Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em

Thứ Hai, 22/08/2011, 09:13
Với người Việt Nam, khiếm khuyết bộ phận sinh dục (BPSD) vẫn là một điều tế nhị, nên những gia đình có con bị dị tật thường không muốn chia sẻ thông tin. Vì thế, danh tiếng của vị Giáo sư người Italia, nhất là thông tin về bé Thiện Nhân đã được chính BS. Roberto DeCastro tái tạo BPSD, nay tiến triển rất tốt, trở thành niềm hy vọng mãnh liệt và gần như duy nhất cho nhiều người.

Sẽ có hàng chục em bé bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục (BPSD) có thể đổi đời chỉ trong vài tháng nữa, nhờ “bàn tay vàng” của vị bác sĩ phẫu thuật hàng đầu và duy nhất trên thế giới về tái tạo BPSD trẻ em. Đó là một niềm vui cho không chỉ các em và gia đình, mà cho bất cứ ai quan tâm đến những số phận không may mắn này. Đây là kết quả của chương trình “Tái tạo BPSD cho trẻ không may” ở Việt Nam do Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức thực hiện từ sáng kiến của chị Trần Mai Anh, mẹ nuôi của “chú lính chì” Thiện Nhân và ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (cha đỡ đầu của bé Thiện Nhân).

Nỗi đau dị tật

Hành lang khu nhà C của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội luôn chật ních người với âm sắc đủ cả 3 miền: TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Dương, Hà Nội v.v… cùng kiên nhẫn chờ đợi để được vị bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng thế giới trực tiếp khám và tư vấn cho con mình. Những đứa trẻ bị dị tật ở BPSD thuộc nhiều độ tuổi, từ 2-3 đến 14-15 tuổi, cả trai và gái. Có thể đọc được nỗi lo âu dâng lên trong ánh mắt của tất cả các bậc phụ huynh đã phải mang con đến đây. Nhất là khi, nhiều gia đình đã đưa con đi phẫu thuật tới chục lần, nhưng vẫn không thành công.

Chị Trần Thị D., ở Núi Thành, Quảng Nam ngồi ôm đứa con nhỏ với nét mặt đầy căng thẳng. Bởi chị đã 4 lần cho con đi phẫu thuật, nhưng vẫn không thành công. Cậu bé Vũ Văn Tr. lên 7 vẫn phải đi tiểu ngồi vì lỗ tiểu thấp. Một cậu bé vẫn vào nhà vệ sinh nam như mọi người, nhưng lại phải tiểu ngồi, quả là điều “lạ lùng” nên đã áp lực tâm lý không nhỏ cho cả bé lẫn cha mẹ, vì những lời châm chọc, trêu đùa của bạn bè và cả người lớn.

Trong khi đó, cậu bé Nguyễn Như K. cũng rất chật vật mỗi lần đi tiểu, vì lỗ tiểu lại ở vị trí cao, nên nếu không cẩn thận là bị bắn “vọt” lên mặt, và không chỉ làm bẩn chính mình, mà còn ảnh hưởng đến người khác. Bé gái Lê Thị B. với 3 đường niệu đạo, âm đạo và hậu môn đều chung một đường. Bé gái Huỳnh Thị Ngọc L. lại không có âm đạo. Rất thương tâm khi BPSD của cháu Bùi Lê M. đã bị biến dạng đến mức không nhận ra. Mẹ bé đã từng đưa con lên bàn mổ hơn 10 lần, mà vẫn vô vọng. Vì thế, các bé đều phải sống rất lúng túng ngay giữa đời thường, đó là chưa nói đến khi trưởng thành, các cháu sẽ không biết phải đối diện với sự thật ra sao. Đằng sau mỗi cháu bé là cả một số phận với cảnh ngộ thương tâm.

