Tiền mất tật mang vì Viagra giả

Thứ Bảy, 25/06/2011, 10:03
Tỉ lệ nam giới mắc bệnh rối loạn cường dương (RLCD) khá cao trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nên Viagra được xem như "thần dược" cứu tinh. Nhu cầu sử dụng lớn làm xuất hiện Viagra giả trên thị trường và đây là nguyên nhân khiến không ít bệnh nhân "tiền mất, tật nặng hơn". Nhưng cũng vì sự tế nhị, mà sự thật này dường như vẫn được giấu kín, nên nhiều người đã tiếp tục trở thành nạn nhân.

Nghe theo sự truyền miệng của bạn bè, anh H. đã đến một điểm bán thuốc tây mua một vỉ thuốc "tình yêu" mà người bán hàng đã giới thiệu là "hàng xách tay từ nước ngoài về". Nhưng, sau khi dùng thuốc, "tình trạng" của anh còn tệ hơn. Quá "sốc", anh H. đành tìm gặp bác sĩ chuyên khoa và được chẩn đoán bị rối loạn tiền liệt tuyến do dùng Viagra giả, thậm chí, có nguy cơ mất "khả năng đàn ông".

Nhưng trên thực tế, anh H. không phải là nạn nhân duy nhất của Viagra giả, mà nhiều bệnh viện đã phải tiếp nhận không ít bệnh nhân đến điều trị vì những biến chứng thương tâm, bị tổn thương về cả sức khỏe lẫn tâm lý do Viagra giả.

Chỉ sau hơn một thập kỉ xuất hiện, Viagra đã là loại "thần dược" được hơn 30 triệu (trong số khoảng 150 triệu) đàn ông mắc bệnh RLCD ở 120 nước sử dụng với 1,3 tỉ viên. Ở Việt Nam, số người bị bệnh cũng khá cao: 10,8% ở độ tuổi 18-32, 44% ở độ tuổi 41-50 và 57% trên 60 tuổi... Nhu cầu này khiến Viagra trở thành thứ thuốc bị làm giả phổ biến nhất hiện nay, như nhận định của WHO. Theo TS. Dược học Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược - TP HCM): Nơi xuất hiện thuốc Viagra giả nhiều nhất là ở Trung Quốc, rồi từ đây đưa sang các nước khác.

Có điều, không phải ai cũng đủ hiểu biết để đến đúng nơi bán thuốc thật, cũng như không phải ai cũng đủ tiền để mua thuốc thật, vì thế, nhiều người đã chấp nhận mua những viên thuốc không có nguồn gốc, mà không hề biết nguy cơ "lợn lành chữa thành lợn què" đang rình rập.

Một ca phẫu thuật tại Khoa Nam học tại Bệnh viện Việt Đức.

Thuốc giả chỉ khoảng 40.000-50.000đ/viên, thậm chí, chỉ 5.000đ/viên, trong khi thuốc thật giá cao hơn nhiều: 180.000-200.000đ/viên. Không ít người tin vào cái mác "hàng xách tay" mà không biết rằng, đó chính là loại hàng không chịu sự quản lý của ngành Y tế, nên nguy cơ thuốc giả càng lớn.

Ông Harry Waskiewicz - Giám đốc An ninh và Pháp chế Pfizer vùng châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: Viagra giả hiện đã xuất hiện ở gần 80 nước, trong đó có Việt Nam. Viagra giả sản xuất trong điều kiện không bảo đảm an toàn vệ sinh chất lượng, không được giám sát theo đúng luật. Đặc biệt, kết quả kiểm nghiệm còn cho thấy, 43% Viagra giả không có hoạt chất, hoặc hàm lượng quá cao so với mức chuẩn; có nhiều độc tố gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí chứa hoạt chất gây ung thư. Bên cạnh đó, một số Viagra giả còn có cả một số hoạt chất có thể gây nôn và sổ mũi.

Điều lo ngại là, thuốc Viagra giả được "nhái" tinh vi từ nhãn bao bì đến mẫu mã viên thuốc. Không ai biết có bao nhiêu viên Viagra giả đã được tiêu thụ trên thị trường, nhưng con số hàng ngàn vỉ thuốc mà Công an Hà Nội vừa thu giữ từ 2 vụ vận chuyển trái phép hồi đầu năm 2011, đã đủ thấy, những mầm họa khôn lường với nhiều "quý ông" vì loại thuốc đặc hiệu giả này.

Rất nhiều người bị RLCD thường tìm cách tự chữa trị với đủ loại thuốc, đặc biệt là những thuốc lưu hành bất hợp pháp. Mà những thuốc này khả năng giả là rất lớn, nên có thể dẫn đến những nguy hiểm khó lường.

Ths. Nguyễn Phương Hồng, Giám đốc Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt - Đức) cho biết, số người dùng phải thuốc giả vào gặp ông với lời phàn nàn "chả có tác dụng" không ít. Tuy nhiên, đó vẫn còn là những người may mắn. Vì theo TS. Nguyễn Hữu Đức thì một số thuốc giả có chứa độc chất nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu thuốc giả không chứa dược chất, hoặc chứa dược chất không đủ hàm lượng, sẽ không chữa được bệnh và càng khiến bệnh nặng thêm. Có loại nguy hiểm hơn khi chứa chất hoàn toàn khác với dược chất ghi trên nhãn, hoặc là độc chất có thể gây tai biến, thậm chí, gây chết người.

Thuốc Viagra thật cũng vẫn phải đi kèm những khuyến cáo nhất định về độ tuổi, bệnh trạng người sử dụng, do có những tác dụng phụ. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã lên tiếng khuyến cáo không nên coi Viagra như thần dược dẫn đến lạm dụng, vì hoàn toàn không phải là thuốc kích dục, không có tác dụng cường dương. Do đó, thuốc không lưu hành rộng rãi trên thị trường mà chỉ được sử dụng trong điều trị ở các chuyên khoa nam học, tiết niệu, nội tiết, đái tháo đường tuyến Trung ương và các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

Để đảm bảo an toàn, tránh những hậu quả xấu do thuốc giả gây ra, GS.TS. Trần Quán Anh, Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam khuyên những người cần phải sử dụng thuốc điều trị bệnh RLCD không nên tự chữa và tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, mà nên đến các địa chỉ tin cậy để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về cả bệnh, lẫn địa chỉ mua thuốc do ngành Y tế quản lý

Dạ Miên
.
.
.