Tuổi thọ của người Việt sẽ cao hơn

Thứ Hai, 02/05/2011, 13:03
Theo báo cáo của Tổ chúc Y tế thế giới tuổi thọ trung bình ở Việt Nam đang cao hơn mức chung của thế giới (Việt Nam gần 73 tuổi, trong khi thế giới trung bình 67 tuổi). Tuổi thọ khỏe mạnh phấn đấu đạt 65 tuổi so tuổi thọ trung bình 75 tuổi vào năm 2020.

Trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu đặt ra là đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội. Chiến lược này cụ thể hoá quan điểm con người là yếu tố trung tâm của sự phát triển.

Trong 10 năm (2011 - 2020), mục tiêu phấn đấu là: Tỷ lệ lao động có đào tạo 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 55%; số sinh viên đại học - cao đẳng là 400 sinh viên/1vạn dân; có hơn 10 trường dạy nghề và trên 4 trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế. Về chỉ tiêu nâng cao thể lực nhân lực, phấn đấu tuổi thọ trung bình đạt 75 tuổi, chiều cao trung bình của thanh niên là 1,65m, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi nhỏ hơn 5%.

Với những chỉ tiêu trên, rõ ràng chiến lược đang hướng đến cải thiện chất lượng nguồn nhân lực về chiều sâu (sức khỏe, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ sinh viên đại học, trường có đẳng cấp quốc tế…) chứ không chỉ theo chiều rộng (nâng cao tuổi thọ, chiều cao trung bình).

Thực tế, qua mấy chục năm phát triển, Việt Nam đã cải thiện được khá nhiều chỉ tiêu về sức khỏe người dân. Điển hình là Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, sởi, ho gà, bạch hầu; tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã đạt 72,8 tuổi.

Ngành Y tế cũng ngày càng làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, mở rộng và nâng cao công tác khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng. Nhiều tiến bộ về công nghệ y học của được ứng dụng và phát triển thành công ở Việt Nam. Về đào tạo, tỷ lệ người có trình độ đại học, trên đại học phát triển rất nhanh.

Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế, nếu như tuổi thọ bình quân của dân số  năm 2005 là 71 tuổi, năm 2006 đạt 71,3, năm 2008 là 71,8 tuổi, thì hiện đã đạt 72,8 tuổi. Với sự già đi về dân số, chỉ tiêu tuổi thọ trung bình 75 tuổi vào năm 2020 rõ ràng không quá khó nếu không muốn nói sẽ vượt. So với thế giới, tuổi thọ người Việt Nam đang cao hơn.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2000, toàn thế giới có 580 triệu người trên 60 tuổi, còn năm 2010 đã đạt đến con số một tỷ người. Ở ta, điều tra mới nhất cho thấy số người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số. Tốc độ tăng dân số giảm mạnh, tỷ lệ tăng dân số trung bình 10 năm qua chỉ còn 1,2%... Tuy nhiên, việc nâng cao tuổi thọ dân số cũng đồng nghĩa Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ cơ cấu dân số già. Tuổi thọ trung bình ở Việt Nam đang cao hơn mức chung của thế giới (Việt Nam gần 73 tuổi, trong khi thế giới trung bình 67 tuổi). Tuổi thọ khỏe mạnh phấn đấu đạt 65 tuổi so tuổi thọ trung bình 75 tuổi vào năm 2020.

Về trình độ nhân lực, chỉ tiêu nâng lao động qua đào tạo nghề tăng từ 25% lên 55% là cần thiết. Nhưng chỉ tiêu thiên về số lượng đối với đào tạo đại học, sau đại học xem ra còn những vấn đề phải bàn. Nhiều nhà phân tích cảnh báo hiện tượng chạy đua bằng cấp sẽ dẫn đến cảnh thừa thầy, thiếu thợ, ngày càng khó khăn cho doanh nghiệp săn tìm công nhân. Sau hàng chục năm phấn đấu, chúng ta vẫn chưa có trường đại học nào vươn tầm quốc tế, vậy 10 năm tới chỉ tiêu có 4 trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế có khả thi hay không....

Phan Đăng
.
.
.