Vai trò quan trọng của việc nano hóa các hoạt chất trong Ba kích

Thứ Năm, 17/06/2021, 09:09
Vấn đề mang tính quyết định trong việc nhóm nghiên cứu của Dược sĩ Phan Kế Sơn và PGS. TS. Hà Phương Thư (Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) “biến” các sản phẩm thô từ cây ba kích thành sản phẩm nano ba kích là việc nano hóa các hoạt chất trong Ba kích.


Theo dược sĩ Phan Kế Sơn, quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã nhận thấy nhược điểm của anthraquinone có trong rễ ba kích khó tan trong nước, mà các phân tử nhỏ iridoid lại dễ bị đào thải khỏi cơ thể. Do đó, cần có một hệ dẫn thuốc thích hợp vừa làm tăng độ tan và hấp thu của các anthraquinone và iridoid chống loãng xương từ ba kích, vừa thích hợp và thuận tiện cho mọi người sử dụng, mà giá thành không quá cao để các thành phần đều có thể tiếp cận.

Từ các kết quả nghiên cứu thực nghiệm của nhóm nghiên cứu cho thấy hệ dẫn thuốc nano là một giải pháp tối ưu đáp ứng yêu cầu này. Với kích thước nano, các hệ dẫn thuốc nano Ba kích có khả năng hòa tan tốt trong dịch sinh học, hấp thu qua các khe nang ở niêm mạc đường tiêu hóa để vào hệ mạch máu, bảo vệ thuốc an toàn khi đi qua gan, đồng thời không bị đào thải quá nhanh khỏi hệ thống tuần hoàn. 

Nhờ đó, hiệu quả điều trị của thuốc tăng đáng kể, trong khi liều sử dụng thấp hơn so với bình thường. Các thử nghiệm in vitro cho thấy, sản phẩm thực phẩm chức năng từ nguyên liệu nano Ba kích đã thể hiện khả năng cảm ứng biệt hóa nguyên bào xương và chống loãng xương ở mức có ý nghĩa thống kê (P<0.05) khi tăng cường hoạt động của ALP, tổng hợp collagen và hoạt tính tạo khoáng canxi. 

Đồng thời, các thử nghiệm in vivo độc tính cấp và độc tính bán trường diễn trên chuột nhắt trắng tại Học viện Quân y cũng đã cho thấy, nguyên liệu nano Ba kích và sản phẩm thực phẩm chức năng không gây độc cũng như không gây ảnh hưởng đến chức năng gan và thận sau 4 tuần sử dụng.

PGS. TS. Hà Phương Thư đã chỉ ra các ưu điểm của hệ dẫn thuốc nano: Đó là tăng sinh khả dụng của thuốc khi mà hầu hết các dược chất có nguồn gốc từ dược liệu đều có độ tan rất thấp, như Curcumin từ nghệ có độ tan chỉ 0,6 μg/ml, hay silymarin từ cây kế sữa: 0,04 mg/ml. Nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ nano, các nhà khoa học đã nghiên cứu chế tạo các hệ dẫn thuốc nano có kích thước rất nhỏ (50 -70 nm) và có khả năng làm tăng độ tan của dược chất lên gấp hàng ngàn lần so với sản phẩm chưa nano hóa.

Chuồng nuôi và cho chuột uống thuốc trong thử nghiệm độc tính của thực phẩm chức năng nano Ba kích tại Học viện Quân y.

Ngoài ra, để tăng sinh khả dụng của thuốc, các nhà khoa học đã chức năng hóa các thuốc vào trong hệ dẫn thuốc kích thước nano giúp tăng hấp thu đồng thời là lá chắn bảo vệ các thuốc không bị nhận diện bởi các enzyme chuyển hóa thuốc tại gan. Sự hấp thụ những hệ dẫn thuốc nano cao gấp từ 15-250 lần so với những hệ dẫn thuốc có kích thước trong khoảng từ 1 đến 10 micro met. 

Lý giải cho điều này, rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và chứng minh tính ưu việt của những hệ dẫn thuốc có kích thước nano. Saltzman và Olmsted đã chỉ ra rằng, những đối tượng có kích thước 38 nm và 55 nm có khả năng khuếch tán một cách dễ dàng qua những lớp niêm mạc thành ruột vì kích thước của những khe trống trên niêm mạc sấp xỉ 100nm. Jani và cộng sự đã đánh giá khả năng khả năng hấp thu qua màng ruột của những hạt nano polystyrene với những kích thước hạt khác nhau (50 – 100 – 200 – 300 – 1000 – 3000nm). 

Kết quả chỉ ra rằng, sự hấp thu xảy ra lớn nhất đối với những hạt có kích thước 50 nm (34%), giảm xuống 26% với những hạt có kích thước 100nm và giảm tới mức rất thấp 0.8% đối với những hạt có kích thước 1000 nm.

PV
.
.
.