Vợ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm “đoàn tụ” sau gần 260 năm

Thứ Năm, 28/07/2011, 12:12
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường phụ trách cuộc khai quật cho biết đã tiến hành cho dập bia mộ và phát hiện ra 8 chữ cuối cùng ở hàng thứ ba bị mờ mà trước đây chưa ai đọc được. Anh Nguyễn Quang Hà - cán bộ TT Bảo tồn di tích thành cổ Cổ Loa đã dịch được là… Hạo Hiên tiên sinh chi mộ chí. Như vậy tấm bia được dựng trên ngôi mộ gạch xây năm 1931 đã khẳng định người nằm dưới mộ chính là cụ Nguyễn Kiều, hiệu là Hạo Hiên, chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Tôi đến khu khai quật mộ cụ Nguyễn Kiều (chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm) lúc 15h ngày 27/7. Cái nắng hầm hập trên con đường tắt dẫn vào khu mộ được che chắn tạm thời bằng tấm vải ni lông xanh đỏ.

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường phụ trách cuộc khai quật cho tôi biết sáng nay đã tiến hành cho dập bia mộ và phát hiện ra 8 chữ cuối cùng ở hàng thứ ba bị mờ mà trước đây chưa ai đọc được. Anh Nguyễn Quang Hà - cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích thành cổ Cổ Loa đã dịch được là… Hạo Hiên tiên sinh chi mộ chí. Như vậy tấm bia được dựng trên ngôi mộ gạch xây năm 1931 đã khẳng định người nằm dưới mộ chính là cụ Nguyễn Kiều, hiệu là Hạo Hiên.

Sau khi đào hết lớp nấm mộ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở độ sâu khoảng 20-25cm một tiểu gỗ đã mủn hết nhưng còn in dấu rất rõ, vuông thành sắc cạnh, phân biệt hẳn với màu vàng đỏ của lớp đất sét. Chỗ dài nhất của tiểu gỗ là 80cm, chỗ rộng nhất là 25cm.

Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường bên khu mộ cụ Nguyễn Kiều.

TS Cường nói với tôi: "Hôm qua chỉ mới phát hiện ra một vệt xương, còn hôm nay đã thấy rất rõ vết ngành hàm bên phải xương hàm dưới và dấu vết của đỉnh hộp sọ. Đặc biệt còn thấy được những vẩy nhỏ màu vàng pha đỏ mà nhiều khả năng là phần sơn son ở mặt ngoài tiểu gỗ".

Các nhà khảo cổ đã làm lộ dần bề sâu của tiểu. Nhưng xuất hiện một khó khăn: Nếu dỡ xương ra là sẽ mủn hết, còn cắt gọn cả đoạn có dấu vết xương, hàm, sọ và đất xung quanh thì lại không thể cho vừa tiểu sành (loại to nhất). Cuối cùng, biện pháp được cả dòng họ, các nhà khảo cổ học và Ban QLDA xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây thống nhất là làm ngay một tiểu bằng gỗ, lót giấy tráng kim rồi đặt cả khối xương và đất vào.

Phần tiểu gỗ này được bọc vải đỏ và đưa vào trong một quách gỗ vàng tâm. Mọi công việc sẽ phải hoàn thành trong ngày hôm nay: 28/7 để 7h sáng 29 sẽ rước cụ về làm lễ, và an táng tại khu mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Như vậy, 2 cụ lại được "sum họp" bên nhau (tại tổ 43, cụm 7, thôn Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) sau 259 năm xa cách

C.L.N.
.
.
.