“Bí mật” về vệ tinh VINASAT-1

Thứ Sáu, 18/04/2008, 16:49
Nếu không có gì thay đổi, vào lúc 5h30 sáng 19/4 (giờ Việt Nam) tại sân bay vũ trụ Kourou (French Guyana-Nam Mỹ), vệ tinh viễn thông VINASAT-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo. Sau khi tới quỹ đạo chuyển đổi, VINASAT- 1 sẽ được tách khỏi tên lửa Arian-5 và bằng tên lửa điều chỉnh sẽ được đặt vào vũ trụ quỹ đạo 1320 E ở độ cao 35.768km so với trái đất.

Sự kiện này không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên quỹ đạo không gian mà còn góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, dịch vụ Viễn thông - Công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình của Việt Nam.

Để có VINASAT- 1 là thành quả  hơn 10 năm triển khai dự án của VNPT dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ...

Tường trình từ Trạm điều khiển Quế Dương

Một tuần trước khi VINASAT-1 được phóng lên quỹ đạo, tôi có mặt tại Trạm điều khiển vệ tinh Quế Dương, nơi sẽ vận hành và khai thác VINASAT-1.

Nằm ở góc trong cùng của Trung tâm Thông tin vệ tinh Quế Dương (huyện Hoài Đức,  Hà Tây), Trạm điều khiển vệ tinh VINASAT là một ngôi nhà 2 tầng vừa mới hoàn thành đầu năm 2008. Giữa một “rừng” ăngten “chảo” đủ các kích cỡ, cao thấp, quay đủ các hướng là một chiếc “chảo” mới tinh sơn màu trắng cao lừng lững đang dựng thẳng đứng.

Anh Nguyễn Quang Hùng, Phó giám đốc Trung tâm VINASAT cho biết, đây là chiếc ăngten có đường kính 13,5m, được dành riêng cho việc điều khiển VINASAT-1, còn những cái khác đã được sử dụng cả chục năm nay, dùng để thu phát tín hiệu vệ tinh của các nước khác.

Thiết bị ở Trung tâm điều khiển VINASAT-1 gồm 2 bộ phận: nhóm thiết bị ăngten (bao gồm các thiết bị để thực hiện đưa các lệnh điều khiển và thu thập các tín hiệu từ vệ tinh) và hệ thống thiết bị điều khiển.

Nhóm thiết bị ăngten có nhiệm vụ thu tín hiệu liên quan đến dữ liệu về tình trạng hoạt động, từ hướng đi cho đến các thông số cảm biến bên trong do vệ tinh gửi về. Sau khi dữ liệu được đưa vào phân tích, xử lý, những lệnh điều khiển cần thiết cũng đi qua ăngten này để phát lên vệ tinh.

Vận chuyển vệ tinh đến bãi phóng.

Điều khác biệt của chiếc “chảo” điều khiển vệ tinh VINASAT-1 là ngay dưới chân, sát với thân “chảo”, còn có một cái thùng chứa trang thiết bị được sấy bằng điều hòa nhiệt độ liên tục 24/24 giờ.

Đưa tôi lên tầng hai của Trung tâm điều khiển, anh Hùng cho biết, toàn bộ các dữ liệu từ vệ tinh khi được thu về sẽ được xử lý tại đây. Không giống với sự tưởng tượng của tôi là trung tâm điều khiển vệ tinh thì phải nhiều  máy móc lắm. Nhưng trong căn phòng rộng chỉ có khoảng chục chiếc máy tính gồm máy chủ, hệ thống máy trạm, thiết bị bảo mật và phần mềm chuyên dụng; việc xử lý những thông tin mà chiếc vệ tinh gửi về do hệ thống máy tính đảm nhiệm.

Những tín hiệu từ vệ tinh sẽ được các nhân viên của Trung tâm theo dõi và xử lý liên tục 24/24 giờ. Trong trường hợp hoạt động ổn định, thì việc điều chỉnh vệ tinh trở về vị trí chính xác được tiến hành định kỳ 1 lần/ tuần.

Theo anh Hùng, các lệnh điều khiển được đưa ra từ trạm Quế Dương được mã hóa bằng thiết bị chuyên dụng trước khi phát lên vệ tinh. Khóa mật mã là loại khóa cứng được cài sẵn trong VINASAT-1 khi sản xuất và không thể thay đổi trong suốt thời gian “sống” của vệ tinh. Sau khi vệ tinh hoạt động ổn định, nhà thầu sẽ cung cấp mã khóa này lại cho Trung tâm VINASAT để nắm toàn bộ quyền điều khiển...

