Trầm cảm: Khi con người tuyệt vọng bởi chính mình

Chủ Nhật, 18/05/2008, 11:41
Cuộc sống hiện đại, khi mà con người quá bận bịu công việc, khi mà các mối quan hệ tình cảm gia đình trở nên lỏng lẻo, khi mà cá nhân của mỗi người tồn tại trong một sự cô độc, thì rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm lúc nào mà ta không biết.

Những cách tự hủy hoại bản thân khác nhau, những cách tự chết không giống nhau, những sự kết thúc cuộc sống của chính bản thân mình một cách không ai hiểu nổi. Con người khi gặp những sự cố bất hạnh, họ trở nên cùng quẫn tuyệt vọng và tìm đến cái chết như một sự tự giải thoát.

Nhưng có những trường hợp không gặp sự cố đau thương, không rơi vào trường hợp bất hạnh, không tuyệt vọng, nhưng họ vẫn rơi vào trạng thái u uất, tuyệt vọng và điềm nhiên tìm đến cái chết mà không ai lý giải nổi vì sao họ muốn kết thúc cuộc sống của mình một cách bi thảm như vậy.

Thản nhiên đi tìm cái chết

Một đồng nghiệp lớn của tôi, vợ chồng anh chỉ có duy nhất một cô con gái. Cô bé xinh đẹp, học hành giỏi giang và lớn lên trong sự yêu thương cưng chiều của đại gia đình. Anh chị là cán bộ công chức Nhà nước, họ tâm niệm chỉ sinh một đứa con để dồn toàn bộ tình yêu thương cũng như điều kiện vật chất tốt nhất cho con.

Con gái sau khi tốt nghiệp THPT, đã được anh chị cho đi du học ở Anh. Sau khi du học và làm xong luận án thạc sỹ, cháu trở về nước và làm việc tại một công ty tài chính lớn của nước ngoài đóng tại Việt Nam.

Trong lúc con gái đang là niềm kiêu hãnh và tự hào của bố mẹ, và là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của anh chị thì đùng một cái, tuần trước, cô bé đã nhảy lầu tự tử ở ngay tại văn phòng cao ốc cô làm việc.

Cô bé kết thúc cuộc sống của mình mà không để lại bất kỳ một tin nhắn, dòng chữ với bố mẹ hoặc người thân bạn bè. Không một ai gần gũi bên cạnh em phát hiện có điều bất thường trong cuộc sống của em. Bố mẹ em vẫn hằng ngày thấy con mình đi làm về, mặt mũi tươi tỉnh, và vẫn chuyện trò cùng bố mẹ.

Tôi đến thăm anh chị và chứng kiến một nỗi mất mát đau thương tận cùng. Anh chị đồng nghiệp của tôi suy sụp, liên tục ngất xỉu và huyết áp luôn trong tình trạng bùng nổ.

Cả hai vợ chồng phải vào viện điều trị. Bác sỹ ở bệnh viện cho biết tình trạng tinh thần của cả hai vợ chồng vô cùng nguy kịch, nếu điều trị không khéo, sẽ rơi vào suy nhược thần kinh nặng do cú sốc quá lớn.

Trong khu chung cư tôi ở Linh Đàm quận Hoàng Mai, có một câu chuyện vô cùng đau đớn của một cặp vợ chồng trẻ. Họ rất yêu nhau và kết hôn được 1 năm. Năm thứ hai, người vợ mang thai và sinh được một cậu con trai đầu lòng rất kháu khỉnh. Hai mẹ con khỏe mạnh, gia đình nội ngoại hai bên cưng chiều và chăm sóc trong điều kiện tốt nhất cho hai mẹ con.

Người chồng trẻ lần đầu được làm bố, hễ rời công sở là trở về nhà ngay và quấn quýt bên vợ con. Thế nhưng, bỗng một ngày lạ lùng, đúng lúc 3h sáng, cô vợ đang nằm cạnh chồng và con đã lặng lẽ trở dậy và lén chồng ra ban công nhảy từ tầng 10 xuống bỏ lại đứa con trai mới tròn 2 tháng tuổi và người chồng rất mực yêu thương.

Đã tròn 5 năm kể từ sau sự cố đau thương này, cậu bé con đã đi học mẫu giáo lớn, người chồng vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết không thể nào giải thích nổi của người vợ trẻ. Anh gần như sống trong đau đớn, dằn vặt, và không mở lòng mình với một cuộc sống mới.

Bố mẹ anh bảo, từ bấy đến nay, không hề thấy con trai họ có ý định tìm hiểu hay yêu một người con gái nào khác để có thể làm lại cuộc hôn nhân đã mất.

Mới đây nhất, báo chí liên tục đưa tin về những vụ tự tìm đến cái chết của những cán bộ công chức, thậm chí những người có cương vị công tác cao trong đơn vị, và kể cả những người trung niên luống tuổi, có nghĩa là sự bồng bột trong hành động, sự thiếu suy nghĩ rất ít là nguyên nhân chính trong những trường hợp tự tử này.

Gần đây là ngày 13/5, tại thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, thầy giáo Trần Đại Châu, 47 tuổi, là Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ đã chọn cái chết bằng cách uống thuốc sâu và chết ở trong nhà vệ sinh của trường.

Trước đó một ngày, một cán bộ thuộc Học viện Hành chính quốc gia là ông Hoàng Văn Thắng, 49 tuổi, Phó phòng Giáo dục thể chất - chính trị - quản lý sinh viên đã dùng lưỡi dao cạo râu cắt mạch máu ở 2 cổ tay, và đi vào nhà vệ sinh dùng dây nilon sẵn có ở đấy quấn vào cổ thành 12 vòng và nằm chết tại đó mà không hề để lại một lý do nào cho hành động tự tử của mình.

