Phát triển thuỷ điện: Cần những bước đi theo chiến lược dài hạn

Thứ Sáu, 14/12/2012, 11:49
Trong khi dư luận về các sự cố đập trong nước vẫn chưa lắng xuống, thì việc vỡ đập Stung Atay ở Campuchia vừa xảy ra hồi đầu tháng, làm 4 người mất tích, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về độ an toàn của các công trình này. Các chuyên gia cho rằng trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, thiên nhiên khó mà đoán trước và việc phát triển thủy điện ồ ạt sẽ là mối họa lâu dài nếu không được kiểm tra, giám sát một cách nghiêm túc.
>> Thủy điện nhỏ và nỗi lo lớn về an toàn, hiệu quả

Lãng phí đất rừng rất lớn, đóng góp vào lưới điện quá nhỏ

Để có được cái nhìn sòng phẳng hơn về thủy điện nhỏ, trước hết hãy xem các công trình này đóng góp được bao nhiêu điện vào hệ thống quốc gia. Theo báo cáo mới đây nhất của Bộ Công thương, sau khi đã thống nhất loại bỏ 107 dự án thủy điện nhỏ trên toàn quốc, hiện cả nước còn lại tổng số 1.114 công trình và dự án thủy điện (cả lớn và nhỏ) với tổng công suất lắp máy khoảng hơn 25 nghìn MW. Trong số lượng dự án khổng lồ này, chỉ có 110 dự án vừa và lớn, chiếm đến hơn 70% tổng công suất. Còn lại 1.004 dự án nhỏ chỉ chiếm gần 30% với gần 7,5 nghìn MW.

Với số lượng này, dù trong tình trạng lạc quan nhất - khi tất cả các dự án trong quy hoạch đều có thể triển khai, thủy điện nhỏ cũng chỉ có thể chiếm tối đa là 9% lượng điện toàn quốc. Trên thực tế, theo một số chuyên gia, tỷ lệ này chỉ chừng 3 - 4% và đang ngày càng giảm đi do các dự án thủy điện gần như đã cạn kiệt. Nếu chiếu theo quy hoạch điện 7, đến 2020, với nhu cầu sử dụng điện khoảng 330 - 362 tỷ kWh, thủy điện nhỏ sẽ chỉ còn đóng góp được 3 - 3,3% nhu cầu là tối đa.

Trong khi đó, theo một báo cáo của Bộ NN&PTNT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện trong giai đoạn 2006-2012, cho thấy: để triển khai được 160 dự án thủy điện, chúng ta đã mất đi gần 20.000 ha đất rừng tự nhiên, trung bình mất đi 125 ha/1 dự án. Thậm chí, con số này có thể lớn hơn, bởi sẽ phải bố trí mới đất tái định cư, đất sản xuất... cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Cùng với những tai họa ẩn giấu về sự cố đập, lũ lụt... thủy điện nhỏ đã trở thành một trong những vấn đề nóng nhất trên diễn đàn một vài năm vừa qua. Việc kiểm tra an toàn của các đập đã được Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và các địa phương tiến hành.

Theo Bộ Công thương trong 56 đập được giao, cơ quan này đã kiểm tra 10 đập và giao cho địa phương 46 đập còn lại. Kết quả kiểm tra cho thấy phần lớn các đập an toàn, chỉ có 4/56 đập có hiện tượng thấm nhẹ. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng việc kiểm tra mới chỉ dừng ở “cưỡi ngựa xem hoa”.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Đình Bảy - Giám đốc Sở Công thương Hà Giang cho biết: Mặc dù đoàn kiểm tra bao gồm đủ các thành phần kỹ sư xây dựng, kỹ sư điện, thủy lợi... nhưng cơ quan quản lý nhà nước không có chuyên môn sâu, chỉ kiểm tra bằng mắt thường. “Muốn kiểm tra an toàn đập một cách tỉ mỉ, chu đáo, thì phải thuê đơn vị tư vấn độc lập, lập kế hoạch, kiểm tra thực tế rồi mới đo độ chuẩn của các thông số kỹ thuật xem đã đúng theo tư vấn thiết kế hay chưa. Cơ quan quản lý nhà nước không đi sâu được việc ấy mà chỉ kiểm tra được cơ sở pháp lý xây dựng thủy điện này có đảm bảo không, có đúng Nghị định, Thông tư không, tiêu chuẩn kỹ thuật, các hạng mục đã làm gì, thiếu gì... phương án kỹ thuật anh đã tính đúng hay chưa...”. Do vậy, việc kiểm tra này chủ yếu trên hồ sơ giấy tờ, còn thực sự chất lượng đập ra sao không thể kết luận được. Việc vỡ đập thủy điện Đăk mek 3 tại Kon Tum ngày 22/11 vừa qua - sau khi Sở Công thương đã kiểm tra và không phát hiện gì bất thường đã cho thấy điều đó.