Nghe nói thì đơn giản như vậy, nhưng thực tế để làm chủ được trạm điều khiển, từ gần 1 năm qua, các kỹ sư của trạm đã phải miệt mài học, nghiên cứu cả trong và ngoài nước.

Trong câu chuyện với tôi, anh Hùng kể rằng để chuẩn bị cho việc thành lập trung tâm điều khiển, tháng 10/2006, Công ty VTI đã lập một tổ công tác gồm 7 kỹ sư là những người đã từng làm công tác khai thác dịch vụ vệ tinh để đi học cách “lái” vệ tinh.

Tới tháng 9/2007, VNPT chính thức thành lập Trung tâm VINASAT gồm các bộ phận kỹ thuật điều khiển và kinh doanh. Do việc điều khiển vệ tinh là công việc quá mới nên các kỹ sư ở bộ phận trực tiếp điều khiển đều được đưa đi đào tạo ở nước ngoài tại Công ty Lockheed (Mỹ) và đào tạo về thực tế tại Luxembourg. Khóa đào tạo tại Luxembourg là đi thực tế xem họ điều khiển vệ tinh thế nào (bởi đây cũng chính là nhà thầu phụ của Lockheed lắp đặt Trạm Quế Dương nên hệ thống máy móc của họ cũng tương tự của ta).

Tuy nhiên, cũng chỉ là học hỏi kinh nghiệm, thăm quan. Sau các khóa đào tạo ở nước ngoài về, các kỹ sư lại phải tham gia các lớp đào tạo ngay tại Trạm điều khiển Quế Dương với các thiết bị giả lập... vì vậy cho tới lúc này, các kỹ sư ở đây đã khá tự tin cho ngày được chính thức “lái” VINASAT-1.   

Hiện, toàn bộ Trung tâm VINASAT có 60 cán bộ, nhân viên; ngoài 25 người ở bộ phận văn phòng, kinh doanh, tại Trạm Quế Dương có 21 kỹ sư; trạm dự phòng ở Bình Dương có 10 người. Theo kế hoạch, đến cuối 2008, Trung tâm sẽ có 100 cán bộ, nhân viên.

Do tính chất đặc thù của việc điều khiển vệ tinh đòi hỏi sự chính xác rất cao, nên trong 6 tháng đầu tiên khai thác, việc vận hành VINASAT-1 sẽ vẫn được hỗ trợ từ phía nhà thầu Lockheed Martin.

Sau 1 tháng đo và kiểm tra hoạt động trên quỹ đạo, Hãng Lockheed Martin sẽ bàn giao VINASAT-1 cho Công ty VTI để đưa vào khai thác thương mại. Hiện VTI đã có phương án khai thác kinh doanh với khách hàng là các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng vệ tinh. VNPT sẽ ưu tiên sử dụng cho hệ thống quản lý, điều hành, các kênh truyền hình trung ương, địa phương và nhu cầu của một số doanh nghiệp cần thuê kênh như Viettel, dầu khí v.v...

Ngoài ra, sẽ có thêm lượng khách hàng mới nhưng có nhu cầu đặc thù cần sử dụng vệ tinh như: hệ thống đào tạo từ xa của Bộ Giáo dục và Đào Tạo, truyền hình vệ tinh...

Hơn 10 năm cho một dự án

Tuy nhiên, có lẽ vẫn còn ít người biết rằng để có được VINASAT-1 là kết quả suốt hơn 10 năm triển khai dự án của VNPT dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.      

Ý tưởng phóng vệ tinh viễn thông của riêng Việt Nam xuất phát từ việc các doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam đã và đang phải trả một khoản ngoại tệ lớn (10-15 triệu USD/ năm) thuê vệ tinh của Nga, Australia, Thái Lan... để sử dụng cho các yêu cầu cung cấp dịch vụ và thông tin chuyên ngành. Nếu có riêng vệ tinh, Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoản ngoại tệ lớn, bởi giá thuê thương mại một kênh vệ tinh thường cao hơn giá thành từ 1,8 đến 3 lần tùy thuộc vào cung cầu và băng tần sử dụng.

