Vụ mất nguồn phóng xạ: Tìm kiếm trước, kiểm điểm sau

Thứ Sáu, 08/01/2016, 08:24
Tại buổi họp báo do Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức sáng 7/1, PGS.TS Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn phóng xạ và hạt nhân cho biết, Cục sẽ triển khai lắp đặt thiết bị giám sát đối với khoảng 600 nguồn phóng xạ lớn để tránh nguy cơ mất cắp, thất lạc.


Theo PGS.TS Tấn, hiện trên cả nước có khoảng 4.000 nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, sẽ chỉ có khoảng 600 nguồn được lắp thiết bị giám sát. Đây đều là những nguồn lớn, gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người và môi trường nếu bị thất lạc. Cục sẽ triển khai lắp đặt đồng loạt cho 600 nguồn phóng xạ. Bên cạnh đó, Cục sẽ xây dựng phần mềm quản lí, khi có bất kì sự cố liên quan đến nguồn phóng xạ sẽ thông báo ngay đến chủ cơ sở.

 Thứ trưởng Phạm Công Tạc trả lời những thắc mắc của báo chí.

Liên quan đến sự cố mất nguồn phóng xạ Cs-137 tại Bắc Kạn thời gian qua, ông Tấn khẳng định, đến thời điểm này vẫn chưa tìm thấy nguồn phóng xạ bị mất.

"Chúng tôi đã huy động thiết bị do Hoa Kì cung cấp để hỗ trợ việc tìm kiếm nhưng chưa có kết quả. Trước mắt, mọi ưu tiên sẽ được tập trung cho công tác tìm kiếm, sau đó mới xử lí trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan" – ông Tấn nói.

Thiết bị chứa nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất tại Bắc Kạn.

Liên quan đến việc quản lí các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, ông Tấn nói thêm, Thông tư 22 ban hành năm 2014 đã yêu cầu các cơ sở chỉ được lưu giữ nguồn phóng xạ trong 3 năm, sau đó phải chuyển về kho tập trung.

Bộ Khoa học – Công nghệ đã làm việc với Bộ Quốc phòng, thống nhất việc lưu giữ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại Bộ Tư lệnh hoá học. "Chúng tôi không muốn đưa những nguồn phóng xạ về các thành phố lớn. Bộ Tư lệnh hoá học có nhiều kho lưu giữ, nằm trong các doanh trại quân đội, được kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Khánh Vy
.
.
.