Đập thủy điện Sông Chảy 5 (Hà Giang) vừa tích nước đã gây sạt lở 7 ha đất do được xây trên nền cát.

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng: Quan điểm của tôi là nên dẹp thủy điện nhỏ

- Theo quan điểm của ông, nếu xét những đóng góp và tác hại của thủy điện nhỏ thì có nên khuyến khích phát triển loại hình này không?

- Ông Trần Viết Ngãi: Về vấn đề này, chủ trương của Chính phủ là hạn chế và chủ trương của Bộ Công thương cũng là hạn chế. Trong số trên 400 thủy điện nhỏ trên dưới 1 MW, đã cắt trên 200 dự án rồi. Sắp tới còn cắt nữa. Theo lộ trình của tổng sơ đồ điện 7, tới 2017 cả thủy điện lớn và nhỏ sẽ chấm dứt. Do đó, theo tôi dự án nào đang làm dang dở thì cho làm tiếp, còn làm mới những dự án hiệu quả thấp thì thôi vì tất cả các thủy điện nhỏ trong tổng sơ đồ điện quốc gia chiếm chỉ 3, 4% công suất thôi, không đáng gì mà tác hại phá rừng rất là lớn. Dù một nhà máy thủy điện nhỏ hay lớn thì đều phải làm đường, chặt cây, chặt cối, làm đập, làm nhà máy, đủ thứ hết... như vậy diện tích phá rừng ngày càng nhiều, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Quan điểm của tôi là nên hạn chế, những cái nào thực sự hiệu quả, thu hồi vốn, sinh lợi tốt, công suất 10 MW trở lên mới nên cho triển khai. Dưới đó thì nên chấm dứt đi.

- Mặc dù chủ trương là vậy nhưng qua trao đổi với chúng tôi, một số địa phương vẫn cho rằng phát triển thủy điện nhỏ là tận dụng được tài nguyên và tăng nguồn thu cho địa phương. Và trên thực tế có địa phương vẫn tiếp tục mời gọi đầu tư các dự án 2, 3 MW.

- Ông Trần Viết Ngãi: Tiếp tục mời đầu tư các dự án nhỏ 2, 3 MW là hoàn toàn sai lầm. Hiện không thiếu điện mà đang thừa điện. Trong vài ba năm tới vẫn thừa điện vì kinh tế suy thoái, công nghiệp không phát triển, trong khi 90% điện là phục vụ lĩnh vực này, điện phục vụ nhu cầu dân sinh chỉ vài phần trăm. Thừa điện thì mua thủy điện nhỏ làm gì? Trước đây là phong trào, các tỉnh tưởng là ngon ăn nên cho làm ào ạt. Cứ nghĩ rằng làm dự án công nghiệp thì có hiệu quả cho địa phương. Họ cứ tính cua trong lỗ. Công suất dự kiến là vậy, còn phải xem sản lượng được bao nhiêu, có bán được cho EVN hay không chứ. EVN có đến 14.000 – 15.000 MW thủy điện, bản thân họ còn thừa, cần gì phải mua của những thủy điện lặt vặt.

- Ông cho rằng vào thời điểm này có còn những dự án thủy điện đáng cho phép đầu tư không?

