Sáng kiến “độc” của hai học sinh nghèo được Hội thảo quốc tế quan tâm

Thứ Hai, 29/05/2017, 16:45
Sản phẩm của Hưng và Quyên thiết kế dựa trên tính toán khá đơn giản, dễ vận chuyển, gần gũi với thiên nhiên và đặc biệt là có độ bền cao, dễ sử dụng,… nhưng không phải ai cũng nghĩ ra.

Tại Hội thảo quốc tế “Thách thức an ninh nguồn nước sông Mêkông và câu chuyện ở ĐBSCL - Việt Nam” do Trung tâm con người và thiên nhiên (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) kết hợp cùng Trường ĐH Cần Thơ tổ chức, khai mạc tại TP Cần Thơ sáng 29-5, nhiều đại biểu, trong đó có Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam – ông H.E. Pereric Hogber, cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia môi trường đặc biệt quan tâm đến sáng kiến của hai học sinh nghèo vùng biên giới An Giang, đó là Võ Thành Hưng và Trần Thị Thảo Quyên  (cùng SN 2000, học sinh lớp 11A4 Trường THPT Vĩnh Xương).

Trước hàng trăm đại biểu dự Hội thảo, chiều 29-5, học sinh Võ Thành Hưng cho biết gia đình em cùng bạn Quyên sinh sống ở xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. “Nhà em cách biên giới khoảng 3km, còn nhà Quyên chỉ khoảng 500m. Từ trước khi em được sinh ra, ba mẹ em đã qua nước bạn Campuchia thuê đất làm ruộng; còn ba mẹ Quyên thì qua đó thuê đất để vừa làm lúa, vừa trồng xoài. Trong những ngày cha mẹ về nhà, thấy da và đầu móng tay, móng chân của cha mẹ bị ố vàng, chúng em hỏi thì được cha mẹ cho biết do ở Campuchia nước nhiễm phèn nên dẫn đến như thế. Rất thương cha mẹ trước thực tế đó nên chúng em tìm tòi tham khảo ý kiến thầy cô… Và chúng em quyết định tạo máy lọc nước nhằm tạo ra nước sạch từ guồn nước bị ô nhiễm, nước bị nhiễm phèn,… Hơn một tháng mày mò, chúng em đã cho ra đời chiếc máy hoàn chỉnh”, Hưng kể.

Sản phẩm của Hưng và Quyên thiết kế dựa trên tính toán khá đơn giản, dễ vận chuyển, gần gũi với thiên nhiên và đặc biệt là có độ bền cao, dễ sử dụng,… nhưng không phải ai cũng nghĩ ra. Hưng cho biết, do sáng kiến của các em có mục đích cho người dân nghèo nên tất cả các thiết bị cũng được tính toán kỹ nhất, nhất là giá thành phải rẻ nhất. 

“Máy lọc này được tạo thành bởi pin năng lượng mặt trời, bộ điều khiển sạc, bộ biến DC sang AC, bình ắc quy, khung kính, điện trở, hệ thống ống,…Tổng giá thành phẩm chỉ khoảng 790 ngàn đồng”, Hưng cho biết thêm.

.Hai học sinh biên giới An Giang chụp ảnh chung với Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.

Cho đại biểu xem những hình ảnh so sánh trước và sau khi dùng máy lọc nước của chính những những người thân trong gia đình mình, Hưng kể thêm thêm: “Sau khi có máy lọc nước, đời sống của những thành viên trong gia đình của chúng em được cải thiện rất nhiều, sức khỏe ngày một được đảm bảo, thu nhập ổn định hơn trước (vì không phải tốn một số tiền không nhỏ để mua nước sạch)". 

"Máy lọc nước giúp loại bỏ các chất gây ô nhiểm clo và vi khuẩn nên nước ngon hơn và tốt hơn so với nước mà gia đình chúng em xử lý bằng cách truyền thống là lóng phèn hoặc cho nước vào chai, phơi nắng. Máy lọc nước loại bỏ được chì do vậy, có thể  dùng nước từ máy lọc để uống ngay. Việc sử dụng nước trực tiếp từ máy lọc nước tất nhiên có chi phí ít hơn nhiều so với nước đóng chai trên thị trường hiện nay”.

Hưng và Quyên cho biết bộ lọc nước mà hai em tạo nên cũng là đồ dùng để các em và bạn bè học tập dựa trên các hiện tượng sự chuyển hóa năng lượng và sự bay hơi của nước, giúp các bạn cùng trường quê mình bước đầu gắn liền học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tiễn, từ đó chất lượng học tập. Giải quyết các tình huống trên giúp cho việc vận dụng kiến thức của các môn học vào thực tiễn một cách hiệu quả, kết hợp học lý thuyết với thực hành.  

TS.Nguyễn Trần Thiện Khánh, Khoa Kỹ thuật Công nghệ Môi trường, Trường ĐH An Giang: Có nhiều nguyên nhân khiến nguồn nước tại nhiều vùng quê vùng ĐBSCL hiện nay bị ô nhiễm. “Người dân dù không muốn vẫn phải “sống chung” với thực tế đó. Do vậy, những sáng kiến để góp phần cải thiện nguồn nước sinh hoạt hiện nay như sáng kiến của hai học sinh  là rất cầt thiết và đáng khuyến khích”.


Thái Bình
.
.
.