Y học cổ truyền Phương Đông: Từ hàng nghìn năm đến Nobel 2015

Chủ Nhật, 08/11/2015, 09:16
Một trong các chủ nhân của giải Nobel Y sinh năm nay được vinh danh về những thành tựu trong cuộc chiến chống lại các loại bệnh do ký sinh trùng gây ra. Đó là nhà khoa học nữ Trung Quốc Tu Youyou với liệu pháp chữa trị sốt rét từ thảo dược cổ truyền. 

Những loại bệnh này khá hiếm gặp ở các nước phát triển Âu Mỹ, nhưng lại rất phổ biến ở các quốc gia nhiệt đới và nó đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người mỗi năm, phần đông là trẻ em và người nghèo. 

Nobel Y sinh học năm nay đã tìm ra phương thức để tạo nên cuộc cách mạng trong việc điều trị một số bệnh nguy hại nhất gây ra từ ký sinh trùng. Và kết quả nghiên cứu của Giáo sư Tu Youyou là hình mẫu hoàn hảo kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại, kỳ vọng đường hướng đó sẽ còn nhiều tiềm năng cần khai thác.

Nhiều bí ẩn chưa kiểm chứng

Y học cổ truyền Phương Đông từ mấy nghìn năm trước luôn quan tâm đến sự tương tác giữa tâm trí, cơ thể con người và môi trường, và nhằm mục đích ngăn ngừa và chữa trị bệnh tật. Vào thời điểm đó, y học chưa phát triển, các nguyên tắc của Đông y được hình thành dựa nhiều vào triết lý hơn là về khoa học. Lý luận Đông y dựa trên nền tảng triết học Trung Hoa cổ về Âm dương - Ngũ hành. Âm dương - Ngũ hành cân bằng thì cơ thể khỏe mạnh, và việc chữa bệnh nhằm lập lại trạng thái cân bằng của hai yếu tố nói trên.

Ngày nay, Đông y vẫn được coi trọng trong các biện pháp chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc và cả một số nước phương Đông như Việt Nam. Ở Trung Quốc, hầu hết các bệnh viện cung cấp cả hai loại thuốc Tây y và Đông y, nhưng có tới hơn một nửa dân số nước này vẫn sử dụng Trung y như là một cứu cánh cho việc chữa trị. Trung y cũng phát triển nhanh như là một hình thức thuốc thay thế ở phương Tây.

Những bài thuốc từ thảo mộc được lấy từ rễ, vỏ, hoa, hạt, trái cây, lá là một trong những thành phần quan trọng nhất của Y học cổ truyền Trung Quốc. Có tới hơn 3.000 loại thảo mộc khác nhau, nhưng chỉ có khoảng 300-500 loại thường được sử dụng. Liệu pháp thảo dược có những chức năng chính: Điều trị bệnh, loại trừ vi khuẩn hay vi rút cấp tính; chữa lành các bệnh mãn tính như rối loạn tiêu hóa, hô hấp, dị ứng, giảm hệ thống miễn dịch bằng cách tăng cường sức khỏe cơ thể; duy trì cân bằng cơ thể, phòng tránh bệnh tật. So với Tây y, thảo dược nhẹ nhàng và an toàn hơn do có nguồn gốc từ tự nhiên, ngày càng có nhiều người dựa vào thuốc thảo mộc Trung Quốc như một sự thay thế sau khi thuốc hóa học đã thất bại.

Trước khi sử dụng, thảo dược được xử lý, lọc các tạp chất nhằm làm giảm tác dụng phụ có thể có. Việc này có thể làm giảm bớt những hương vị, mùi của các loại thảo mộc và việc chế biến này có thể làm tăng cường dược tính của thảo mộc. Các thầy thuốc  thường không quy định loại thảo dược duy nhất cho bệnh nhân, mà thường kết hợp nhiều loại thảo dược. Có ba lý do chính cho việc này: Tăng cường: sự kết hợp hai loại thảo dược giống nhau giúp tăng dược tính; Hỗ trợ: sử dụng thêm thảo dược khác để giúp cho thảo dược khác hiệu quả hơn; Kiềm chế: dùng thảo dược khác để giảm hoặc loại bỏ tác dụng phụ.

