Doanh nghiệp CNTT đừng ‘ăn xổi ở thì’

Thứ Sáu, 26/06/2015, 09:27
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các doanh nghiệp CNTT cũng cần thay đổi tư duy, tránh tư tưởng cung cấp một lần là xong, “ăn xổi ở thì”. Các doanh nghiệp đừng ngồi chờ mà hãy tiếp cận cơ quan nhà nước để chào hàng…

Ngày 25/6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn cấp cao về CNTT - ICT Summit 2015 với chủ đề “CNTT và quản trị thông minh” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu tham quan các ứng dụng CNTT vào giao thông thông minh của Tập đoàn FPT.

Tới dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cùng 500 đại biểu là lãnh đạo cao cấp về CNTT trong nước và quốc tế.

Với chủ đề “CNTT và quản trị thông minh”, ICT Summit 2015 tập trung vào 4 chuyên đề chính gồm: Nâng cao năng lực ngành y tế; Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công; Phát triển giao thông thông minh, xây dựng đô thị đáng sống và Phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: CNTT là công cụ kỳ diệu của nhân loại mà chúng ta không thể không ứng dụng. Việt Nam có thể tự hào vì CNTT trong những năm qua đã phát triển 16%, và luôn nằm trong tốp những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất. Thậm chí, Việt Nam còn đứng đầu thế giới trong lĩnh vực thuê ngoài, sản phẩm của một số doanh nghiệp startup được cả cộng đồng thế giới thừa nhận.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn rất nhiều điều thôi thúc chúng ta phải làm tốt hơn nữa.

“Đơn cử như kết quả công bố chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2014, trong đó thứ hạng chỉ số chính phủ điện tử của Việt Nam tụt 19 bậc xuống vị trí 99. Một con số được công bố khiến Chính phủ quan tâm và không hoàn toàn hài lòng. Lý do tụt 19 bậc phần nhiều không phải do ứng dụng CNTT kém đi, mà do 2 nhóm chỉ số: Cách thay đổi thống kê của Liên hợp quốc về nguồn nhân lực của đất nước và chỉ số về hạ tầng. Bên cạnh đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến đáng lẽ tăng lên thì lại giảm. Điều này khiến Chính phủ, các Bộ ngành và người dân không thể hài lòng. Theo số liệu cuối năm 2013, Việt Nam có trên 11.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó dịch vụ công trực tuyến cấp 1-2 chiếm phần lớn, dịch vụ cấp độ 3 là 2.366 và cấp 4 là 111 dịch vụ. Ứng dụng CNTT trong hành chính vẫn còn rất chậm”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để có thể tạo ra đột phá trong ứng dụng CNTT, đặc biệt là CNTT trong quản trị thông minh, Chính phủ cần đưa ra một lộ trình mang tính bắt buộc, minh bạch và cụ thể để khuyến khích, thậm chí tạo sức ép cho các Bộ ngành nhiệt tình ứng dụng CNTT hơn nữa theo hướng lĩnh vực nào liên quan nhiều đến người dân nhất thì phải tập trung làm trước.

Về phía các doanh nghiệp CNTT, Phó Thủ tướng cũng cho rằng các doanh nghiệp CNTT cũng cần thay đổi tư duy, tránh tư tưởng cung cấp một lần là xong, ăn xổi ở thì. Các doanh nghiệp cần chủ động, đừng ngồi chờ mà hãy tiếp cận các cơ quan nhà nước để chào hàng, giới thiệu giải pháp.

“Quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, của không chỉ cơ quan nhà nước mà ngay cả chính cộng đồng CNTT. Nếu như trước đây, CQNN luôn phải lập dự án thì ngày nay, họ chỉ cần nêu đề bài để doanh nghiệp tự tính toán đáp ứng. Về phần mình, các doanh nghiệp CNTT cần chủ động hơn. Hãy đi trước vào những dịch vụ được Nhà nước quy định khuyến khích"- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Huyền Thanh
.
.
.