Ưu tiên phát triển thị trường KH&CN bằng nhiều chính sách

Chủ Nhật, 19/07/2020, 10:46
Phát triển thị trường KH&CN là một trong những vấn đề cần tăng cường, đẩy mạnh. Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại một hội nghị Giám đốc các Sở KH&CN gần đây.


Phát triển thị trường KH&CN –giải pháp quan trọng

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, vài năm trước, thị trường KH&CN còn nghèo nàn và đơn điệu, thì nay thông qua sàn giao dịch công nghệ đã phát triển rõ nét. Tuy nhiên, để thị trường KH&CN thực sự phát triển thì ngoài việc hỗ trợ môi trường thể chế, chính sách thì cần có thêm nhiều hỗ trợ và đẩy mạnh tư vấn môi giới thị trường công nghệ, xã hội hóa thị trường công nghệ.

Dự án triển khai tại trạm cấp nước khu A, Kim Bảng (Hà Nam).

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh:Để thực sự phát triển thị trường KH&CN cần quan tâm hơn nữa đến việc làm sao đi vào thực chất, có chuyển động rõ nét. Các ký kết, biên bản ghi nhớ, chuyển giao công nghệ đã làm được khá sôi động ở các kỳ chợ thiết bị công nghệ, thì nay, cần tăng cường công tác hậu ký kết. Ngoài việc hỗ trợ môi trường thể chế, chính sách thì có nhiều việc hỗ trợ cần phải triển khai như: gắn với hỗ trợ từ các chương trình KH&CN cấp tỉnh, quốc gia; chính sách ưu đãi tín dụng; hỗ trợ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn quy chuẩn, nâng cao năng suất chất lượng… Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh tư vấn môi giới thị trường công nghệ, xã hội hóa thị trường công nghệ”.

Trong đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế, đã đề ra các giải pháp thực hiện. Trong đó, phát triển thị trường KH&CN là một giải pháp quan trọng với những nội dung chủ yếu: Đẩy mạnh hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu triển khai, khai thác sáng chế, giải mã công nghệ nhập khẩu, ưu tiên mua bán công nghệ nội địa do các tổ chức KH&CN tạo ra; Thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng và đào tạo nhân lực về năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp; Phát triển nhanh và đồng bộ các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; Đổi mới phương thức tổ chức chợ công nghệ và thiết bị, kết nối cung cầu công nghệ, thương mại điện tử trong KH&CN; Đẩy nhanh thực hiện áp dụng cơ chế thị trường trong cung ứng các dịch vụ công, dịch vụ hạ tầng về KH&C; Thúc đẩy phát triển mối liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm thương mại hóa sản phẩm KH&CN.

Nhiều dự án khoa học đã được thương mại hóa, phục vụ cuộc sống, góp phần phát triển thị trường KH&CN.

Bên cạnh đó là phát triển mạng lưới các tổ chức xúc tiến liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp. Xây dựng mô hình phòng thí nghiệm phối thuộc, nhóm nghiên cứu hỗn hợp viện nghiên cứu - trường đại học - doanh nghiệp; phát triển mạnh hình thức doanh nghiệp đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cho viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện; Liên kết với viện, trường xây dựng và cùng tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp và thí điểm thành lập quỹ đầu tư KH&CN với sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp.

Những khuyến nghị về tài chính

Theo ThS. Nguyễn Thanh Tuấn – một chuyên gia về KH&CN, cần hoàn thiện chính sách tài chính phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam. Nhà nước đã ban hành các cơ chế, chính sách và đưa ra nhiều giải pháp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có giải pháp về phát triển thị trường KH&CN. Phát triển thị trường KHCN là một tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường và là một trong những nội dung trọng tâm của chiến lược phát triển của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, để hỗ trợ thị trường này phát triển thì cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhiều tỷ đồng. Đây là một thách thức lớn, bởi nguồn lựcngân sách đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn hẹp.

ThS. Nguyễn Thanh Tuấn đưa ra các khuyến nghị sử dụng các công cụ tài chính phải hướng vào việc tạo lập và phát triển các yếu tố của thị trường KHCN.Theo đó, đến năm 2020, thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo hệ thống tổ chức dịch vụ KH&CN hỗ trợ, trọng tâm là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Để thực hiện mô hình phát triển bền vững phải dựa vào phát triển KH&CN, do đó cần tạo ra nhiều cơ hội cho KH&CN và thị trường KH&CN phát triển.

Sử dụng các công cụ tài chính phải hướng tới mục tiêu rõ ràng và tăng cường sự phối hợp giữa các công cụ tài chính nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường KHCN.Sử dụng các công cụ tài chính phải đảm bảo, từng bước giảm “bao cấp” NSNN đầu tư cho thị trường KHCN.

Sử dụng các công cụ tài chính phải khuyến khích huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các nguồn ngoài NSNN tham gia vào phát triển thị trường KHCN.Giai đoạn tới cần tăng chi NSNN đầu tư cho thị trường công nghệ thông qua tăng tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ nay đến năm 2020 để đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi NSNN. Xác định lộ trình tăng phù hợp với từng giai đoạn và sau năm 2020, nguồn ngoài NSNN là nguồn chủ yếu đầu tư cho KHCN và thị trường công nghệ nói riêng.

Giai đoạn đầu chú trọng hơn vào nhập khẩu công nghệ để học hỏi, tích lũy kiến thức, quy trình, bí quyết công nghệ và khi có đủ vốn, kiến thức cần thiết thì chuyển hướng trọng tâm vào nghiên cứu cơ bản để tự tạo nguồn công nghệ nội sinh. Việc chi NSNN để nhập khẩu công nghệ cần lưu tâm tới việc chú trọng chất lượng của công nghệ, giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường.

Mở rộng miễn thuế thu nhập DN cho các loại hợp đồng KHCN: (1) Hợp đồng NCKH và phát triển công nghệ; (2) Hợp đồng chuyển giao công nghệ; (3) Hợp đồng dịch vụ KHCN (Hiện nay, việc miễn thuế TNDN chỉ áp dụng đối với loại hợp đồng loại (1), còn loại (2) và loại (3) không có sự ưu đãi nào).

Thành lập được bộ phận chuyên trách thẩm định, đánh giá định kỳ các đề tài, dự án trong lĩnh vực công nghệ để lựa phương án đầu tư. Bộ KHCN phối hợp với các tổ chức tín dụng để thu hút nguồn vốn vào những dự án đầu tư khả thi. Tuy nhiên, việc cho vay phải từ nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất hợp lý.

Chính sách tín dụng của Quỹ Phát triển KHCN cấp bộ/tỉnh/thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc giao quyền chủ động cho các Quỹ này trong hoạt động cho vay theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả, Nhà nước chỉ cần kiểm tra giám sát thông qua hệ thống chỉ tiêu báo cáo định kỳ kết hợp với công tác thanh kiểm tra theo quy định.

Chính sách tín dụng của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cần tiếp tục xem xét bổ sung các quy định thuận lợi hơn về các mặt lãi suất, điều kiện bảo lãnh, mở rộng đối tượng được vay…

Anh Lê
.
.
.