Phóng xạ hàm lượng nhỏ, người dân không nên uống iot

Thứ Năm, 31/03/2011, 15:31
PGS. TS Nguyễn Nhị Điền nhấn mạnh: "Hiện tại, hàm lượng phóng xạ phát hiện rất nhỏ, chưa tới mức phải có hành động can thiệp. Người dân nên bình tĩnh theo dõi thông báo của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không uống iot khi cơ thể chưa bị nhiễm xạ".

Phóng xạ đã phát tán rộng ra nhiều nơi: Hà Nội, Lạng Sơn, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh. Ngoài chất I-131, trong ngày 30/3, trạm quan trắc của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử) đã tìm thấy sự có mặt của chất phóng xạ Cs-137 trong không khí.

Điều này càng làm gia tăng khả năng Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi phóng xạ từ Nhà máy Fukushima 1 của Nhật Bản. Tuy nhiên, hàm lượng phóng xạ vẫn thấp hơn hàng trăm nghìn lần so với giới hạn cho phép, nên không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Hình ảnh mô phỏng khối mây phóng xạ vùng Đông Nam Á.

Mây phóng xạ đã vào đất liền

TS Trịnh Văn Giáp - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân - cho biết: "Trong ngày 30/3, trạm quan trắc tại Hà Nội và Lạng Sơn vẫn phát hiện thấy chất phóng xạ với hàm lượng nhỏ. Đặc biệt, trong mẫu không khí, ngoài chất phóng xạ I-131 còn tìm thấy Cs-137. Tuy nhiên, hàm lượng của Cs-137 thấp hơn 1.000 lần so với giới hạn cho phép. Sự có mặt của Cs-137 chứng tỏ ở Việt Nam đã có khối mây phóng xạ, vì Cs-137 chỉ phát tán sau các vụ nổ hạt nhân".

Nói về nguồn gốc của chất phóng xạ, TS Trịnh Văn Giáp cho rằng: "Chất phóng xạ được tìm thấy chắc chắn có nguồn gốc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Xung quanh trạm quan trắc của Viện không có cơ sở sản xuất I-131 nên không thể có chuyện rò rỉ. Ở Việt Nam, chỉ có duy nhất Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được sản xuất I-131. Hình ảnh mô phỏng từ trạm quan trắc thuộc Tổ chức CTBTO cho thấy, đã có một đám mây nhỏ bay từ Trung Quốc sang Việt Nam. Sau khi xảy ra sự cố với Nhà máy Fukushima 1, đám mây phóng xạ đã di chuyển theo hai hướng chủ đạo: Một khối hướng ra biển Thái Bình Dương, một khối tiến lên phía Bắc. Chính khối mây tiến lên phía Bắc đã tràn qua lãnh thổ Nga, Trung Quốc để vào Việt Nam".

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng khẳng định: "Ngoài Đà Lạt, trạm quan trắc của Viện cũng đã tìm thấy sự có mặt của I-131 tại TP Hồ Chí Minh, song chưa thấy Cs-137. Cùng với việc phát hiện Cs-137 ở trạm Hà Nội, Lạng Sơn, có thể khẳng định nguồn gốc của chất phóng xạ tìm thấy ở Việt Nam là từ Nhật Bản. Khối mây phóng xạ đã vào trong đất liền chứ không phải vẫn ở trên biển như hình ảnh mô phỏng".

Theo ông Điền, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt có trạm quan trắc phóng xạ đặt tại 3 nơi: Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Ninh Thuận. Hiện tại, chỉ còn trạm Ninh Thuận chưa quan trắc thấy phóng xạ.

Hàm lượng phóng xạ sẽ giảm dần

TS Trịnh Văn Giáp cho rằng: "Hàm lượng phóng xạ tại Việt Nam trong những ngày tới sẽ giảm dần nếu như Nhật Bản khống chế được tình hình sự cố tại Nhà máy Fukushima. Chu kỳ bán rã của chất phóng xạ I-131 là 8,02 ngày, song thời gian phân rã của Cs-137 lại lên tới 30 năm. Rất may là hàm lượng Cs-137 phát hiện được tại Việt Nam rất thấp nên không đáng ngại". Việc hút khí để đo vẫn đang được Viện Khoa học - Kỹ thuật hạt nhân tiến hành 24/24h để cập nhật số liệu mới nhất.

Ngay sau khi có thông tin phát hiện chất phóng xạ, nhiều người dân đã hoang mang, lo ngại thực phẩm có thể bị nhiễm xạ. Thậm chí, có người đã lo lắng thái quá nên đi tìm mua iot về uống.

PGS. TS Nguyễn Nhị Điền nhấn mạnh: "Hiện tại, hàm lượng phóng xạ phát hiện rất nhỏ, chưa tới mức phải có hành động can thiệp. Người dân nên bình tĩnh theo dõi thông báo của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không uống iot khi cơ thể chưa bị nhiễm xạ".

I-131 là chất phóng xạ sẽ thoát ra đầu tiên, nếu có xảy ra sự cố điện hạt nhân, đồng thời phát tán rất nhanh trong không khí. I-131 vẫn được sản xuất để phục vụ chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu cơ thể bị nhiễm xạ I-131 với liều lượng cao thì có thể dẫn đến nguy cơ ung thư, nếu ở mức thấp sẽ không gây ra tác hại nào. Khi cơ thể bị nhiễm phóng xạ, việc uống iot sẽ giúp thải chất phóng xạ ra ngoài. Tuy nhiên, khi cơ thể chưa bị nhiễm xạ, uống iot vào cơ thể có thể gây bệnh.

TS Đặng Thanh Lương - Cục phó Cục An toàn bức xạ hạt nhân - khẳng định: "Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6866:20001 quy định giới hạn liều đối với công chúng do ảnh hưởng của một cơ sở bức xạ, hoặc cơ sở hạt nhân trong điều kiện hoạt động bình thường là 1 mSv/năm (nếu lấy liên tục trong 5 năm), còn trong một năm riêng lẻ không vượt quá 5 mSv. Căn cứ tiêu chuẩn trên, các kết quả đo phóng xạ tại Hà Nội, Lạng Sơn, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh đều thấp hơn hàng trăm ngàn lần so với giá trị giới hạn, nên sẽ không gây ra ảnh hưởng gì tới sức khỏe người dân".

Theo báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1, tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp, khi nồng độ phóng xạ tiếp tục tăng cao trong khu vực nhà máy, đám mây phóng xạ phát tán ngày càng rộng. Dựa trên hình ảnh mô phỏng hướng di chuyển, thì trên vùng biển Thái Bình Dương, khối mây này đang tiến sâu xuống phía Nam,  về Hoa Kỳ, Canada. Trên vùng biển Đại Tây Dương, khối mây đang tiến về phía Đông Âu.

Trạm quan trắc JPP38 ở gần Nhà máy Fukushima 1 vẫn tiếp tục phát hiện hạt nhân phóng xạ từ phản ứng kích hoạt và phản ứng phân hạch. Các trạm quan trắc tại Hoa Kỳ, Canada cũng đã phát hiện thấy I-131. Hầu hết các trạm quan trắc của Tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) đặt tại Na Uy, Nga, Thụy Điển, Đức, Iceland… đều đã phát hiện thấy chất phóng xạ.

Còn tại khu vực Đông Nam Á, trạm quan trắc đặt tại Philippines cũng đã ghi nhận được sự có mặt của chất phóng xạ. Trong những ngày tới, đám mây phóng xạ có lan rộng ở Việt Nam hay không phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện khí tượng của vùng Đông Nam Á

Lâm Khánh Vy
.
.
.