Tác động tâm lý của những cuộc phẫu thuật cấy ghép mặt

Thứ Tư, 17/01/2007, 08:29
Cách đây 11 năm, một bác sĩ người Ấn Độ đã lần đầu tiên tiến hành một cuộc phẫu thuật cấy ghép mặt. Cho đến nay việc phẫu thuật mặt đã có những bước tiến dài. Thế nhưng không phải ai cũng đồng ý với phẫu thuật cấy ghép mặt, có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau trong vệc có nên phẫu thuật cấy ghép mặt hay không…!

Tại một cánh đồng lúa ở làng Ludhiana, Bắc Ấn Độ, bà Harpal Kaur và cô con gái xinh đẹp 9 tuổi Sandeep đang cắt rơm cho trâu bò ăn thì chiếc bím tóc của cô bé bị mắc kẹt vào chiếc máy đập lúa, giật kéo phăng cả lớp da mặt và da đầu của cô bé ra làm hai mảnh và rớt xuống mặt đất bẩn thỉu.

Với sự bình tĩnh tuyệt vời, bà Harpal đã nhặt hai mảnh này, bỏ vào túi plastic. Cùng con gái nằm hôn mê trong vòng tay mẹ, bố của Sandeep đã phóng xe máy hết 3,5 giờ đến bệnh viện thuộc Trường đại học y khoa Christian.

Người đang phiên trực là bác sĩ Abraham Thomas, một trong những nhà phẫu thuật hàng đầu của Ấn Độ. Nhìn vào hai mảnh da, ông đã kêu lên: “Ôi Chúa ơi, tôi không thể làm được đâu!”. Thế nhưng, ông vẫn bắt tay vào việc. Sau mũi khâu nối động mạch đầu tiên, ông đã can đảm hơn khi  thấy một mảnh da của gương mặt bắt đầu có sắc hồng lên.

Trong suốt 10 giờ sau đó, ông đã tỉ mỉ nối từng dây thần kinh và mạch máu. Cuộc phẫu thuật đã thành công. Giờ đây, ở tuổi 20, dù khuôn mặt có những vết sẹo, nhưng Sandeep khá khỏe mạnh và đang theo học ngành y.

Đó là câu chuyện đã xảy ra cách đây 11 năm. Bác sĩ Thomas là người đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công phẫu thuật ghép tái tạo gương mặt. Kể từ đó, các nhóm bác sĩ phẫu thuật ở Anh, Mỹ và Pháp đã cố gắng trở thành người đầu tiên trong lịch sử y khoa thực hiện cuộc ghép toàn diện - tức là lấy khuôn mặt của một người chết gắn vào khuôn mặt của một người sống.

Một trong những người đó là Peter Butler, một nhà tư vấn y khoa nổi tiếng, công tác tại Bệnh viện Royal Free ở London. Ông đã hình thành một nhóm nghiên cứu gồm 35 thành viên, kinh phí làm việc được lấy một phần từ thu nhập cá nhân của ông.

Ông đã cố gắng giải quyết một số vấn đề như chống thải ghép mô, dùng kem chống miễn dịch. Vào cuối năm 2005, thế giới chấn động với tin Giáo sư người Pháp Jean-Michel Dubernard đã thực hiện ca ghép thay thế một phần gương mặt đầu tiên. Người cho mô là một bệnh nhân chết não (cô Maryline Saint Aubert).

Người nhận là bà Isabelle Dinoire, 38 tuổi, được ghép mũi, miệng và cằm do bị chó cắn. Êkíp  này đúng là những người tiên phong nhưng sau đó họ đã bị Ủy ban đạo đức quốc gia Pháp từ chối không được phẫu thuật tương tự nữa. Dubernard - bạn thân của Tổng thống Chirac - cũng là người đầu tiên thực hiện ca ghép bàn tay vào năm 1988.

Thế rồi, vào tháng 7/2006, một nông dân Trung Quốc 30 tuổi đã được thay thế một phần gương mặt, gồm mũi, má, môi trên và lông mày sau khi bị gấu tấn công. Cuộc phẫu thuật được thực hiện trong 15 giờ tại Tây An. Phản ứng trước ca phẫu thuật ghép mặt đầu tiên đã đi từ vui mừng sang âu lo và kinh sợ.