Có nhiều phương pháp được áp dụng trong Đông y điển hình như châm  cứu. Kim được châm vào những điểm quan trọng trên hệ thống kinh mạch, qua đó kích thích cơ thể cân bằng và điều chỉnh dòng chảy năng lượng. Bắt mạch được sử dụng như một phương pháp chẩn đoán, thầy thuốc bắt mạch ở ba vị trí dưới cổ tay để cảm nhận những xung nhịp. 

Những xung nhịp này được cho là thể hiện tình trạng sức khỏe của các cơ quan nội tạng. Tiếp đó là sự kết hợp của các loại thảo mộc và thảo dược. Các thầy thuốc cho rằng thảo dược được dùng để điều chỉnh lại dòng chảy năng lượng trong cơ thể. Những loại thảo dược được mô tả bởi các đặc tính như làm mát, tính nóng, sinh lực, thư giãn v.v…

Giáo sư Tu Youyou thời trẻ trong phòng nghiên cứu.

Quan niệm về âm dương được coi là chủ đạo trong Trung y, theo đó bệnh tật sinh ra bởi sự mất cân bằng âm dương. Âm là nữ tính bao gồm tĩnh lặng, bóng tối, lạnh, ẩm ướt và chiều sâu. Dương là nam tính đại diện cho ánh sáng, nhiệt, hoạt động, khô và chiều cao… Những liệu pháp massage trị liệu, khí công,… cũng được khuyên dùng để tăng cường khả năng miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật và mang lại sức khỏe tốt hơn. 

Tuy nhiên, mọi phương pháp điều trị y tế cho dù cổ xưa hay hiện đại đều có một mức độ rủi ro nhất định, thường được gọi là tác dụng phụ. Trong việc thực hành Đông y, tác dụng phụ nhất định của phương pháp điều trị này từ lâu đã được biết đến và được chấp nhận. Như liệu pháp châm cứu có thể đau đớn hoặc chảy máu; một số loại thảo mộc gây buồn nôn, dị ứng… Một số dược thảo được sử dụng có độc tính cao và việc sử dụng liều lượng lớn các thảo mộc có độc tính thấp gây ra các phản ứng độc hại như chóng mặt, khát nước, tiêu chảy v.v…

Đối phó với những tác dụng phụ có hại của các loại thỏa mộc luôn là một mối quan tâm của Đông y và những nghiên cứu hiện đại đã giúp phát triển những thành tựu của các thầy thuốc trong quá khứ. Các nỗ lực chính nhằm tìm cách chống lại các tác dụng phụ của liệu pháp y học phương Tây với các loại thảo mộc  được xây dựng trong những năm 1970 trong một nghiên cứu sử dụng các loại thuốc tây để điều trị ung thư.

Vấn đề được đặt ra là sự hạn chế của các bài thuốc cổ truyền, vì thời đó các thành phần hóa học của bài thuốc không được phân tích và nghiên cứu nên việc hiểu và định lượng khá khó khăn. Với sự giúp sức của y học hiện đại, chúng ta có thể biết thành phần nào trong bài thuốc đóng vai trò chính và sử dụng liều lượng sao cho phù hợp.

Con đường tới thành công

Giáo sư Tu Youyou, 84 tuổi đã trở thành người Trung Quốc đầu tiên chiến thắng giải Nobel Y học vì phát hiện artemisinin, loại thuốc là một phần trong phác đồ điều trị bệnh sốt rét hiện nay. Bà cùng chia sẻ giải thưởng này với hai nhà khoa học phát triển loại thuốc chống nhiễm trùng từ giun đũa ký sinh. Loại thuốc  Artemisinin do Giáo sư Tu Youyou nghiên cứu có tác dụng mạnh với căn bệnh sốt rét gây ra bởi một loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum lây nhiễm qua đường máu do muỗi Anopheles.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính trong năm 2014 có tới 198 triệu ca sốt rét trên toàn cầu, trong đó có khoảng 584.000 ca tử vong. Vì vậy việc làm ra Artemisinin được đánh giá rất cao bởi Hội đồng Giải thưởng Nobel. Bên cạnh đó, công trình của Giáo sư Tu Youyou được dựa trên một liệu pháp y học cổ truyền của Trung y, được xem là có nhiều khác biệt so với Tây y.

