"Thần Biển" - khách sạn 5 sao dưới đáy đại dương

Thứ Năm, 05/05/2005, 06:54

Cho đến nay, nhiều ý tưởng và dự án nhằm đưa con người xuống sinh sống ở đại dương đã thất bại. Tuy nhiên, ý tưởng xây dựng khách sạn 5 sao đặc biệt mang tên "Thần Biển" của kiến trúc sư người Mỹ Bratt Jones có nhiều điểm khả thi, mở ra hi vọng trong một ngày không xa con người có thể đi nghỉ dưới biển.

Nước Mỹ đã từng đưa ra kế hoạch chinh phục không gian vô cùng tốn kém và lâu dài để đưa con người lên sống tại sao Hỏa. Tuy nhiên, theo cách lập luận của kiến trúc sư người Mỹ Bratt Jones thì con người không cần phải tiêu tốn quá nhiều tiền của và thời gian để có thể lên được sao Hỏa, bởi vì trên trái đất của chúng ta có một nơi rất có lợi cho sức khỏe của con người, có thể đáp ứng nhu cầu thám hiểm, đó chính là thế giới sâu thẳm dưới đại dương.

Chính kiến trúc sư B. Jones đã dành rất nhiều tiền bạc và công sức, thời gian của mình để chứng minh lập luận trên của ông. Sau 17 năm nghiên cứu, B. Jones thậm chí đã phải bán cả con tàu cá nhân sang trọng của mình để đầu tư trên 40 triệu USD thiết kế một khách sạn 5 sao sang trọng mang tên “Thần Biển” dưới đại dương. Theo dự kiến, khách sạn này sẽ được xây dựng tại khu vực gần hòn đảo Elimia thuộc quần đảo Bahama cách mặt nước biển  60 mét.

Trên thế giới hiện chỉ có một khách sạn dưới biển duy nhất là khách sạn “Juless” nằm tại đảo Key Largo, bang Florida, Mỹ. Tuy nhiên khách sạn dưới biển mang tên “Thần Biển” của B. Jones sẽ không giống với khách sạn “Juless”. Khi đến với “Thần Biển”, mọi người không phải mặc đồ lặn thấm nước ướt sũng để bước vào phòng nghỉ của mình và cũng không phải lo lắng về vấn đề thay đổi áp lực của nước, bởi vì các phòng nghỉ sang trọng của khách sạn “Thần Biển” luôn duy trì áp lực thích hợp giống hệt với khi con người ở trên mặt đất. Mọi người có thể đi bằng cầu thang máy để ra các khu vực nằm bên ngoài khách sạn. Theo dự tính, giá qua đêm trung bình của một phòng tại khách sạn “Thần Biển” là 1.500 USD.

Với các bức tường làm bằng hợp kim trong suốt, quý khách có thể nhìn thấy những rừng san hô tuyệt vời lung linh sắc màu ở đáy biển qua những đèn chiếu từ khu trung tâm ánh sáng của khách sạn. Ngoài ra, mỗi một phòng ngủ hay vui chơi giải trí đều có máy điều chỉnh đa năng tự động, quý khách có thể dùng máy này để điều chỉnh độ sáng của căn phòng, có thể điều chỉnh cửa sổ và thậm chí có thể thả thức ăn cho đàn cá đang bơi lội tung tăng phía bên ngoài.  Hiện tại giới kiến trúc sư và các nhà khoa học tại Mỹ đang rất hào hứng về tính khả thi của dự án xây dựng khách sạn “Thần Biển” của B. Jones, và cho đây là một hướng đi rất táo bạo cho xu thế khai thác hiệu quả các bất động sản ở đáy biển phục vụ cuộc sống nhân loại.

Ngay từ những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, nhà thám hiểm hải dương người Pháp Jacques Costeau sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu đã đưa ra ý tưởng thiết kế một khu chung cư nằm ở đáy đại dương. Từ năm 1977 đến 1981, một kiến trúc sư người Pháp khác là Jacques Lapory tiếp tục đưa ra một ý tưởng thiết kế 3 căn hộ lớn nằm dưới biển, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà chủ yếu là vấn đề kinh phí nên cuối cùng vẫn chỉ là ý tưởng.

Sau này, Jacques Lapory còn có ý tưởng thiết kế xây dựng một trang trại ngầm ở đáy biển tại đảo Viking, song ý tưởng này của ông cũng không thành hiện thực. Ngoài các ý tưởng của những người Pháp kể trên, thì người Mỹ cũng đã từng có dự án mang tên “Căn cứ  hải dương số 1”. Dự án này nếu hoàn thành sẽ trở thành một trạm nghiên cứu dưới biển của Mỹ.

Theo ý tưởng này, một trạm nghiên cứu hình khối được đặt sâu 600 mét dưới biển, đáng chú ý trong trạm này có một khu căn hộ chung cư và một siêu thị. Nếu muốn xuống trạm nghiên cứu, người ta có thể đi bằng thang máy từ trên mặt nước. Tuy nhiên, dự án này nếu thực hiện sẽ tiêu tốn một lượng lớn tiền của, do vậy nó cũng không được thực hiện. Hiện nay, tại Dubai của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất cũng đang thực hiện một thiết kế mang tên “Hydropolis” xây dựng một khách sạn sang trọng với kiến trúc đặc biệt dưới biển. Dự án này là một tổ hợp gồm 220 phòng khách sẽ được xây dựng ở độ sâu 66 mét dưới mặt biển vịnh Pecxich, giá qua đêm cao nhất trong mỗi phòng tại khách sạn này là 500 USD.

Mặc dù còn một số khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính, song giới nghiên cứu biển ở Mỹ vẫn hy vọng dự án xây khách sạn "Thần Biển" của B. Jones sẽ được hoàn tất vào năm 2006 theo như kế hoạch. Kiến trúc sư B. Jones tuyên bố, bằng mọi giá ông sẽ hoàn thành khách sạn “Thần Biển” theo đúng kế hoạch và đây sẽ là lĩnh vực kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận cho ông sau này

Quốc Văn (theo Khoa kỹ tân văn)
.
.
.