Tại sao đàn ông quyền lực hay ngoại tình?

Thứ Sáu, 20/05/2011, 16:16
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng quyền lực có mối liên quan đến sự tự tin và những người có sự tự tin cao thường có xu hướng "lầm đường lạc lối". So với quyền lực, yếu tố gene dường như chỉ tạo ra một sự khác biệt nhỏ.

Những vụ bê bối tình dục của các chính trị gia lớn đang là tâm điểm của báo chí khắp thế giới. Sau khi giám đốc IMF Strauss-Kahn bị bắt giam vì cáo buộc xâm phạm tình dục cô hầu phòng hôm 15/5, thì cựu thống đốc California Arnold Schwarzenegger cũng thừa nhận có con riêng với người giúp việc từ hơn 10 năm trước.

Các nghiên cứu chứng minh rằng, quyền lực đi kèm với những cám dỗ và nhiều người đàn ông có chức quyền thừa nhận họ bị cuốn vào vòng xoáy đó. Quyền lực là yếu tố thúc đẩy ngoại tình mạnh hơn so với gene.

Dominique Strauss-Kahn, cựu giám đốc IMF, đang là tâm điểm của báo giới sau vụ bê bối tình dục với cô hầu phòng. Ảnh: AP

Một nghiên cứu tại Mỹ cho biết so với người bình thường, thì người có quyền lực thường là đã hoặc muốn ngoại tình nhiều hơn. Theo Livescience, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng quyền lực có mối liên quan đến sự tự tin và những người có sự tự tin cao thường có xu hướng "lầm đường lạc lối".

So với quyền lực, yếu tố gene dường như chỉ tạo ra một sự khác biệt nhỏ.

Rất khó để có thể biết được trung bình có bao nhiêu người có quan hệ bất chính vì những người được hỏi thường có xu hướng không thành thật, kể cả trong những cuộc điều tra giấu tên. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố năm 2010 tại Mỹ thì có 3,8% đàn ông và 1,4 % phụ nữ thừa nhận họ không chung thủy. Những người có vị thế cao hơn ở cả hai phái thì có mức độ ngoại tình lớn hơn những người còn lại.

Tạp chí Khoa học tâm lý khẳng định rằng các chính trị gia có nhiều cơ hội để ngoại tình hơn những người bình thường. "Họ gặp gỡ rất nhiều người. Phụ nữ thường bị ấn tượng bởi vị thế của họ", Pepper Schwartz, chuyên gia về giới tính và quan hệ thuộc trường Đại học WashingtonSeattle, Mỹ nói.

Stephanie Coontz, nhà nghiên cứu lịch sử thuộc Đại học Evergreen ở Washington cho biết thêm: "Đặc quyền có một sức ảnh hưởng ghê gớm đến hứng thú tình dục vì thế đàn ông rất dễ chuyển từ cái bản ngã mà họ vẫn trung thành sang tình dục".

Trong khi đó, những phụ nữ nào tin rằng việc quan hệ với những người giàu có và quyền lực sẽ có lợi cho họ, thì cũng có xu hướng chấp nhận vị trí làm người tình.

"Các chính trị gia luôn sẵn lòng có nhiều người tình hơn những kẻ bình thường", ông Coontz nói.

Chuyên gia này cũng nhận xét rằng công chúng Mỹ luôn tỏ ra tức giận khi nghe tin về một vụ ngoại tình nào đó của các chính trị gia, nhưng cũng rất nhanh chóng tha thứ. Ví dụ điển hình là cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đã trở lại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với tinh thần rất thoải mái bất chấp bê bối ngoại tình trước đó.

"Công chúng hiện nay thể hiện sự tức giận nhiều hơn trước đây, nhưng khi một chính trị gia quay về với vợ và người vợ đó ủng hộ ông chồng bê bối của mình, thì công chúng lại lập tức trở nên mềm mỏng hơn. Chúng ta dễ tha thứ cho kẻ có quyền hơn những kẻ bình thường"

Theo VnExpress
.
.
.