Triển khai 3G để... giảm thiểu nghẽn mạch và rớt sóng

Thứ Hai, 21/09/2009, 15:39
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết: Nền tảng công nghệ di động băng rộng tốc độ cao (3G) cho phép người dân truy cập Internet dễ dàng hơn với chi phí rẻ hơn, hạn chế được tình trạng nghẽn mạch.

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã có buổi giao lưu trực tuyến về triển vọng và ứng dụng công nghệ 3G tại Việt Nam.

Trả lời băn khoăn của độc giả về những tiện ích, giá cước dịch vụ 3G cũng như lo ngại 3G liệu có triệt tiêu 2G, khách hàng có bị nhà mạng đối xử theo kiểu "có mới nới cũ", Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết: Nền tảng công nghệ di động băng rộng tốc độ cao (3G) cho phép người dân truy cập Internet dễ dàng hơn với chi phí rẻ hơn, hạn chế được tình trạng nghẽn mạch.

Đối với thành phố các lợi ích của 3G đã là rõ ràng. Còn ở vùng sâu, vùng xa, nếu chỉ sử dụng điện thoại thông thường thì công nghệ 2G như hiện nay đã có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc sử dụng nền tảng công nghệ 3G trong việc đưa Internet về các trung tâm, bưu điện, trường học ở các vùng sâu, vùng xa sẽ còn rẻ hơn việc sử dụng công nghệ vệ tinh, hoặc kéo đường cáp để cung cấp Internet về vùng sâu, vùng xa. 3G là sự phát triển tiếp theo của 2G. Hai mạng này tồn tại song song và bổ sung cho nhau chứ không có chuyện 3G huỷ diệt hoặc triệt tiêu 2G. Triển khai 3G sẽ giải bài toán quá tải trên mạng 2G bởi hiện nay băng tần và dung lượng trên mạng 2G đã quá chật.

Nếu phát triển 3G dung lượng mạng sẽ lớn hơn. Trong trường hợp 2G quá tải thì các mạng sẽ chia luồng để các dịch vụ 2G được chạy trên nền 3G, giảm thiểu tình trạng quá tải, nghẽn mạng, rớt sóng như hiện nay.

Không đồng tình với quan điểm, 3G chỉ là mác gắn cho nhà giàu, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh: Công nghệ 3G, nói nôm na dễ hiểu như đường cao tốc trong giao thông, hoặc các khách sạn 5 sao, 4 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp… trong du lịch. Thế nên phải đặt câu hỏi ngược lại là có nên xây dựng đường cao tốc, khách sạn 5 sao… hay không, ở thời điểm nào, ở đâu cho phù hợp? Chẳng hạn, người ta không thể xây dựng khách sạn 5 sao ở vùng rừng núi, nhưng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì vẫn rất thiếu. Thế nên vấn đề là triển khai 3G ở đâu, vào thời điểm nào, dùng cho ai.

Đó mới là vấn đề quan trọng. Lại nói như chuyện đường giao thông, khi đường tốt rồi người ta mới mua ôtô. Tất nhiên đây là quá trình đẩy - kéo. Khi người ta mua ôtô nhiều rồi thì nó lại thúc đẩy quá trình cải thiện hạ tầng giao thông

Hoàng Mai
.
.
.