Phát hiện mới về dấu tích văn hóa người tiền sử

Thứ Năm, 10/03/2011, 08:53
Cuộc khai quật được triển khai tại thôn Trà Veo 2, Trà Veo 3, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà. Bước đầu, các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều hiện vật có niên đại hàng nghìn năm dưới lòng đất ở độ sâu từ 0,5 đến 1,2m trong dải thềm đất dọc hai bên bờ sông Tang.

Trong đó, phổ biến là các công cụ ghè đẽo của cư dân đá cũ cách đây khoảng 1 vạn năm; công cụ sản xuất, vũ khí thô sơ và gốm của cư dân hậu kỳ đá mới cách đây khoảng 4.000 năm. Đặc biệt, trong hố khai quật còn tìm thấy đồ gốm mang phong cách Bình Châu tiền Sa Huỳnh và các cụm mộ nồi có đồ tùy táng điển hình của văn hóa Sa Huỳnh.

Các nhà khảo cổ học đang tiến hành khai quật.

Theo Tiến sỹ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi - Trưởng nhóm khai quật thì lớp gốm trong tầng văn hóa di chỉ cư trú tương đối dày, phát triển liên tục cho thấy cư dân thời tiền sử sinh sống trên bậc thềm hai bên bờ sông Tang rất ổn định và lâu dài. Ngoài đồ gốm thì công cụ bằng đá của cư dân hậu kỳ đá mới trong vùng thung lũng sông Tang rất giống với công cụ đá của cư dân hậu kỳ đá mới Tây Nguyên.

Như vậy, đã có dòng chảy văn hóa ở giai đoạn hậu kỳ đá mới Tây Nguyên đi qua dải Trường Sơn tiến dần về đồng bằng duyên hải miền Trung để hình thành nên thời đại kim khí phát triển rực rỡ tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh.

Toàn bộ cuộc khai quật này cung cấp cơ sở nhận thức được quá trình phát triển văn hóa Sa Huỳnh ở vùng đồng bằng duyên hải miền Trung cũng như con đường văn hóa thời tiền sử diễn ra như thế nào, dần dần hé lộ nó, làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử thời tiền sử

T.Ánh - T.Nghĩa
.
.
.