Huyện Ba Chẽ ứng dụng CNTT trong công tác dự báo, phòng chống thiên tai

Thứ Hai, 25/01/2021, 10:51
Năm 2020, nước ta đã đón nhận 14 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 22 đợt không khí lạnh; 13 đợt nắng nóng; 18 đợt mưa lớn trên diện rộng; 17 đợt lũ trên phạm vi cả nước trong năm 2020; đặc biệt trong đó có cơn bão số 9 là 1 trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua, 41 ngày liên tiếp mưa, mưa lớn ở miền Trung gây thiệt hại, mất mát lớn về tính mạng, tài sản, giao thông… Mặc dù đã được dự báo, cảnh báo sớm. thực tế cho thấy đối phó với thảm họa thiên nhiên là một thách thức của con người hiện nay.


Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Viện trưởng Viện ứng dụng CNTT và môi trường, trong những năm vừa qua Việt Nam đã có nhiều giải pháp trong công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai và đã từng bước đạt hiệu quả. Xu thế ứng dụng CNTT đặc biệt là ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo-AI kết hợp với các công cụ thiết bị truyền thống sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự báo được sớm và tốt hơn.

Một trường hợp điển hình như tại Huyên Ba Chẽ - tỉnh Quảng Ninh, trong những năm gần đây, mức độ thiệt hại do lũ, lụt gây ra ngày một tăng do cường độ mưa lũ tăng lên cũng như xuất hiện ngày càng nhiều các công trình của Nhà nước và nhân dân cùng làm có giá trị cao. Tổng thiệt hại ước tính trong giai đoạn 2008 - 2018 vào khoảng 246 tỉ đồng trong đó các năm thiệt hại lớn là 2008, 2013, 2015, 2017 và 2018 đều tương ứng với các trận lũ lớn đã xảy ra. 

Thiệt hại kỷ lục do trận lũ ngày 26/9/2008 gây ra vào khoảng 105 tỉ đồng. Ngoài thiệt hại về vật chất, mưa lũ cũng ảnh hướng đến đời sống tinh thần của người dân. Ví dụ: Chợ Ba Chẽ cứ lũ lên là bị ngập làm ảnh hưởng đến các hoạt động trao đổi buôn bán của nhân dân trong huyện; Trạm y tế xã Nam Sơn cũng thường xuyên bị ngập khi lũ về làm ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh của người dân. Lũ, lụt và sạt lở đất đã làm hỏng một số cầu tràn, đã làm chia cắt các tuyến đường liên tỉnh, huyện, xã gây nhiều khó khăn cho giao thông, giao lưu buôn bán. Ngập lụt cũng ảnh hưởng đến tâm lý tình cảm của người dân trong vùng, đến kế hoạch xây dựng các công trình qui mô hộ gia đình cũng như kế hoạch phát triển kinh tế của họ.

Từ những tình hình thực tế nêu trên, UBND Huyện Ba Chẽ đã thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo lũ trên sông Ba Chẽ” với mục tiêu xây dựng một hệ thống đồng bộ bao gồm các trạm đo mưa, lũ và phần mềm tin học vối mục tiêu lũ dễ vận hành, thời gian tính toán nhanh chóng, không yêu cầu nhiều kiến thức chuyên ngành của người sử dụng cũng như không phải thuê/mua các phần mềm dự báo cảnh báo lũ thương mại với chi phí cao nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác cao, hệ thống cảnh báo, dự báo lũ cho lưu vực sông Ba Chẽ. 

Công ty Cổ phần tích hợp hệ thống thông tin toàn cầu GB được lựa chọn là đơn vị cung cấp giải pháp cho dự án nêu trên. Qua gần 6 tháng nỗ lực triển khai, hệ thống được xây dựng bằng cách kết hợp các mô hình thuỷ văn, thuỷ lực và mô hình trí tuệ nhân tạo. Cách tiếp cận này cho phép kết hợp sử dụng các tính toán phức tạp của các mô hình thuỷ văn thuỷ lực với những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ trí tuệ nhân tạo, phục vụ dự báo lũ, lụt.

Hệ thống cảnh báo lũ sông Ba chẽ

Đồng thời cho phép công nghệ không lệ thuộc vào các phần mềm thuỷ văn, thuỷ lực cảnh báo/dự báo lũ có bản quyền nhằm tiết kiệm tối đa chi phí vận hành hệ thống. Hệ thống có thể dự báo các đợt mưa lũ trước 16 ngày và đưa ra các kịch bản ứng phó với thiên tai dựa trên các mô hình suy diễn trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Các thông tin được hiển thị tại Trung tâm điều hành Huyện hoặc Tỉnh, đồng thời được chuyển tức thời tới người dân qua hệ thống tin nhắn SMS. Đây chính là tính mới đột phá trong giải pháp dự báo và phòng chống lụt bão, ứng phó với các thảm họa thiên nhiên hiện nay.

Được biết, để dự án đưa vào vận hành thực tế thì giai đoạn tiếp theo UBND Huyện Ba chẽ đã có kế hoạch tổ chức, tuyên truyền tập huấn tới các đơn vị có liên quan và người dân trên địa bàn. Từ mô hình ứng dụng công nghệ nêu trên, huy vọng sản phẩm của dự án sẽ giúp phần nâng cao cách đối phó của con người đối với những thảm họa thiên nhiên ngày càng diễn ra khắc nghiệt.

C.Thắng
.
.
.