Tìm giải pháp thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại địa phương

Thứ Hai, 07/12/2020, 07:58
Trong khuôn khổ của sự kiện “Kết nối cung – cầu công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2020”, hội thảo về ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương năm 2020 đã diễn ra vào chiều ngày 3/12/2020, do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng.

Tại diễn đàn này, Bộ KH&CN cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 số lượng hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ là 11.036 hợp đồng, tổng giá trị 220 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2016 - 2020, số lượng hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ là 14.907 hợp đồng. Tổng giá trị hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ là 290 tỷ đồng, tăng 32%.

Bộ KH&CN nhấn mạnh: Để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, các đơn vị cần chủ động tiếp nhận, lựa chọn kết quả nghiên cứu để hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù của địa phương. Các Trung tâm cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ, tập trung xác định nhu cầu doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu và chuyên giao công nghệ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chủ trì hội thảo

Năm 2020, tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhưng một số Trung tâm đã chủ động, tập trung hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid–19 tại địa phương. Những công nghệ, sản phẩm của Trung tâm đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ làm rõ thêm những khó khăn, thách thức về thực trạng, nhu cầu, giải pháp ứng dụng và đổi mới công nghệ; Kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đưa sản phẩm ứng dụng vào thị trường; mô hình hoạt động của các Trung tâm để phát huy hiệu quả tự chủ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ.

Ông Ngô Hoàn Linh, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Nghệ An cho biết, khó khăn của địa phương hiện nay là việc huy động kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư cho các dự án; thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm trong việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ về KH-CN và các quy chuẩn cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sản xuất...

Bà Nguyễn Thị Tố Uyên - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Cần Thơ –cho hay: Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với sự phát triển các công nghệ, các Trung tâm ứng dụng phải đẩy mạnh liên kết với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các trung tâm với nhau. Mỗi trung tâm cần lựa chọn lĩnh vực công nghệ chủ lực, dựa trên điều kiện sản xuất, cơ sở vật chất có sẵn để quyết định đầu tư lựa chọn công nghệ chủ lực, cùng với quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Uyên cần tiếp tục nghiên cứu làm chủ và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực trọng điểm như: sinh học; thực phẩm; công nghệ thông tin; xử lý môi trường; nông nghiệp; tiết kiệm năng lượng; y dược; công nghiệp; vật liệu mới... Ngoài ra, các địa phương cũng cần đẩy mạnh chuyển giao, nhân rộng mô hình ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm công nghệ; khai thác nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của các tỉnh, thành; phát triển hoạt động ứng dụng, bảo đảm nhu cầu sản xuất quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng hàng hóa theo chuỗi cung ứng... Và quan trọng nữa là cần tăng cường liên kết các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN giữa các tỉnh, thành trong nước để phát triển.

Mai Thùy
.
.
.