Việt Nam sắp bước sang thời kì internet trên di động

Chủ Nhật, 02/12/2012, 21:22
Sự kiện 15 năm internet Việt Nam đã được đánh dấu bằng lễ kỉ niệm diễn ra ngày 1/12. 15 năm cho một chặng đường, cơ sở hạ tầng internet Việt Nam từ con số 0 nay đã sánh ngang với các nước trên thế giới với đầy đủ các công nghệ hiện đại như kết nối internet bằng cáp quang hay kết nối không dây 3G. Giá cước sử dụng internet tại Việt Nam bây giờ cũng thấp hơn 100 lần so với 15 năm trước (năm 1997, giá cước internet là 400 đồng/phút).

Tương lai của internet trong 5-10 năm tới sẽ là internet trên di động với sự bùng nổ của hàng loạt smartphone, thiết bị thông minh...đòi hỏi phải có cơ chế quản lí linh hoạt, đảm bảo giữ vững tốc độ phát triển đồng thời hạn chế những mặt tiêu cực của internet.

Năm 1997,  khi Việt Nam chính thức kết nối internet toàn cầu, VNPT là đơn vị  duy nhất được Nhà nước tin tưởng giao trọng trách xây dựng hệ thống đường trục kết nối internet quốc gia và đi quốc tế. Hạ tầng mạng internet ở Việt Nam được xây dựng bằng những viên gạch đầu tiên với 64kbps kết nối quốc tế cho khoảng 300 người sử dụng với hai hướng kết nối chủ yếu: Mỹ và Australia. Năm 2003, VNPT đã tiên phong triển khai mạng viễn thông Thế hệ mới (NGN) trên mạng đường trục và đến nay, VNPT đã hoàn thành việc chuyển đổi hoàn toàn sang mạng NGN - công nghệ chuyển mạch gói cho phép triển khai các dịch vụ tích hợp; đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của internet và các ứng dụng trên nền băng rộng. Tháng 5/2003, VNPT đã chính thức cung cấp dịch vụ internet băng rộng ADSL trên quy mô toàn quốc.

Năm 2007, sau 10 năm internet có mặt tại Việt Nam, tốc độ truy cập internet Việt Nam tăng tới 7.500 lần, từ kết nối 2 Mbps đi Mỹ và Úc trước đây nay đã mở rộng thành mạng lưới tổng băng thông 10,5 Gbps theo 12 hướng qua 8 vùng quốc gia có lưu lượng trao đổi internet lớn. Năm 2008, VNPT đã hoàn thiện mạng lưới viễn thông quốc gia với việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 – vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam và tháng 5/2012 vừa qua, VINASAT-2 đã được phóng thành công. Hệ thống 2 vệ tinh VINASAT đã góp phần tăng cường năng lực phủ sóng, cung cấp các dịch vụ tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đảm bảo hạ tầng truyền dẫn tín hiệu thoại, internet và truyền dẫn dữ liệu.

Sự ra đời của dịch vụ truy cập internet 3G (2009) cũng đã đánh dấu thời kỳ phát triển của internet băng rộng vô tuyến. Tháng 8/2009, 2 mạng di động là Vinaphone và MobiFone chính thức nhận giấy phép 3G của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chỉ sau 4 tháng, cả 2 nhà mạng này đều đã triển khai dịch vụ 3G tại tất cả các tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 7/2012, số lượng người sử dụng internet 3G đã đạt 16 triệu người. VNPT tiếp tục trở thành doanh nghiệp tiên phong về băng rộng di động khi triển khai thử nghiệm công nghệ 4G (LTE) tại Hà Nội (2010), cho phép tốc độ tải xuống lớn nhất đạp 100 Mbps. Đến nay, tổng số thuê bao băng rộng di động của VNPT (bao gồm cả Vinaphone và MobiFone) đạt gần 10 triệu, hơn 15.000 trạm phát sóng BTS 3G (NodeB), phủ sóng toàn quốc. Đơn vị này đã xây dựng được mạng lưới internet kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh/thành phố với 3,1 triệu thuê bao internet băng rộng (chiếm 75% thị phần) và có đường internet đi quốc tế với tổng lưu lượng gần 155 Gbps.  VNPT đặt mục tiêu lọt top 10 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu châu Á vào năm 2015.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Lê Nam Thắng, tính đến nay, Việt Nam đã có khoảng 31 triệu người sử dụng internet, chiếm tỉ lệ 35,49% dân số, trong đó số lượng thuê bao internet băng rộng đạt trên 4 triệu thuê bao. Việt Nam đứng thứ 18/20 quốc gia có số lượng người sử dụng internet lớn nhất trên thế giới, đứng thứ 8 trong khu vực Châu Á và đứng vị trí thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á.

Ông Hoàng Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc FPT Telecom cho rằng, tương lai của internet trong 5-10 năm tới sẽ là internet trên di động, với sự ra đời của hàng loạt thiết bị thông minh, smartphone cho phép con người sử dụng internet thường xuyên, liên tục như một vật dụng không thể thiếu. Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc công ty Netnam lại cho rằng, thời gian tới sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp viễn thông, internet với các doanh nghiệp cung cấp nội dung để người sử dụng trả tiền nhiều hơn cho các dịch vụ giá trị gia tăng

Khánh Vy
.
.
.