Nước vẫn tuôn xối xả giữa lòng đập Thủy điện Sông Tranh 2

Chủ Nhật, 25/03/2012, 11:08
Sau nhiều nỗ lực xử lý, khối lượng nước tràn ra bề mặt thân đập ngăn nước của thủy điện Sông Tranh 2 đã giảm đáng kể. Tuy nhiên trong lòng hầm nằm giữa thân đập, nước vẫn tuôn xối xả thành vòi từ đủ hướng. Một số đoạn trên mái hầm, nước ào ạt như mưa…
>>Vì sao thủy điện sông Tranh 2 vừa sử dụng đã "có vấn đề"?

Đến ngày 24/3, lượng nước rò tràn ra bề mặt thân đập phía hạ lưu đã giảm khá rõ. Tuy nhiên, ở đầu đập phía Nam, vẫn còn 4-5 điểm nước rỉ mạnh hoặc phun thành vòi. Một nhóm công  nhân 4 người vẫn miệt mài khoan sâu vào các vết nứt để bơm hóa chất kết dính chống thấm. Theo quan sát, lượng nước tràn ra mặt đập giảm là do được gom vào một ống nhựa thu nước chạy dọc theo thân đập chứ không phải do lượng nước thấm qua đập giảm tương ứng.

Theo một số thông tin được tiết lộ, con đường hầm nằm giữa lòng đập xì nước tứ phía và đang có nhiều nhóm công nhân tham gia khắc phục. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án thủy điện 3- đơn vị quản lý thủy điện Sông Tranh 2 không muốn báo chí tiếp cận. Trước đó - chiều 23/3, một số nhà báo đã đề nghị được vào trong đường hầm này để ghi nhận thực tế nhưng ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 từ chối với lý do các phóng viên “chưa tập huấn về an toàn”. Một vài phóng viên cố gắng tìm cách xâm nhập vào hầm nhưng đành phải trở ra vì đường hầm tối om do đơn vị quản lý cắt điện. Thậm chí trong thời gian này, ban điều hành nhà máy còn cử bảo vệ túc trực, không cho báo chí tiếp cận.

Trưa 24/3, chờ nhóm công nhân sửa chữa lần lượt rời khỏi đường hầm, chúng tôi bắt chuyện với một công nhân tên T. Anh cho biết công việc thường ngày là vận hành trạm bê tông, nhưng những ngày gần đây được yêu cầu tham gia khắc phục sự cố nước rò trong thân đập. Theo lời anh T., có tất cả 12 công nhân được chia làm 3 tổ làm việc theo ca, mỗi ca 6 giờ. Các công nhân dùng khoan và đục để khoét sâu các vết nứt, sau đó bơm hóa chất vào. Cũng theo lời T., lượng nước rò rỉ vào giữa thân đập là “đáng kể” so với vài ngày trước.

Phóng viên Báo CAND tại điểm nước chảy từ trần đường hầm trong thân đập.

Men theo miệng hang ẩm thấp mà các công nhân vừa lên, chúng tôi bước vào hành lang nhỏ dẫn đến đường hầm xuyên suốt giữa lòng đập với sự đồng hành của hai thanh niên địa phương. Hầm có hình dạng gần như chữ V, cao khoảng 2m, bề ngang chừng 0,8m và mở rộng khi tiến sâu vào thân đập. Hai bên hầm có một số đèn tuýp nhưng một số đã hỏng, không soi rõ lối đi.

Từ đầu hầm phía Bắc vào khoảng 10m, bắt đầu thấy xuất hiện các mạnh nước nhỏ phun thành vòi từ tường đập phía thượng lưu. Một bên ngách hầm, cả đống bê tông vừa được phá bỏ để ngổn ngang, chắn cả lối đi. Vào thêm 10m nữa, không khí ngột ngạt khó thở, tiếng nước chảy càng mạnh. Nhiều vị trí trên mái hầm có thể thấy rõ nước thẩm thấu mạnh qua các khe bê tông. Một số khe nứt dường như vừa được gia cố, vết xi măng còn mới, thậm chí được che lại bằng vỏ bình nước lọc.

Tiến thêm hơn chục bậc cấp, nước trên trần hầm tuôn xối xả như mưa, ăm ắp hành lang gom nước trong hầm dù bên ngoài thân đập ở đoạn này nước rỉ rả không nhiều so với đoạn đập phía Nam.

Một vết nứt được “che đậy” bằng vỏ bình nước lọc.

Dự tính “đội mưa” đi xuyên hầm của phóng viên  không thể thực hiện đến cùng bởi trong hầm bất ngờ mất điện. Những gì xảy ra trong đường hầm cho thấy, lo lắng về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 là không thừa. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban quản lý dự án thủy điện 3 luôn nói theo hướng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của chuyện trên.

Ngày 23/3, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thông báo kết luận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng khẳng định hiện tượng thấm xuất hiện ở vị trí khe co ở hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 như hiện nay là không được phép. Tuy Hội đồng khẳng định hiện tại đập vẫn đảm bảo an toàn nhưng người dân vẫn bất an.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Lê Phước Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết việc đánh giá độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 mang tính kỹ thuật và chuyên môn sâu, cần có sự tham gia của các chuyên gia với đầy đủ máy móc, kỹ thuật, khó nhận xét đúng theo cảm quan. Vì thế, UBND tỉnh đã có công văn trình Chính phủ và các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, đánh giá đúng vấn đề, đồng thời sớm triển khai các giải pháp kỹ thuật cần thiết để khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn, tránh gây hoang mang cho người dân. Trong mọi trường hợp, phải đặt sự an toàn của người dân lên trên hết.

Mấy ngày qua, hôm nào cũng có hàng chục người dân đến quan sát việc sửa đập. Anh Phan Bá Ngọc- một hộ dân ở thị trấn Bắc Trà My chua chát: “Nước mình đã xây dựng hàng chục thủy điện, có cái nào gặp sự cố như vậy đâu. Khi thấy trên quê mình có một công trình hiện đại, bà con ai cũng mừng. Nhưng chưa được một năm thì thủy điện gặp động đất, rồi nay lại rò nước. Ông Đinh Văn Út- dân tộc Ca Dong ở thôn 4 Trà Tân bày tỏ: “Sống ở bên dưới đập nước này, chúng tôi khác nào cá nằm trên thớt”.

Thân Lai
.
.
.