoa học trẻ tiếp tục đam mê, cống hiến. Các bạn là tương lai của đất nước, là hiện thân của trí tuệ Việt Nam” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau khi nghe TS Nguyễn Bá Hải trình bày về sản phẩm “mắt thần” dành cho người khiếm thị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “đặt hàng” sản phẩm.

“Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho 300.000 kính để hỗ trợ những người nghèo bị khiếm thị. Đất nước có hơn 90 triệu dân, trong đó có 300.000 người mù, không có lí do gì chúng ta không lo cho họ. Người mù Việt Nam sẽ được sử dụng kính do người Việt Nam sản xuất” - Thủ tướng nói.

Khánh Vy
.
.
.