Nguyên nhân xe máy, ô tô bốc cháy do xăng có tạp chất

Thứ Bảy, 11/02/2012, 16:02
Ngày 10/2, tại hội thảo do Sở Khoa học - Công nghệ TP Hà Nội tổ chức, nhiều nhà khoa học cho rằng nguyên nhân của những vụ xe máy, ôtô tự bốc cháy gần đây là do sự bất thường trong xăng, sau khi công bố kết quả thử nghiệm xăng pha 15% methanol khiến động cơ tăng nhiệt thêm 10%, hoạt động không ổn định và liên tục chết máy…
>>Nổ ôtô, xe máy: Nghi vấn chất lượng xăng

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội đã thực hiện thí nghiệm bằng cách rút hết xăng có sẵn trong xe, đổ 1 lít xăng pha 15% methanol vào bình xăng. Khi động cơ vận hành được 50 phút thì có dấu hiệu không ổn định, liên tục chết máy, đến 60 phút thì chết máy hoàn toàn, nhiệt độ đo tại thân động cơ tăng 10%.

PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng bộ môn động cơ đốt trong (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: “Nếu xăng được pha thêm các chất phụ gia như methanol, acetone, etanol… với tỉ lệ lớn sẽ dẫn đến sự ăn mòn, lão hóa nhanh các chi tiết, làm rò rỉ nhiên liệu. Nhưng bản thân xăng hay methanol đều không tự cháy mà cần có mồi lửa. Nếu xe không được bảo dưỡng tốt, lại chạy xăng có chỉ số ốctan thấp hơn qui định sẽ làm cho hệ thống xả khí thải nóng đỏ, nhiệt độ tăng cao. Khi đó, chỉ cần chập điện có thể phát sinh tia lửa điện khiến xe tự bốc cháy”.

Trong khi đó, TS Vũ Thuận Bồi (Viện Không quân – Hội Hóa học Hà Nội) cũng cho rằng, nguyên nhân cháy xe nhiều khả năng là do xăng: “Methanol được cho vào xăng sẽ gây phản ứng mạnh, có thể tạo thành hỗn hợp tự kích nổ. 12 hãng ôtô lớn trên thế giới đã khuyến cáo không nên dùng xăng pha methanol. Tuy nhiên, methanol rất rẻ, giá chỉ bằng ½ giá xăng nên mang lại lợi nhuận cao cho cơ sở kinh doanh. Hơn nữa, khi trong xăng có methanol, nếu có pha thêm nước vào xăng cũng khó bị phát hiện. Giá thành của acetone rất đắt nhưng chỉ cần cho lượng nhỏ cũng có thể làm gia tăng chỉ số ốctan rất lớn. Acetone sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với methanol khi có trong xăng vì đặc tính hóa học gây ăn mòn động cơ rất cao”. 

Chủ nhân của những xe bị cháy cũng đặt ra nghi ngại về chất lượng xăng. Như chị Trịnh Thanh Hằng – giáo viên của Trường tiểu học Thành Công A, chủ nhân của chiếc xe Cygnus bị cháy tiết lộ: “Khi bị cháy, xe của tôi đang để ngoài sân và đã không sử dụng hơn 30 giờ. Trước đó gần 1 tuần, đang đi trên đường thì hết xăng nên tôi phải mua xăng bán lẻ bên lề đường. Tuy nhiên, đổ đầy xăng nhưng xe không nổ máy được, tôi phải ra cửa hàng sửa xe để kích hoạt nổ máy. Sau đó, tôi có mua thêm xăng ở cây xăng trên đường Đê La Thành”...

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn – Trưởng phòng Hướng dẫn phòng cháy (Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội), những vụ cháy nổ xe đặc biệt gia tăng mạnh trong năm 2011. Chỉ tính riêng từ 1/1/2011 tới 10/1/2012, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 72 vụ, trong đó có 22 vụ cháy xe máy, 50 vụ cháy ôtô. Hiện tại mới làm rõ nguyên nhân của 25 vụ, trong đó có tới 15 vụ cháy là do sự cố điện.

Ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ cho rằng, cái khó của Việt Nam là không kiểm soát được các điểm bán lẻ xăng dầu. Các đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt hàng của mình khi sản phẩm đó kém chất lượng. Muốn thế pháp chế phải nghiêm, phải mạnh tay, cơ sở nào vi phạm có thể bị tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn

K.Vy
.
.
.