- Ông Trần Viết Ngãi: Từ lâu, EVN đã giao cho Công ty Tư vấn điện I lập quy hoạch thủy điện trên các dòng sông lớn như sông Đà, sông Đồng Nai, sông Bung, sông Trà Khúc, sông Sê San... và những dự án lớn, thuận lợi EVN đã làm hết rồi. Đó là các nhà máy thủy điện lớn như Yaly, Sông Bung, Sê San 3, Sê San 4, Sông Đà, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Bản Chát, A Vương... Nói chung công suất từ 30 MW trở lên thì EVN đều đã làm. Tiếp đó là những thủy điện nhỏ dưới bậc thang thì những chủ đầu tư nhanh nhạy cũng đã làm. Giờ hầu như chỉ còn những dự án khó. Nhiều chủ đầu tư méo mặt, chết dở vì thủy điện. Bây giờ ông nào đầu tư ông ấy chết. Những người biết không ai dám đầu tư nữa.

- Nghĩa là hiện đã là cái kết của thủy điện nhỏ?

- Ông Trần Viết Ngãi: Đúng vậy. Sau thời điểm này là cái kết của thủy điện nhỏ. Địa phương có kêu gọi mấy cũng không ai dám làm. Chẳng cần biện pháp hành chính nào hạn chế nữa mà đó là biện pháp cuộc sống. Nhiều người phải trả giá bằng lợi ích để có được bài học này.

- Với tâm lý “tích tiểu thành đại”, nhiều người vẫn cho rằng có thêm thủy điện nhỏ cũng tốt vì hiện chúng ta vẫn phải mua điện Trung Quốc. Nếu không khuyến khích những nguồn này thì tương lai giải quyết bài toán thiếu điện phải dựa vào đâu?

- Ông Trần Viết Ngãi: Tương lai là dựa vào nhiệt điện than, khí. Khi trong nước hết thì phải dùng than, khí nhập khẩu. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều dùng khí hóa lỏng cả. Hiện chúng ta đã có trên 10.000 MW điện khí rồi. Phải có những chuẩn bị quy hoạch ngay bây giờ cho tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

GS Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam: Thế giới đang thay đổi quan điểm về thủy điện

“Việc chọn phát triển nguồn năng lượng từ nước là bước đi tất yếu của các nước đang phát triển. Vấn đề ở chỗ, tại sao Việt Nam lại cho phát triển ồ ạt thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên, nơi mà rừng là nguồn sống còn của người dân địa phương và các con sông đều ngắn, dốc? Việc phá hủy 20.000 ha rừng, trong đó phần lớn do xây dựng thủy điện, có hợp lý không? Nguồn năng lượng điện từ nước trước đây được thế giới ca ngợi và khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên ngày nay, trong điều kiện biến đổi khí hậu thì việc làm thủy điện một cách ồ ạt gây hậu quả xấu nhiều hơn. Chỉ 10 năm sau chúng ta sẽ nhìn thấy cái hậu quả đó. Thế giới đang thay đổi quan điểm về nguồn năng lượng này”.

TS Đào Trọng Tứ - nguyên Phó Tổng thư kí Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam: Thủy điện không mang lại lợi ích nhiều như người ta ảo tưởng!

Thủy điện nhỏ vẫn cần thiết cho những vùng sâu, vùng xa, nơi mà điện lưới quốc gia không đến được. Tuy nhiên, việc phát triển cần phải thận trọng. Ai là người được hưởng lợi nhiều nhất từ thủy điện? Chính là chủ đầu tư, họ được vay tiền ngân hàng ưu đãi, chi phí mua tài nguyên rất rẻ, việc hoàn trả rừng chỉ là bánh vẽ không tưởng. Muốn phát triển thủy điện thì phải hi sinh, nhưng ai là người hi sinh, chính là người dân. Điều đó quá đau xót! Thủy điện không mang lại lợi ích nhiều như người ta ảo tưởng. Đã đến lúc Việt Nam nên nghĩ tới điện hạt nhân, đánh giá lại hiệu quả sử dụng năng lượng.

H. Ly (thực hiện)

Nhóm PVKTXH
.
.
.