Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội áp dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo:

Đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về

Thứ Ba, 24/03/2015, 09:18
Với việc áp dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo, Khoa Hồi sức tích cực (HSTC), Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, đã thực hiện được khoảng 40 trường hợp, đặc biệt, trong 2 tháng qua, các thầy thuốc của Khoa đã cứu sống 4 trường hợp bệnh nhân suy hô hấp nặng, mà hy vọng sống vô cùng mong manh, đưa họ trở về với cuộc sống bình thường.

Đây là tiến bộ rất đáng ghi nhận của ngành y tế Việt Nam, khi ở nước ngoài, mỗi trường hợp này phải chi phí từ hơn 10 đến 21 tỷ đồng, thì ở Bệnh viện Bạch Mai, chi phí chỉ hết chưa đầy 1 tỷ đồng, đã mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Tối 10/2, bệnh nhân Đỗ Thị Lượng, 57 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì suy hô hấp rất nặng, suy giảm miễn dịch do dùng ức chế thuốc miễn dịch kéo dài, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương gan, tim, thận, lại bị rối loạn đông máu. Bệnh nhân bị suy hô hấp nguy kịch, đe dọa tử vong. Các chất khí trong máu rất thấp do biến chứng suy đa tạng, chỉ số oxy máu của bệnh nhân là 45 với oxy hỗ trợ tối đa, có lúc chỉ còn 35, trong khi chỉ số dưới 50 đã có thể tử vong, bệnh nhân lại bị biến chứng đái tháo đường khiến việc cấp cứu hết sức khó khăn.

PGS.TS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa HSTC cho biết: Đây là một trong số ít ca bị nặng mà ông gặp phải. Các bác sĩ của Khoa HSTC đã tập trung cấp cứu bằng nhiều biện pháp hồi sức nhưng đều không có kết quả. Vì thế, ngày nào các thầy thuốc của Khoa cũng phải hội chẩn để theo dõi từng diễn biến nhỏ nhất của bệnh nhân.

Sau nhiều lần hội chẩn, các thầy thuốc quyết định áp dụng phương pháp sử dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO). Đây là  một kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và hiệu quả cao, mà nhiều nơi trên thế giới còn “lừng khừng” trong sử dụng vì chi phí rất cao, nhưng với những sáng kiến riêng, các thầy thuốc Khoa HSTC vẫn mạnh dạn áp dụng với chi phí thấp nhất cho nhiều bệnh.

Khó khăn nhất của kỹ thuật lúc này là bệnh nhân đã bị suy các tạng và sốc rất nặng: phổi, tim, rối loạn đông máu ở bệnh nhân phải bất động (do rất nhiều máy cùng hoạt động như máy thở, máy lọc máu, máy tim phổi nhân tạo, các máy theo dõi, rất nhiều bơm tiêm điện, máy truyền dịch); thời gian áp dụng thường dài (trên 14 ngày); nhiều nguy cơ như tụt hoặc tắc các ống thông mạch máu, nguy cơ nhiễm trùng,… Trong khi đó, bệnh tật của bệnh nhân diễn biến liên tục, đặt lên vai các thầy thuốc không ít áp lực và đương nhiên, đòi hỏi trình độ, tay nghề, cũng như cái tâm của người thầy thuốc để cứu chữa bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, thăm hỏi bệnh nhân Đỗ Thị Lượng.

Suốt 10 ngày thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường bệnh nhân, bệnh nhân được theo dõi 24/24h, thế nhưng, không ít lần các thầy thuốc tưởng phải buông xuôi vì bệnh tình diễn biến quá phức tạp. Trong quá trình điều trị, đã 8 lần phải hội chẩn toàn bệnh viện cùng với các cuộc hội chẩn hằng ngày của Khoa, để tìm phương án tối ưu, cũng như tập trung tối đa các biện pháp cứu chữa cho bệnh nhân với quyết tâm lớn nhất.

“Suốt hơn một tháng qua, chúng tôi luôn như những người “làm xiếc trên dây”, đầy căng thẳng, mệt mỏi, khi luôn phải đối phó với các tình huống, hy vọng cứu sống bệnh nhân rất mong manh, một chút sơ sểnh là hỏng...”, PGS.TS. Nguyễn Gia Bình chia sẻ.

Suốt dịp Tết, ông và các lãnh đạo trong Khoa không có ngày nghỉ, để trực tiếp chỉ đạo, thảo luận các phương pháp tốt nhất chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Họ luôn phải có mặt trong Khoa, vì những bệnh nhân nặng như trường hợp bà Đỗ Thị Lượng đòi hỏi ông phải thường xuyên có mặt. Sau hơn 10 ngày hôn mê, bệnh nhân đã được ngừng kỹ thuật tim phổi nhân tạo, ông vui mừng như chính người nhà mình được cứu sống. 

Cũng thời gian này, cũng với kỹ thuật tim phổi nhân tạo, các thầy thuốc của Khoa HSTC đã cứu sống 3 bệnh nhân rất nặng khác, trong đó có một phụ nữ đang mang thai bị suy cả tim, gan, phổi; có người đã 2 lần ngừng tim… Tái sinh lại mỗi cuộc đời, đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của các thầy thuốc trong Khoa HSTC.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Nguyễn Gia Bình bày tỏ: Để cứu sống mỗi bệnh nhân nặng, không riêng cá nhân hay đơn vị nào làm được, mà là nỗ lực của tập thể. Lãnh đạo Bệnh viện đã tổ chức được các nhóm làm việc tinh nhuệ, tích cực, với tinh thần đoàn kết, thống nhất và gắn bó giữa các khoa, phòng. Các nhân viên của Khoa HSTC cũng phải đủ trình độ, có kỹ năng tinh thông, tận tụy, mới đảm bảo được công việc đầy áp lực trước các bệnh nhân nặng, để quyết tâm cứu chữa họ.

Đại tá Nguyễn Quang Trong, Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), chồng bệnh nhân Đỗ Thị Lượng xúc động nói: “Vợ tôi nhập viện trong tình trạng bị hôn mê sâu, sốt cao (hai phổi chụp phim bị trắng hoàn toàn), bị nhiễm khuẩn nặng. Gia đình tôi vô cùng lo lắng, nhưng chứng kiến tinh thần làm việc nhiệt tình, không quản ngày đêm phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng... trong Khoa HSTC, gia đình tôi đã yên tâm hơn. Điều khiến tôi rất cảm động là đội ngũ giáo sư, bác sĩ của BV khi đã trực tiếp khám, điều trị và hội chẩn, để ứng dụng khoa học công nghệ điều trị tích cực cho vợ tôi theo phác đồ tiên tiến của thế giới... Không thể nói hết niềm vui, nỗi xúc động và lòng biết ơn của gia đình tôi khi các thầy thuốc ở BV Bạch Mai đã đưa vợ tôi đã từ cõi chết trở về, đem lại niềm vui, hạnh phúc vô bờ cho gia đình”.

Với kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường điều trị cho bệnh nhân suy hô hấp nặng không đáp ứng với thở máy và sốc tim nặng, Khoa HSTC đã hai lần đạt giải nhất Hội thao kĩ thuật sáng tạo ngành Y tế TP Hà Nội với kĩ thuật. Bộ phim tài liệu về kỹ thuật này của Khoa cũng vừa được trao giải Cánh diều bạc tại Giải Cánh diều 3/2015. 

Thanh Hằng
.
.
.