Từ công nhân nghèo trở thành “vua sáng chế”

Chủ Nhật, 12/02/2017, 13:30
Từng là công nhân nghèo, không được học đại học, ông Hoàng Đức Thảo – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco) trở thành “hiện tượng” trong giới khoa học khi được mệnh danh là “vua sáng chế” với 17 bằng độc quyền sáng chế.

Không chỉ được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, ông còn được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý dành cho nhà khoa học có đóng góp quan trọng đối với nước nhà.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thái Bình, tuổi thơ của ông là những ngày lam lũ. Ở tuổi 19, ông quyết định rời quê hương tới Kiên Giang, làm công nhân tại Công ty Xây dựng số 10. Với đam mê học hỏi và say mê nghiên cứu, ông đã có sáng kiến cải tiến máy cắt sắt và thay đổi thiết kế móng của Nhà máy Xi măng Hà Tiên.

“Hồi đó, công ty tôi thường nhập máy cắt sắt của Trung Quốc. Dây chuyền cứ vận hành được ít ngày là lưỡi cắt lại bị đứt đột ngột, việc sản xuất vì thế bị đình trệ. Tôi đã nghĩ ra cách làm giá đỡ để giảm lực đẩy trở lại của lưỡi cắt. Điều này đã mang lại hiệu quả rõ rệt” – ông kể lại.

Với sáng kiến này, ông nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và giành danh hiệu Chiến sĩ thi đua tỉnh Kiên Giang. Nhờ liên tục có các giải pháp hữu ích, mỗi năm, ông lên một bậc thợ trong khi quy định chung là 5 năm.

Bằng tài năng của mình, đến năm 2003, ông được giao quản lí Công ty Thoát nước Vũng Tàu. Thời điểm đó, Busadco chỉ có 32 người, với nguồn vốn 10 tỉ đồng cùng công nghệ hết sức lạc hậu. Dù đã ở cương vị lãnh đạo, ông vẫn chui vào những ống cống đen ngòm, bốc mùi hôi thối để thông tắc cùng công nhân. Tự mình trải nghiệm, thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân khi hàng ngày phải dìm mình xuống những ống cống đầy rác, ông lại nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị nạo vét làm thay con người.

“Vua sáng chế” Hoàng Đức Thảo.

Qua nhiều lần thử nghiệm, ông đã thành công. Thiết bị do ông chế tạo mang lại năng suất cao gấp 20 lần so với sức người thủ công, trong khi lại đảm bảo được sức khoẻ và an toàn lao động cho công nhân. Với những nỗ lực không ngừng, đến nay, Busadco đã trở thành doanh nghiệp có quy mô lớn nhất cả nước trong lĩnh vực cấp thoát nước và phát triển đô thị với tài sản lên tới hàng nghìn tỉ đồng và là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của cả nước.

Trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành lâm vào thua lỗ thì Busadco luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, lọt Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng tốt nhất Việt Nam. Ngoài trụ sở chính ở Vũng Tàu, công ty cũng đầu tư xây dựng nhiều nhà máy ở Đông Anh (Hà Nội), Kiến Xương (Thái Bình), Vinh (Nghệ An), Nha Trang (Khánh Hoà), TP Hồ Chí Minh...

Nói về thành công của mình, ông khiêm tốn chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã phải sống vất vả. Tôi rất muốn được đi học đại học như các bạn nhưng hoàn cảnh không cho phép. Quãng thời gian làm công nhân khiến tôi thấm thía nỗi vất vả của người lao động. Do vậy, khi ở cương vị lãnh đạo, tôi luôn trăn trở phải làm sao để người lao động bớt cực nhọc. Tôi rất tâm đắc với câu nói “Khoa học công nghệ là động lực và phải phục vụ cuộc sống”. Đó là lí do các sản phẩm của chúng tôi đều nhằm hỗ trợ con người và cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kĩ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu”. Về ý tưởng này, ông nói: “Với chiều dài hơn 3.000km bờ biển, Việt Nam thuộc những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chỉ 50 năm nữa thôi, nước biển có thể dâng thêm từ 30-50cm. Khi đó, những cánh đồng nông nghiệp có thể sẽ bị nhấn chìm, người dân mất đất canh tác”.

Rời xa quê hương từ khi mới 19 tuổi, ông luôn dành nhiều tình cảm cho miền quê lúa Thái Bình. Hệ thống đê biển của Thái Bình nằm trên nền cát yếu nên không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Vì thế, ông cùng cộng sự đã thử nghiệm mô hình đúc sẵn khối bê tông làm kè chắn sóng, quai đê lấn biển ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thuỵ. Công trình đã chứng minh được ưu thế vượt trội qua những cơn bão dồn dập trong năm qua.

Ông tự nhận mình là người nghiện làm việc. Mỗi ngày, ông chỉ dành 2-3 giờ để ngủ và nghỉ ngơi. “Tôi vốn là người quê nên say mê lao động. Mỗi đêm đi ngủ, tôi chỉ mong trời mau sáng để có nhiều thời gian hơn cho công việc. Trong đầu tôi luôn có quá nhiều ý tưởng” – ông chia sẻ.

Ông Hoàng Đức Thảo sinh năm 1960, được phong Anh hùng Lao động năm 2011. Dù không phải nhà khoa học chuyên sâu nghiên cứu nhưng ông có tới 30 công trình khoa học các loại, 17 bằng độc quyền sáng chế, giành 17 giải thưởng khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 6 giải thưởng Vifotec, 4 giải vàng Techmart Asean + 3; 1 giải đặc biệt, 2 giải vàng, 1 giải bạc của Tổ chức Sáng tạo KH&CN SIIF tại Hàn Quốc; 2 giải vàng của Tổ chức Sáng tạo KH&CN ITEX tại Malaysia, 1 giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới dành cho công trình sáng tạo KH&CN xuất sắc nhất Việt Nam.

Công trình “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ, sông hồ và đê biển” của ông được giới thiệu trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2016. Điều đặc biệt, ông hoàn toàn nghiên cứu, thử nghiệm bằng nguồn vốn của cá nhân và công ty, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

 

Khánh Vy
.
.
.