Công an đã phải vào cuộc tìm nguyên nhân, và cuối cùng lý do tự chết cũng đã được xác minh rõ ràng. Ông Thắng bị bệnh trầm cảm từ cách đây 4 năm, nhiều lần đã phải đi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong quá trình điều trị đã 2 lần ông Thắng có ý định tự sát song mọi người phát hiện kịp thời.

Trước đó, Đỗ Thị Hải Yến, sinh viên Khoa Lịch sử Trường đại học Vinh đã nhảy cầu tự tử. Khi tìm đến cái chết, cô đã kịp viết vội mấy dòng: "Vì không có lối thoát trong cuộc sống, con tìm đến cái chết. Kính mong bố mẹ và mọi người hãy tha thứ cho con".

Trường hợp Quản Thị Trâm, 22 tuổi, quê Thanh Hóa là sinh viên năm thứ 2 lớp K30 Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Nghệ An đã nhảy lầu tự tử. Trước khi tự tìm đến cái chết, Trâm là cô bé vui vẻ, nói nhiều và hòa đồng với mọi người.

Một thời gian, Trâm trở nên lầm lỳ ít nói, hay cáu gắt và không tiếp xúc với ai. Bạn bè hỏi thì Trâm bảo: "Do quá buồn với bệnh tật nên không thiết sống nữa". Thực tế Trâm chẳng có bệnh gì, chỉ có biểu hiện đau dạ dày.

Trầm cảm - căn bệnh nguy hiểm của thời hiện đại

Hội chứng trầm cảm là rối loạn khí sắc thường gặp trong tâm thần học. Có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi, phụ nữ thường bị trầm cảm nhiều hơn nam giới.

Trầm cảm là một bệnh lý của não bộ do nguyên nhân sinh học, hoàn toàn không phải là một cảm giác buồn bã, chán nản thoáng qua. Nó không phải là sự yếu đuối như nhiều người vẫn nhầm lẫn. Trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai, độ tuổi nào. Mỗi đối tượng có những biểu hiện trầm cảm khác nhau.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm, bệnh trầm cảm cướp đi trung bình 850.000 mạng người. Đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 trong số căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh, nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

Hội chứng căn bệnh trầm cảm có tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp, thất tình. Biểu hiện của những người bị bệnh trầm cảm có thể nhận thấy, ngoại hình quần áo lôi thôi, vệ sinh thân thể kém, cứ chỉ chậm chạp hoặc nóng nảy, giọng nói trầm, đơn điệu, tâm sự buồn…

Âu lo thường xuyên cùng với sự sợ hãi lan rộng không rõ nguyên do. Rối loạn chức năng sinh dục, giảm hoặc mất ham muốn tình dục. Luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân, và người khác, cảm giác tuyệt vọng không có lối thoát, không còn niềm tin vào bản thân và tương lai.

Ngoài ra còn có các biểu hiện thân thể khác đi kèm như kém ăn, mất ngủ, cảm giác đau nhức cơ thể, điển hình là cảm giác tức ngực. Đối với những người bị bệnh nặng hơn còn gặp khó khăn hay không thể thực hiện những việc bình thường như đi ra ngoài, đi chợ hay đi học, gặp gỡ bạn bè, thăm người thân, tiếp xúc với người khác, đặc biệt là với người khác giới.

Các biểu hiện này có thể gặp ở người khỏe mạnh, bình thường khi gặp chuyện sốc hay buồn bực, vì vậy rất khó có thể phân biệt được đâu là tâm trạng nhất thời và khi nào thì đã mắc phải bệnh.

Điều trị bệnh trầm cảm rất khó, vì đây là căn bệnh về cảm xúc, do đó phải kết hợp thuốc và tâm lý. Có 3 phương pháp điều trị cơ bản: thuốc, tâm lý, sốc điện (riêng rẽ và kết hợp). Thường phải mất khoảng 3 đến 4 tuần điều trị mới thấy rõ được kết quả.

Cuộc sống hiện đại, khi mà con người quá bận bịu công việc, khi mà các mối quan hệ tình cảm gia đình trở nên lỏng lẻo, khi mà cá nhân của mỗi người tồn tại trong một sự cô độc, thì rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm lúc nào mà ta không biết.

Vì vậy hãy sống yêu đời, tự tin, và biết thu xếp cuộc sống của chính mình. Biết quan tâm tới tâm hồn mình, cảm xúc cũng như những mong muốn khát vọng.

Hãy sống hòa đồng với mọi người, tự tin vào chính mình và biết tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống. Như vậy con người sẽ không thể rơi vào nỗi tuyệt vọng với chính bản thân mình

Mỹ: 2 triệu thanh, thiếu niên bị trầm cảm

 Theo Cơ quan Dịch vụ về sức khỏe tâm thần Mỹ, trong năm 2007, tính trung bình, 8,5% số thanh, thiếu niên Mỹ ở độ tuổi từ 12 đến 17 (tức là khoảng 2 triệu người) bị trầm cảm trong năm 2007. Tỉ lệ nữ giới bị mắc bệnh trầm cảm là 12,7%; tỉ lệ này ở nam giới là 4,6%.

Trầm cảm là "thủ phạm" hàng đầu dẫn tới các vụ tự tử và là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây ra cái chết của thanh, thiếu niên tuổi từ 15 đến 24 ở Mỹ.

Gần một nửa trong số các đối tượng vị thành niên bị trầm cảm ở Mỹ cho biết họ bị suy giảm các chức năng hoạt động. Những trường hợp nặng thậm chí còn không thể thực hiện các hoạt động bình thường trong vòng 2 tháng.                                                  

C.T.

Dương Thục Anh
.
.
.