TS. Trần Bảo Khánh, giảng viên bộ môn Phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội, cho biết: Phần lớn các cháu bị bệnh lý về cơ quan sinh dục do bẩm sinh, chỉ một phần nhỏ do bỏng, hoặc chấn thương, nhưng đều khá thương tâm: Bé trai không có “chim”, hoặc không có tinh hoàn, thậm chí không có cả “chim” lẫn tinh hoàn. Có cháu tinh hoàn bị lạc chỗ, có cháu lại bị ẩn bên trong. Có cháu bị lún dương vật, có cháu “chim” nằm dưới tinh hoàn, hoặc “chim” bị cong vẹo hay quá nhỏ v.v… Tất cả những dị tật đó khiến cho các bé không chỉ khó khăn trong sinh hoạt, mà còn bị mặc cảm về tâm lý. Đó là chưa kể, trong tương lai, các cháu phải chịu ảnh hưởng rất lớn của dị tật, đặc biệt là các bé gái, nếu không được phẫu thuật. Số cháu bị khiếm khuyết BPSD ở Việt Nam nhiều so với nhiều nước, do chưa được sàng lọc tốt trước khi sinh để phát hiện những bà mẹ bị đột biến gien khi mang thai.

BS. Roberto DeCastro (thứ 2 từ phải sang) khám và tư vấn cho các bệnh nhi bị dị tật BPSD.

Với người Việt Nam, khiếm khuyết BPSD vẫn là một điều tế nhị, nên những gia đình có con bị dị tật thường không muốn chia sẻ thông tin, phần vì lo ngại dư luận xã hội, phần vì tuyệt vọng không tìm ra lối thoát. Vì thế, danh tiếng của vị Giáo sư người Italia, nhất là thông tin về bé Thiện Nhân đã được chính BS. Roberto DeCastro tái tạo BPSD, nay tiến triển rất tốt, trở thành niềm hy vọng mãnh liệt và gần như duy nhất cho nhiều người.

Bất ngờ vì số trẻ bị khiếm khuyết BPSD

Con số 80 hồ sơ trẻ bị khiếm khuyết BPSD gửi đến ban đầu đã khiến BS. Roberto DeCastro ngạc nhiên, nên ông càng bất ngờ khi con số này lên tới 120 vào ngày cuối cùng. Ông không nghĩ rằng, ở Việt Nam, số lượng các cháu bé bị tổn thương BPSD lại nhiều đến thế, vì trên thế giới, khiếm khuyết BPSD rất hiếm gặp với tỉ lệ 25 triệu người mới có một người. Cho đến nay, BS. Roberto DeCastro cũng chỉ mới phẫu thuật tổng cộng 30 trường hợp ở các nước.

Có khoảng 10 cháu sẽ được BS. Roberto DeCastro trực tiếp phẫu thuật vào tháng 11/2011, theo tiêu chí ưu tiên các cháu cần phẫu thuật khẩn cấp hoặc chịu những biến đổi ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Điều này cho thấy, BS. Roberto DeCastro đặc biệt chú ý đến tâm lý của trẻ. Ông sẽ đích thân phẫu thuật các ca khó, còn những trường hợp ít phức tạp hơn, ông cùng các bác sĩ Việt Nam thực hiện, hoặc chuyển giao công nghệ cho các bác sỹ Việt Nam.

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội, chia sẻ một thông tin: Tuy các bác sĩ Việt Nam chưa tái tạo BPSD trẻ em, nhưng đã thực hiện ở người lớn. Những kỹ thuật mà BS. Roberto DeCastro chuyển giao sẽ giúp các thầy thuốc Việt Nam có thể phẫu thuật nhiều hơn cho các cháu bị khiếm khuyết về BPSD, điều này có ý nghĩa quan trọng khi số cháu bé bị bệnh khá nhiều như hiện nay.

Với tấm lòng của BS. Roberto DeCastro, sự tiếp nhận công nghệ của các thầy thuốc Việt Nam, hy vọng các bé bị khiếm khuyết về BPSD ở Việt Nam sẽ có một cuộc đời mới. Tuy nhiên, chi phí cho mỗi ca tái tạo BPSD khá cao, trong khi các cháu đều thuộc gia đình khó khăn, nên chương trình “Tái tạo BPSD cho trẻ không may” đang kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức, để giấc mơ có được cuộc sống bình thường của các bé bị dị tật BPSD có thể trở thành hiện thực

Thanh Hằng
.
.
.