Thăm hòn đảo độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Chủ Nhật, 24/08/2014, 14:26
Đảo Rều hay còn gọi đảo Khỉ nằm ven vịnh Bái Tử Long cách cảng Vũng Đục, phường Cẩm Phả, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) khoảng 1km. Đảo Khỉ là hòn đảo độc nhất vô nhị ở Việt Nam (thuộc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế), nơi đây đã và đang nuôi dưỡng hàng ngàn chú khỉ phục vụ cho những thí nghiệm khoa học, sản xuất vaccin và nhiều sinh phẩm y tế phục vụ cho sự nghiệp cứu người…

Mọi người vẫn trìu mến gọi BS thú y Vũ Công Long là “chúa đảo”. Ông là người đã sống và làm việc trên đảo 30 năm, vì vậy bác sĩ Long quá hiểu về loài khỉ. Trò chuyện với “chúa đảo”, chúng tôi được biết hơn 50 năm về trước đảo Rều là đảo hoang, chỉ một số cư dân từ đất liền đến đây khai hoang canh tác trồng ngô, khoai, sắn. Năm 1962, đảo được giao cho Bộ Y tế để đầu tư thành trại nuôi khỉ để thử nghiệm, nghiên cứu, chiết xuất vaccin.

Những câu chuyện mà “chúa đảo” kể là những chuyện có thực xen lẫn sự dí dỏm, hài hước trong cách diễn đạt của anh khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên xen lẫn sự tò mò, chuyện về cuộc sống hàng ngày, đời tư của họ hàng nhà khỉ, những tình cảm của những chú khỉ với những người nuôi dưỡng trên đảo, rồi tình cảm của những chú khỉ với riêng anh… đã cho thấy khỉ là loài rất gần gũi với con người, và có lẽ chính điều này mà các nhà khoa học đã chọn khỉ làm vật thí nghiệm để nghiên cứu và cấy vaccin, để rồi khi thành công sẽ được thực hiện trên người.

Bác sĩ Vũ Công Long cho khỉ uống thử vaccin.

Hiện trên đảo Rều có khoảng 1.000 con khỉ các loại được nuôi, sinh sống trong điều kiện bán hoang dã, khỉ ở đây là giống khỉ lông vàng đuôi ngắn, có tên khoa học là Macaca Mulallata. Loài khỉ vàng này có cơ thể tương đối sạch, ít bị nhiễm các mầm bệnh hơn các loài khỉ khác, mỗi năm trên đảo có khoảng 150 khỉ con được ra đời. Khỉ thường sống theo đàn khoảng 30 - 50 con/đàn, mỗi đàn có một con đầu đàn gọi là khỉ chúa, là con khỉ đực to lớn và có sức khoẻ nhất trong đàn. Mỗi khỉ chúa thường sở hữu đến 3 - 4 khỉ cái...

Công việc chăm sóc, nuôi dưỡng khỉ khá vất vả. Khỉ ở đây cũng được nuôi dưỡng bán hoang dã. Theo BS Long, cơ thể sinh học của loài khỉ gần giống với người nên dễ nhiễm những căn bệnh giống người, vì vậy việc phòng dịch ở đây được hết sức coi trọng, không để dịch bệnh lây nhiễm sang khỉ, nếu dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc nghiên cứu vaccin. Cứ mỗi tháng một lần, các nhà khoa học Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế có trụ sở tại Hà Nội lại đến đảo một lần để kiểm tra, lấy huyết thanh, cho uống, tiêm thử vaccin cho khỉ. Công việc của các cán bộ ở đây tưởng chừng đơn giản nhưng hết sức quan trọng bởi nếu sai hoặc nhầm lẫn sẽ dẫn đến thất bại trong nghiên cứu vaccin. Môi lần thử nghiệm sẽ có khoảng từ 30 đến 50 chú khỉ khoảng 1 năm tuổi. Chúng được tiêm, được uống, được chăm sóc, nuôi nhốt theo dõi hết sức cẩn thận trong quá trình nghiên cứu. “Khỉ ở đây thông minh và nó cũng có linh cảm như con người, khi chúng tôi bắt chúng để chuẩn bị “hiến thân nó cũng khóc cũng buồn rầu và sợ hãi, những khi cho nó uống thử vaccin thì nhiều con cũng gan lỳ, phản đối lắm nhưng nó cũng biết nhìn vào ánh mắt của cán bộ để xử sự đấy” - “chúa đảo” Long chia sẻ.

Để có thể sản xuất hàng triệu liều vaccin phòng bại liệt, viêm gan A, bệnh tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp và gần đây là thuốc phòng chống H5N1 giúp chúng ta ngăn ngừa mầm mống dịch bệnh, chống chọi với những đại dịch, ngoài sự nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học không thể không kể đến hàng vạn con khỉ đã thầm lặng hiến thân cho những cuộc thử nghiệm. Hơn 50 năm tồn tại, đảo khỉ đã cống hiến hàng vạn cá thể cho khoa học, hàng triệu liều vaccin đã đồng hành cùng cuộc sống được thử nghiệm và chiết xuất từ nơi đây. Được biết trước kia để sản xuất được 10 triệu liều vaccin, hàng trăm chú khỉ phải hiến thân cho khoa học, nhưng nay đã có những máy móc hiện đại, công nghệ cao nên chỉ phải hy sinh 100 con mà thuốc cũng thu về được nhiều hơn. Để tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của khỉ, trên đảo đã dựng một phiến đá ở vị trí khá đẹp với dòng chữ: “Đảo Khỉ, nơi chăn nuôi và cung cấp khỉ vàng Macaca Mulatta cho nghiên cứu y học và sản xuất vaccin”.

Trên đảo hiện có 14 cán bộ làm việc. Thâm niên lâu nhất là BS thú y “chúa đảo” Vũ Công Long. Ngoài ra còn nhiều cặp vợ chồng cũng tình nguyện gắn bó cả đời với đảo Khỉ như vợ chồng BS Phó đảo Nguyễn Huy Phương đã ra đảo từ năm 1994, vợ chồng anh Phạm Minh Tuấn - Nguyễn Thị Hà cũng ngót nghét gần hai chục năm bám đảo. Mặc dù cách đất liền không xa nhưng dăm bữa nửa tháng họ mới thay nhau về thăm gia đình một lần. Khó khăn nhất là hiện nay trên đảo chưa có trường học nên các cháu nhỏ nếu có điều kiện thì cũng chỉ ở với bố mẹ đến 5 tuổi, khi vào tiểu học lại phải vào đất liền ở với người thân để đi học…

Trần Việt - Lưu Hiệp
.
.
.