Pompeji trở về từ tro bụi

Thứ Năm, 29/11/2007, 14:12
Một bất ngờ đặc biệt thú vị với chúng tôi khi đến Pompeji, đúng hôm đó - ngày duy nhất trong năm, khách tham quan được vào Pompeji miễn phí. Thông thường chỉ có công dân liên minh châu Âu trên 65 và dưới 18 tuổi mới được hưởng ưu tiên này.

Nằm bên cạnh vịnh Napoli, cách núi lửa Vesuv khoảng 10km, chính vì vậy Pompeji cổ đại đã là nạn nhân của đợt động đất và phun trào núi lửa khủng khiếp năm 79. Toàn bộ Pompeji đã bị vùi lấp dưới lớp tro dày đến 5,2m.

Lang thang trên các phố, tôi thấy một thành phố cổ đại (tuy chỉ còn là phế tích) được xây dựng cách đây trên 2.000 đến 2.600 năm nhưng thật sự quy củ và hoành tráng.

Những con đường lát đá thẳng băng còn hằn rõ những vết xe lăn. Mỗi đầu phố có các vòi nước công cộng để dân chúng có nước sạch dùng. Các bếp nấu ăn tập thể, một kiểu quán ăn thời ấy để dân thường mua suất ăn hợp túi tiền. Những bể tắm công cộng đúng theo kiểu của người La Mã cổ đại (Pompeji là thuộc địa của đế quốc La Mã thời ấy).

Con đường lát đá thẳng tắp còn hằn vết xe lăn.

Thi thoảng tôi lại bắt gặp những cửa hàng làm bánh mì vẫn còn nguyên trạng lò nướng, cối xay lúa mì hay chum vại đựng bột mì, rồi cửa hàng thợ nhuộm, chợ búa.

Pompeji là thành phố nhỏ nhưng khá giàu với forum là trung tâm quyền lực về tôn giáo, chính trị và kinh tế. Xung quanh forum là những toà nhà chính của thành phố như Basilica, Macellum, đền thờ thần Jupiter, đền Eumachia nơi thờ hoàng đế Augustus và vợ ông.

Đền Apollo.

Hội đường Basilica rộng 24 x 55m là nơi gặp gỡ của các doanh nhân, lái buôn, là nơi đổi tiền và cũng là toà án thời ấy. Mecellum là chợ mua bán lương thực, thực phẩm của người dân Pompeji thời bấy giờ nhưng được xây dựng rất hoành tráng với những hàng cột cao hướng về forum. Ngoài ra ở đây còn có đền đài hoành tráng khác như đền Venus và đền Apollo - tượng thần Apollo, nhà hát và đấu trường La Mã quy mô khá lớn.

Nhưng đặc biệt ấn tượng với tôi lại là những villa cực kỳ sang trọng và hoành tráng ở phía tây bắc của khu bảo tồn. Casa dei Vettii, Casas degli Amorini Dorati, Casa del Fauno, Casa di Menandro và tất nhiên không thể thiếu Villa dei Misteri.

Tất cả những ngôi nhà và villa này đều thuộc những gia đình dòng dõi và giàu có của Pompeji thủa ấy với những bức hoạ và mosaic tinh xảo. Điển hình là bức mosaic Alexander trên nền nhà của Casa del Fauno diễn tả trận đánh Issus (ở khu di tích chỉ là bản copy, bản chính được bày tại bảo tàng khảo cổ quốc gia Napoli).

Đấu trường La Mã (Amphitheater).

Một ấn tượng khác với tôi là những xác người còng queo nay đã được đưa vào tủ kính hay trên những kệ đỡ mà du khách có thể tham quan. Tuy chỉ là những xác thạch cao được đổ theo tỷ lệ 1:1 sau khi Pompeji được khai quật (trên 2.000 xác người bị thiêu cháy hay chết ngạt dưới các tầng tro bụi đã được phát hiện), nhưng dễ dàng hình dung ra cảnh tượng hỗn loạn, kinh hoàng và thương tâm của người dân Pompeji khi núi lửa Vesuv hoành hành.

Một bức họa mosaic tinh xảo.

Cảnh những bà mẹ với những đứa con đang cố thoát khỏi lưỡi hái của thần chết khó ai có thể quên được. “Nổi tiếng” nhất là cảnh tượng ở “Orto die Fuggiaschi” nơi xác của 13 người đã được tìm thấy vào năm 1962. Trong đó rõ nét nhất là xác hai trẻ em vẫn đang nắm tay nhau, một người hầu khoác bị, một ông già, một đôi vợ chồng với một đứa con trong đó bà mẹ vẫn đang dùng khăn để che miệng vì khí độc - họ đã chết ngạt trên đường chạy nạn.

Pompeji thủa ấy đủ mọi cấp dân, sống bằng đủ mọi ngành nghề, từ những nghề tiểu thủ công cho đến buôn bán nhỏ và lớn. “Nghề mại dâm” lúc ấy cũng đã được phát triển mạnh nơi này. Lầu xanh được phân bổ khắp nơi, nổi tiếng nhất mà ngày nay du khách được biết là lầu xanh mang tên “Lupanare pompeiano”, cho du khách bắt đầu được vào thăm năm 2006. Lầu xanh này được rất nhiều người tham quan, có lẽ họ muốn biết người dân Pompeji thời bấy giờ “chơi bời” như thế nào.

Những gì ngày nay du khách được chiêm ngưỡng chỉ là một phần nhỏ mà Pompeji đã có một thời. Nhiều hiện vật quý hiện nay được giữ trong bảo tàng khảo cổ học quốc gia ở Napoli - đây thực sự là một bảo tàng quý hiếm, nhiều phần cũng bởi những di sản vô giá mà Pompeji đã để lại cho nhân loại.

Pompeji được khai quật lần đầu tiên vào năm 1748 dưới thời vua Bourbone Karl III, lúc ấy cũng chỉ vì ông ta cần tiền bạc và báu vật được chôn vùi ở đây, sau đó nó lại được lấp lại. Khi Pompeji được khai quật ồ ạt và chưa có hệ thống là lúc Pompeji bị tổn thất nặng nề. Kể cả khi Pompeji được khai quật có hệ thống dưới sự chỉ đạo của Giuseppe Fiorelli thì những công trình kiến trúc ấy cũng bị nắng, bị mưa và gió làm cho chúng mỗi ngày một phôi pha. Đặc biệt từ khi Pompeji trở thành điểm hút khách du lịch năm châu thì sự phôi pha của thành phố cổ đại này càng ngày càng nặng nề, mặc dù đây cũng là nguồn thu đáng kể để tu sửa lại những gì còn giữ lại được. Pompeji đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hoá thế giới từ năm 1997 .

Theo Nam Vinh - Vi Bằng (Sài Gòn Tiếp thị)
.
.
.