Lo lắng về mì ăn liền chứa phẩm màu Tartrazine

Thứ Tư, 06/07/2011, 09:53
E102 là chất màu tổng hợp có màu vàng chanh, không chỉ được sử dụng phổ biến ở mì ăn liền mà còn có trong đồ uống, rượu, nước giải khát, snack v.v… Hiện dư luận đang e ngại trước thông tin mì ăn liền chứa E102 (hay phẩm màu Tartrazine) có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với nam giới vì ở Việt Nam, mì ăn liền là sản phẩm được tiêu thụ mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam, năm 2010 đã tiêu thụ khoảng 5 tỷ gói mì ăn liền, đứng vị trí thứ 4 trên thế giới trong tiêu thụ mì ăn liền. Trong khi đó, từ trước tháng 3/2011, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền đều sử dụng phẩm màu tổng hợp E102 để có được màu sắc hấp dẫn và tiết kiệm chi phí sản xuất so với việc sử dụng màu chiết xuất từ tự nhiên. Vì thế, dư luận quan tâm trước thông tin này là hoàn toàn cần thiết, để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

GS.TS Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm - Bộ Công thương cho biết, nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy ở lứa tuổi từ 3-9, nếu sử dụng liên tục sản phẩm thực phẩm có chứa E102 một thời gian dài, sẽ bị ảnh hưởng. Mà rõ nhất là tăng sự hiếu động, dễ cáu gắt, kém tập trung của trẻ và ảnh hưởng đến sinh lý của nam giới. Hiện nhiều nước vẫn sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm, chỉ có một số nước có khuyến cáo cần phải ghi rõ trên bao bì nhãn mác để người tiêu dùng có sự lựa chọn. Riêng Nhật Bản là nước cấm không được sử dụng E102 trong chế biến mì.

ThS. Đỗ Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn và Kiểm nghiệm Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế lại cho rằng: Phẩm màu E102 đã được Ủy ban chuyên gia hỗn hợp FAO/WHO về phụ gia thực phẩm và Ủy ban Khoa học châu Âu về thực phẩm nghiên cứu, đánh giá và đều thống nhất mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được ADI là 0 - 7,5mg/kg thể trọng/ngày. Hiện nay, đa số các quốc gia vẫn cho phép sử dụng Tartrazine trong thực phẩm (trong đó có các nước EU, Canada, Mỹ, Australia, Singapore, Malaysia...). Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế của mỗi quốc gia, mà phạm vi cho phép có khác nhau.

Ông Lê Hoàng, P.Trưởng Phòng Đăng ký và chứng nhận sản phẩm, Cục ATVSTP - Bộ Y tế cũng cho biết thêm: Theo quy định của Bộ Y tế, doanh nghiệp được phép sử dụng các chất phụ gia nói chung và chất tạo màu E102 nói riêng trong thực phẩm.

TS. Nguyễn Am Hiểu, Vụ phó Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - Bộ Tư pháp, nêu quan điểm: Khi mà chưa đưa E102 vào chất độc hại, thì dù có lo ngại thế nào, người tiêu dùng cũng không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lợi. Vì thế, cách tốt nhất hiện nay là người tiêu dùng phải đòi hỏi cơ quan chức năng và nhà sản xuất cung cấp đầy đủ thông tin về chất E102 để người tiêu dùng được quyền lựa chọn cho mình

Thanh Hằng
.
.
.