Đa số các nhà phẫu thuật nói rằng nó đã đem lại niềm hy vọng mới cho những ai đang phải vật vã với khuôn mặt dị hình. Kỹ thuật hiện nay - bao gồm tiến trình “đắp cánh tay hông”, tức là cấy ghép từ những mảng da lấy từ cánh tay, da, mô và xương của chính bệnh nhân - đòi hỏi phải thực hiện hàng chục ca phẫu thuật trong nhiều năm mà bệnh nhân vẫn kết thúc với khuôn mặt méo mó.

Các chuyên gia hy vọng rằng cấy ghép mặt sẽ chỉ là một cuộc phẫu thuật duy nhất kèm theo một chương trình dùng dược phẩm dài lâu để chống đào thải ghép. Một trong những thuận lợi là bạn sẽ có một khuôn mặt tự nhiên chứ không phải là một miếng da chắp vá nhiều mảnh.

Tiến trình có thể thực hiện từ lúc bệnh nhân còn trẻ tuổi, bởi vì khuôn mặt mới sẽ lớn lên cùng với họ. Người cho phải là người chết não, đã đồng ý lúc còn sống và đang trong tình trạng mạnh khỏe. Thân nhân cần phải được hỏi ý kiến.

Chọn đúng người cho cũng không kém khó khăn: Đó là sự tương hợp về giới tính, kích thước khuôn mặt nhìn theo không gian ba chiều, cấu trúc da và màu sắc. Khuôn mặt mới là sự pha trộn giữa người cho và người nhận, đem lại những lợi ích về mặt mỹ học, chức năng và tâm lý.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y khoa, tâm lý học, tổ chức xã hội cho rằng những lợi ích kể trên không đáng để “làm liều”, không thể đối xử với khuôn mặt như các cơ quan nội tạng hay chân tay được. Tác động tâm lý của những cuộc phẫu thuật như vậy, tức là về các mặt danh dự phẩm giá và nhân dạng, vẫn chưa được nghiên cứu.

Chẳng phải là có một điều thiêng liêng gì đó khi bạn sở hữu một gương mặt của người khác? James Partridge là  giám đốc điều hành của Changing Faces, một tổ chức từ thiện chuyên giúp những người có khuôn mặt dị hình vượt qua các trở ngại bằng cách xây dựng lòng tự trọng và kỹ năng giao tiếp hữu hiệu.

Chiến thuật làm việc hàng ngày của ông là yêu cầu người đối diện hãy tập trung vào đôi mắt, chứ không chú mục vào nét dị dạng của ông, bởi chính ông cũng là một bệnh nhân được ghép mặt. Tuy nhiên, với nhiều người, ghép mặt đã đem lại cho họ sự tự tin trong cuộc sống.

Chẳng hạn, Michelle Syms là nữ y tá 27 tuổi, làm việc tại Khoa Phẫu thuật ruột kết. Năm lên 8 tuổi, cô bị phỏng nặng tại một buổi tiệc  Halloween do chiếc váy nylon bắt cháy, bám vào da, khiến 69% diện tích da bị méo mó, ảnh hưởng đến mặt, tay, chân, lưng.

Qua 65 cuộc phẫu thuật, cô đã cảm thấy quá đủ rồi. Nhưng hồi còn đi học, cô nhớ mình đã từng mong muốn được phẫu thuật ghép mặt vì bị bạn bè ở trường trêu chọc, hiếp đáp. Cô Kirsty Nisbet, 15 tuổi, có 89 vết sẹo trên mặt sau một vụ tấn công bằng dao tại Edinburgh cách đây 5 năm.

Cô nói mình sẵn sàng sống với khuôn mặt của người khác còn hơn là với khuôn mặt “sần sùi” hiện nay. Cuộc phẫu thuật thay ghép mặt đầu tiên đã thành công, nhưng vẫn còn đó là những câu hỏi nóng hổi về ý nghĩa hiện tại và tương lai của nó...

Thuý Hân (theo Reader's Digest)
.
.
.