Vào những năm 60, Chính phủ Trung Quốc thành lập một dự án quân sự mang bí số 523 để tìm kiếm một giải pháp nhằm giảm các ca tử vong vì bệnh sốt rét. Hàng trăm nhà khoa học đã thử nghiệm hàng nghìn hợp chất để nghiên cứu phản ứng của chúng với bệnh sốt rét nhưng không thành công và sự chú ý đã chuyển hướng sang các loại thuốc truyền thống của Trung Quốc.

Khi bắt đầu các nghiên cứu cho dự án 523, Giáo sư Tu Youyou khi đó mới 39 tuổi được cử đến đảo Hải Nam để nghiên cứu các ảnh hưởng của bệnh sốt rét với con người.  Đó cũng là một chặng đường khó khăn để tìm kiếm loại thuốc thực sự hiệu quả. Có tới hơn 2.000 bài thuốc thảo dược Đông y, và có tới hơn 300 bài thuốc được thử nghiệm trên chuột có hiệu quả.

Tới tận cuối những năm 60, những thành quả nghiên cứu đầu tiên dựa trên một tài liệu cổ xưa về cây Ngải tây ngọt (Tiếng Anh: Artemisia annua và tiếng Trung: qinghao) mới được tiết lộ. Nhưng tới năm 1972 Giáo sư Tu Youyou mới tìm ra cách chiết xuất thành công để chế thành thuốc thành phẩm. Sau khi thử nghiệm trên động vật thành công, bà tình nguyện là đối tượng thử nghiệm đầu tiên. Ngay sau đó, các thử nghiệm lâm sàng bắt đầu được thực hiện rộng rãi trên người.

Cây Ngải tây hoa vàng.

Cây Artemisia annua hay còn gọi là ngải tây ngọt là một loại cây phổ biến có nguồn gốc châu Á mọc ở nhiều quốc gia. Cây có lá giống cây dương xỉ, có hoa vàng rực và mùi hương gần giống mùi long não. Trong khi hầu hết các loại thảo mộc Trung y được đun sôi ở nhiệt độ cao và có thể làm hỏng các thành phần hoạt chất trong cây Artemisia annua thì một tài liệu cổ nói rằng loại thảo dược này sẽ tốt nếu để chìm ngập trong nước lạnh. Giáo sư Tu Youyou đã sử dụng một phương pháp chiết ether dựa trên nhiệt độ thấp, để có thể tạo ra một loại thuốc với đủ thành phần hoạt động có hiệu quả. Trong cấu trúc về mặt hóa học, Artemisinin có một cầu peroxide bất thường, đó được coi là nguồn gốc gây ra phản ứng với trùng P. Falciparum (gây ra bệnh sốt rét).

Theo một số nghiên cứu lâm sàng, Artemisinin còn có khả năng điều trị ung thư. Artemisinin hoặc các dẫn xuất của nó làm giảm khả năng tăng trưởng của các tế bào ung thư, cũng chính do cấu trúc hóa học của Artemisinin khiến nó trở thành yếu tố tác động tới các vùng tập trung các nguyên tử sắt (phổ biến trong tế bào ung thư). Tác động này khiến các phân tử chứa sắt trở nên kém bền vững và bị phá hủy. Dù chỉ mới là kết quả bước đầu, nhưng con người hoàn toàn có khả năng hy vọng vào một triển vọng mới trong việc điều trị chứng bệnh nan y này.

Việc phát hiện ra Artemisinin tới nay vẫn là một niềm tự hào đối với Trung Quốc, giúp nâng cao giá trị của các bài thuốc cổ truyền. Artemisinin thu được từ cây ngải hoa vàng hiện nay vẫn giúp ích cho hàng chục triệu người mỗi năm.

Hoàng Ngọc
.
.
.