Không những thế, có vệ tinh riêng, Việt Nam sẽ tự chủ thuận lợi để nâng cao năng lực mạng lưới và chất lượng các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin và truyền thông, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Vì vậy năm 1998, Chính phủ đã thông qua Báo cáo tiền khả thi Dự án phóng vệ tinh Việt Nam - VINASAT- của Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) và VNPT. Năm 1999, Chính phủ lập Ban chỉ đạo quốc gia Dự án VINASAT. 

Năm 2002, Chính phủ đã thông qua các nội dung cơ bản của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án VINASAT và năm 2005 đã ban hành Quyết định 1104/QĐ - TTg về đầu tư dự án, giao cho VNPT làm chủ đầu tư và thực hiện.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện thì gặp khó khăn hơn dự kiến rất nhiều. Tháng 4-2003, khi VNPT chính thức phát hành hồ sơ chào thầu, đã có 9 đối tác là các hãng sản xuất vệ tinh, tập đoàn thương mại và công nghiệp hàng đầu thế giới tham gia. Đây là số lượng nhà thầu lớn hiếm có tham gia vào một vụ chào thầu mua vệ tinh.

Theo yêu cầu nêu trong hồ sơ, các nhà thầu sẽ đưa ra đề xuất để giải quyết đồng bộ và trọn gói các hạng mục chính là chế tạo vệ tinh, cung cấp thiết bị hai trạm điều khiển, cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh và giải quyết việc giành được vị trí quỹ đạo 1320E. So với các dự án vệ tinh thông thường thì VINASAT có thêm một yêu cầu đặc thù là giải quyết giành vị trí quỹ đạo.

Cũng phải mở ngoặc một chút để bạn đọc hiểu việc giành vị trí quỹ đạo là việc làm cực kỳ khó khăn. Quỹ đạo vệ tinh là một tài nguyên có hạn. Trên quỹ đạo địa tĩnh trong cùng một băng tần chỉ có thể hoạt động không quá 145 vệ tinh, mà không gây can nhiễu lẫn nhau.

Chính vì vậy, nên từ khi vệ tinh viễn thông đầu tiên được đưa vào hoạt động năm 1963, các nước đua nhau đăng ký vị trí quỹ đạo địa tĩnh. Nhưng Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chỉ chấp nhận đăng ký quỹ đạo theo nguyên tắc ai đến trước được đăng ký trước, người đến sau không được gây can nhiễu cho người đến trước và phải được sự chấp thuận của người đến trước khi được đăng ký.

Vì vậy năm 1996, khi Việt Nam đăng ký quỹ đạo, quỹ đạo địa tĩnh đã khá chật. Để có được quỹ đạo, Việt Nam phải phối hợp với từ 10 đến 20 nước cho mỗi vị trí quỹ đạo xin đăng ký. Do mỗi nước có khoảng từ 5 đến 40 hệ thống và hồ sơ của mỗi hệ thống dày từ 150 đến 400 trang nên đây là cả một khối lượng công việc rất lớn...  

Mặc dù vậy, cho tới thời điểm đóng thầu, chỉ có 1 nhà thầu bỏ cuộc vì lý do tài chính. Nhưng kết quả đánh giá đề xuất của các nhà thầu cho thấy không nhà thầu nào khẳng định là sẽ giải quyết triệt để yêu cầu về vị trí quỹ đạo cho Việt Nam như yêu cầu. Chỉ có đề xuất của hai nhà thầu là Liên danh EADS Astrium - Alcatel (Pháp) và Liên danh NPOPM (Nga) - Alcatel (Pháp) được đánh giá là có thể đáp ứng cơ bản yêu cầu của VNPT về việc giải quyết vị trí quỹ đạo.

Trước yêu cầu về tiến độ, bảo toàn hiệu lực của vị trí quỹ đạo 1320E, VNPT đề xuất Chính phủ cho phép mời nhà thầu EADS Astrium - Alcatel (Pháp) vào đàm phán. Tuy nhiên, khi đàm phán, nhà thầu này đã từ chối cam kết trách nhiệm giải quyết vị trí quỹ đạo. Trước tình thế này, VNPT xin Chính phủ cho mời Liên danh NPOPM - Alcatel vào đàm phán. Tuy nhiên vẫn không đạt kết quả.

