Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc và Bộ Y tế khẳng định:

Vaccin Quinvaxem đảm bảo an toàn

Thứ Sáu, 21/06/2013, 09:30
Ngày 20/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế đã họp báo tại Hà Nội để thông báo chính thức về kết quả đánh giá tính an toàn của vaccin Quinvaxem.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, cho biết: Từ cuối năm 2012 đến đầu 2013, Việt Nam đã ghi nhận những bất thường với các trường hợp phản ứng sau khi tiêm vaccin Quinvaxem. Mặc dù các kết quả điều tra cho thấy không có bằng chứng về mối liên quan giữa các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng, với việc tiêm vaccin, nhưng vì thận trọng và đảm bảo an toàn cho các trường hợp tiêm chủng, đầu tháng 5/2013, Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép tạm dừng tiêm vaccin Quinvaxem để có thêm thời gian đánh giá toàn diện về nguyên nhân các phản ứng.

Theo TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Trong thời gian tạm ngừng tiêm vaccin Quinvaxem, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO tiến hành các biện pháp: Làm việc với các chuyên gia hàng đầu WHO để đánh giá tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm; gửi mẫu vaccin các lô có nghi ngờ liên quan phản ứng cho đơn vị kiểm định độc lập là Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia vaccin, sinh phẩm y tế Anh; tham dự, thảo luận về các trường hợp phản ứng sau tiêm ở Việt Nam tại Hội nghị của Ủy ban tư vấn toàn cầu về an toàn tiêm chủng. Các đánh giá đều cho thấy, các phản ứng nặng, tử vong sau tiêm vaccin Quinvaxem đều không liên quan đến tiêm chủng. Có 9 trường hợp coi là có liên quan thì đều phục hồi. 5 trường hợp tử vong sau tiêm vaccin Quinvaxem từ đầu 2013 trở lại đây đều không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vaccin. Đoàn chuyên gia khẳng định không có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến tính an toàn của vaccin và kỹ thuật tiêm chủng.

Sẽ tiếp tục tiêm chủng cho trẻ bằng vaccin Quinvaxem.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho hay: Kết quả cuộc họp của Ủy ban tư vấn toàn cầu về an toàn tiêm chủng tại Geneve ngày 12/6 gồm hơn 30 chuyên gia hàng đầu đã xem xét các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccin Quinvaxem, trong đó có Việt Nam, đều nhận định không có bằng chứng về các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng, tử vong, liên quan đến sử dụng vaccin. Ủy ban kết luận: Vaccin 5 trong 1 của 5 nhà sản xuất khác nhau, đã được WHO tiền thẩm định và khẳng định là an toàn, hiệu quả và chất lượng. Kết quả kiểm định độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia vaccin, sinh phẩm y tế Anh cũng cho thấy, mẫu vaccin Quinvaxem từ các lô vaccin nghi ngờ có liên quan đến phản ứng nặng ở Việt Nam đều cho thấy đạt yêu cầu về chất lượng.

Vì thế, ngày 17/6, WHO có công thư gửi Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao, khẳng định vaccin Quinvaxem đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn và hiệu quả, đồng thời, khuyến cáo vaccin này phù hợp để sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Căn cứ vào các kết quả trên, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng và đề xuất cho phép tiếp tục sử dụng vaccin Quinvaxem.

TS Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam hoan nghênh đề xuất cho tiếp tục sử dụng lại vaccin Quinvaxem của Việt Nam, vì sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh truyền nhiễm do không dùng vaccine và giúp cho các nước khác tin tưởng về việc sử dụng này. Ông cũng khẳng định: Không có một loại vaccin vào an toàn tuyệt đối, khi sử dụng có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, có sự trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác, hoặc do cơ địa của trẻ, vì hiện mỗi ngày có khoảng 60 trẻ em tử vong vì các lý do khác nhau. Vì thế, WHO vẫn khuyến nghị việc đẩy mạnh theo dõi sau tiêm chủng để phát hiện, để có điều tra thích ứng và xử lý kịp thời. Đề nghị Bộ Y tế Việt Nam nâng cao chất lượng của quy trình tiêm chủng để giảm thiểu sai sót trong quá trình tiêm chủng.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại sao Hàn Quốc không cho sử dụng loại vaccin Quinvaxem đã nhiều năm, mà Việt Nam vẫn sử dụng, Tiến sĩ Takeshi Kasai cho biết: Theo thông tin mà ông có, Hàn Quốc có quy trình, lịch tiêm chủng khác các quốc gia khác. Bệnh viêm gan ở Hàn Quốc cũng khác, nên việc sử dụng vaccin cũng không giống các nước. Loại vaccin mà Hàn Quốc đang sử dụng đắt hơn khoảng 10 lần vaccin đang dùng tại Việt Nam

Thanh Hằng
.
.
.