Sau lần chào thầu không thành công mà khúc mắc lớn nhất vẫn là giải quyết vị trí quỹ đạo, VNPT quyết định sẽ tự đàm phán vị trí quỹ đạo. Suốt hai năm sau đó, quá trình đàm phán phối hợp quỹ đạo với đối tác các nước là hành trình đầy khó khăn bởi không có luật nào buộc các nước phải có tinh thần hợp tác; ITU cũng không có một công cụ nào giúp một nước sớm bắt đầu quá trình phối hợp.

Qua nhiều cuộc đàm phán với từng nước và phải áp dụng nhiều giải pháp khác nhau như kỹ thuật, ngoại giao, pháp lý, ngày 30/11/2005, việc phối hợp cho vị trí quỹ đạo 1320E đã được hoàn thành và chủ quyền quỹ đạo của Việt Nam đã được công nhận.

Trước đó một tháng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Dự án phóng vệ tinh viễn thông của Việt Nam.

Tháng 1/2006, một lần nữa VNPT phát hành hồ sơ mời thầu của gói thầu “cung cấp vệ tinh, dịch vụ phóng, thiết bị trạm điều khiển vệ tinh”. Lần này VNPT chỉ mời 4 nhà thầu tiềm năng nhất. Từ kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, VNPT quyết định lựa chọn 2 nhà thầu xếp hạng cao nhất vào đàm phán đồng thời. Kết quả nhà thầu Lockheed Martin được lựa chọn.

Ngày 12/5/2006, hợp đồng chế tạo VINASAT-1 được ký kết. Theo hợp đồng, vệ tinh phải được chế tạo, phóng và bàn giao trên quỹ đạo trước ngày 22/5/2008, là ngày hết hiệu lực đối với vị trí quỹ đạo 1320E. Lockheed Martin đã cam kết hoàn thành việc bàn giao trước thời hạn 1 tháng...    

Nhưng như thế mới chỉ là một nửa thành công. Bởi giai đoạn đưa vệ tinh vào đúng vị trí quỹ đạo địa tĩnh của nó là một trong những công việc phức tạp và có nhiều rủi ro. Trong khi đó trị giá của vệ tinh này là 200 triệu USD. Vì vậy, để bảo hiểm cho việc phóng vệ tinh, VNPT và Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm VINASAT-1 với mức bảo hiểm 177 triệu USD.

Đây là hai công ty bảo hiểm gốc. Phạm vi bảo hiểm là bảo hiểm những tổn thất hoặc hư hại xảy ra cho vệ tinh trong quá trình phóng và thời gian vệ tinh ở trên quỹ đạo 1 năm dẫn tới việc vệ tinh bị mất hoặc bị giảm sút thời gian “sống” hoặc năng lực cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, thông qua Tập đoàn Bảo hiểm MARSH (Mỹ), với vai trò của nhà môi giới đã cùng các công ty bảo hiểm gốc dàn xếp, ký kết các hợp đồng tái bảo hiểm cho Dự án với 15 công ty quốc tế lớn trên thế giới và 7 công ty trong nước.

Cho tới lúc này, thời điểm phóng VINASAT-1 lên quỹ đạo chỉ còn tính bằng ngày. Sự kiện này là bước tiến quan trọng về công nghệ thông tin, mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của Việt Nam.

VINASAT-1 là vệ tinh được sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất, cao 4m, nặng 2,6 tấn, có dung lượng 20 bộ phát đáp trên băng tần C và Ku; có tuổi thọ đạt 15-20 năm. Để "nuôi sống" vệ tinh, trước khi phóng, VINASAT- 1 được nạp 15 tấn nhiên liệu.

Với vùng phủ sóng từ Phillipines sang Ấn Độ và từ Nhật Bản xuống Australia với cường độ phát sóng mạnh, VINASAT-1 sẽ cung cấp hai loại dịch vụ cơ bản là cho thuê băng tần vệ tinh và các dịch vụ trọn gói như kênh thuê riêng; phát hình lưu động, truyền hình DTH; truyền dữ liệu ngân hàng, Internet, truyền hình hội nghị; kênh thuê riêng cho di động, điện thoại vùng sâu, vùng xa của Việt Nam; đủ khả năng cung cấp các dịch vụ phát hình, Internet, viễn thông... cho khu vực Đông Nam Á.

Với vốn đầu tư 200 triệu USD, dự tính khả năng thu hồi vốn là 9-10 năm.

Nguyễn Thiêm
.
.
.